''Điểm tựa'' cho người dân phát triển kinh tế

05:04, 07/04/2022
Năm qua, từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tạo “đòn bẩy” cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Lâm Hà có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo và chung tay xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
 
Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện, gia đình anh K’Brao đã ổn định được cuộc sống
Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện, gia đình anh K’Brao đã ổn định được cuộc sống
 
•  VƯƠN LÊN NHỜ NGUỒN VỐN VAY TÍN DỤNG
 
Cùng theo chân cán bộ NHCSXH huyện, chúng tôi đến thăm gia đình anh K’Brao (39 tuổi) tại tổ dân phố Đa Huynh (thị trấn Đinh Văn), tấm gương điển hình vượt khó vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay tín dụng chính sách. Năm 2018, gia đình anh được biết về nguồn vốn cho vay ưu đãi của NHCSXH, với lãi suất thấp, không phải thế chấp tài sản, anh quyết định làm đơn xin vay 30 triệu đồng, nhằm cải tạo chăm sóc cà phê, phát triển kinh tế trong gia đình. “Lấy ngắn nuôi dài, gia đình tôi quyết định vay vốn, tằn tiện, tích góp nên đến nay, gia đình cũng đã có của ăn của để, có tiền xây nhà mới để ở, còn lo cho con học hành đến nơi đến chốn nữa. Hiện nay, vợ chồng tôi có mua thêm gần 4 sào lúa, với tổng thu nhập gần 20 triệu đồng/vụ. Còn với 4 ha cà phê, cuối năm gia đình thu về được 8 tấn với 280 triệu đồng/năm. Cũng chính vì vậy, đến cuối năm 2020, vợ chồng tôi đã xin tổ dân phố được thoát nghèo” - anh cho hay.
 
Hầu hết các hộ gia đình được vay vốn tại tổ dân phố Đa Huynh đều nhận thấy rằng: Vào thời điểm khó khăn nhất thì những đồng vốn vay từ NHCSXH huyện là “cứu cánh”, bởi sau khi đầu tư chuồng trại và mua con giống, cây giống thì gần như nguồn vốn đã cạn, không đủ tiền duy trì. Nhờ những đồng vốn của ngân hàng cho vay, các hộ mới có điều kiện duy trì, chăm sóc.
 
Để nguồn vốn được phát huy hiệu quả, thời gian qua, ngoài việc bình xét đúng đối tượng thụ hưởng, việc kiểm tra sử dụng nguồn vốn vay là rất quan trọng. Vì thế, NHCSXH huyện yêu cầu các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV), Hội nhận ủy thác phải thực hiện nghiêm túc nội dung này. Ông K’Nhel (56 tuổi), Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn tổ dân phố Đa Huynh chia sẻ: Trước khi lập danh sách hộ vay trình cấp trên phê duyệt, chúng tôi đều họp, bình xét công khai, dân chủ, đảm bảo đúng đối tượng và đúng quy trình vay vốn của NHCSXH quy định. Sau khi nhận tiền vay, Tổ TKVV thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn phát huy hiệu quả, đúng mục đích xin vay. Với 59 thành viên, nhờ được vay vốn, đến nay, kinh tế các hộ dân phát triển hơn nhiều, chăn nuôi bò, heo, mua được đất đai làm vườn cà phê, vườn dâu phát triển kinh tế. Mức thu nhập trung bình từ 50 - 60 triệu/năm.
 
•  TIẾP SỨC CHO NGƯỜI NGHÈO 
 
Theo Phó Giám đốc NHCSXH huyện Lâm Hà, Chắng Khánh Quỳnh Lan: Ngay những tháng đầu năm 2021, chúng tôi đã tranh thủ nguồn vốn từ NHCSXH Việt Nam và nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang, kịp thời phân giao xuống xã và giải ngân nhanh đến các đối tượng thụ hưởng, đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh của các đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là hộ nghèo. 
 
Tính đến ngày 31/12/2021, tổng dư nợ của đơn vị đạt trên 403 tỷ đồng, với 12 chương trình tín dụng ưu đãi/11.207 khách hàng, dư nợ tăng hơn 20 tỷ đồng so với đầu năm. Nguồn vốn ưu đãi này đã góp phần tạo việc làm mới cho gần 2.052 lao động; xây dựng trên 1.547 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; trồng mới, trồng thay thế 1.326 ha cà phê; chi phí học tập 119 học sinh, sinh viên; giúp cho 705 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo.
 
Bên cạnh việc tăng trưởng dư nợ tín dụng, thời gian qua, NHCSXH huyện chú trọng thực hiện nhiều biện pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay và mở rộng đối tượng cho vay nhằm giải quyết khó khăn do dịch bệnh và thiên tai, NHCSXH huyện Lâm Hà tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tiếp tục phối hợp cơ quan liên quan rà soát, xác định nhu cầu vốn của đối tượng thụ hưởng, tranh thủ tối đa nguồn vốn của Trung ương, tỉnh và nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển sang để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất, kinh doanh…
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, Đinh Đức Chí nhấn mạnh, vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH thật sự đã trở thành một “điểm tựa” cho người nghèo, giúp bà con phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, huyện Lâm Hà sẽ tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng đến người dân về nội dung và thủ tục vay vốn của các chương trình tín dụng, làm tốt công tác kiểm tra sử dụng vốn để bảo đảm vốn vay sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, tăng cường thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để tạo lập nguồn vốn vay quay vòng; rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng để giải ngân kịp thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong vay vốn, đặc biệt là cho vay hỗ trợ tạo sinh kế ổn định cho đối tượng lao động trở về địa phương do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
 
THÂN THU HIỀN