Góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân

06:05, 31/05/2022
Với việc xác định đúng thế mạnh của từng vùng, từng địa phương trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng của các cấp, các ngành mà hiện nay, nông dân trên địa bàn huyện Đam Rông đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, chủ động tiếp cận thị trường cũng như ứng dụng công nghệ để gia tăng giá trị sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Cây dứa đang là niềm hi vọng mới của nông dân ở xã Rô Men
Cây dứa đang là niềm hi vọng mới của nông dân ở xã Rô Men
 
Ông Nguyễn Thiện Chí - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đam Rông cho biết, những năm gần đây, các cấp hội đã tăng cường công tác truyền truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao trình độ cho nông dân về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; nắm vững các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; vận động, hướng dẫn nông dân phát huy nội lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. 
 
Là huyện còn nhiều khó khăn với 100% người dân sống ở nông thôn nhưng những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; bộ mặt nông thôn ở Đam Rông ngày càng khởi sắc. Trình độ sản xuất của nông dân có nhiều chuyển biến, người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào trong sản xuất và đời sống. Từ đó, chất lượng cuộc sống của Nhân dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, ngày càng xuất hiện nhiều các điển hình tiến tiến; số hộ gia đình nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, gia đình văn hoá ngày càng cao. 
 
Đặc biệt, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững luôn được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện quan tâm đặt thành mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Từ phong trào, đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tìm tòi dưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới như: nuôi hươu lấy nhung, nhiều mô hình nuôi cá nước lạnh, trồng cây ăn trái, phát triển rau, hoa công nghệ trong nhà kính... góp phần đa dạng hoá sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn. 
 
Phong trào cũng đã góp phần thúc đẩy việc thành lập các loại hình trang trại, gia trại hiệu quả kinh tế cao như trồng cây ăn quả, nuôi bò, heo, nuôi trồng thủy sản và nhiều mô hình kinh tế tổng hợp. Nhiều nhóm hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã thành lập các tổ hợp tác, HTX nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tham gia tích cực củng cố và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, toàn huyện có 3 chi hội nghề nghiệp; 12 tổ hội nghề nghiệp và 12 hợp tác xã nông nghiệp và 10 tổ hợp tác do cán bộ, hội viên nông dân thành lập. 
 
“Dù tổ hợp tác mới thành lập nhưng đã thu hút đông đảo hội viên nông dân, diện tích cũng tăng nhờ giá trị cũng như chất lượng trái dứa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Chúng tôi cũng rất vui mừng khi được công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao của huyện và một hộ gia đình đã có chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh cây cà phê, dâu tằm truyền thống thì tôi cũng tin rằng diện tích dứa sẽ tiếp tục được mở rộng bởi trồng dứa không đòi hỏi nhiều kỹ thuật nên phù hợp với trình độ canh tác của người dân địa phương, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số”, ông Nguyễn Minh Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Rô Men, đồng thời là Tổ trưởng Tổ Hợp tác dứa Rô Men chia sẻ.
 
Theo thống kê, hiện, toàn huyện có 79 mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, trong đó, trồng trọt 39 mô hình; chăn nuôi 17 mô hình; thuỷ sản 3 mô hình và dịch vụ 16 mô hình. Mặc dù, số mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện chưa nhiều, nhưng bước đầu đã có sự chuyển biến về nhận thức của hội viên và Nhân dân trong ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
 
“Người dân đã dần chuyển đổi từ chăn nuôi truyền thống sang phát triển theo quy mô trang trại, mô hình công nghiệp và bán công nghiệp; phát triển các loại gia súc, gia cầm chất lượng cao, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Việc chia thành các tiểu vùng nhỏ và chọn những hướng đi phù hợp cho nông nghiệp của từng khu vực đang từng bước hình thành nên bức tranh nông nghiệp đa dạng và hiệu quả”, ông Nguyễn Thiện Chí khẳng định.
 
Trải qua 2 năm chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh và thiên tai nhưng với với sự nỗ lực chính quyền và các cấp, các ngành, đặc biệt là sự chủ động trong thay đổi tư duy sản xuất của chính những người nông dân đã nỗ lực tăng gia sản xuất, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp; đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. 
 
HỒNG THẮM