Trồng thuần mắc ca theo hướng hữu cơ

06:05, 30/05/2022
Mạnh dạn phá bỏ cây cà phê để nhường lại môi trường sinh thái phát triển 15 ha chuyên canh cây mắc ca trong 2 năm qua, nhiều nông hộ tại xã Phi Liêng và xã Đạ K‘Nàng, huyện Đam Rông đang được ngành Nông nghiệp Lâm Đồng chọn lựa xây dựng mô hình chuyển giao quy trình phát triển theo hướng hữu cơ giai đoạn năm 2022-2025.
 
Trong năm 2022, Cơ sở chế biến mắc ca Dung Hội ở xã Phi Liêng, huyện Đam Rông phấn đấu đạt công suất chế biến 5.000 kg mắc ca thành phẩm
Trong năm 2022, Cơ sở chế biến mắc ca Dung Hội ở xã Phi Liêng, huyện Đam Rông phấn đấu đạt công suất chế biến 5.000 kg mắc ca thành phẩm
 
•  TỪ CÂY MẮC CA THỰC SINH XEN CANH
 
Qua tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2010 với mong muốn chuyển đổi các loại cây trồng mới phù hợp với vùng đất Phi Liêng và Đạ K’Nàng của huyện Đam Rông, nông dân Phan Văn Hội (sinh năm 1984) cùng các nông hộ người thân đi nhiều nơi của vùng núi phía Bắc và các tỉnh Tây Nguyên tìm kiếm và chọn lựa cuối cùng với những cây giống mắc ca thực sinh đưa về trồng xen cùng cây cà phê kinh doanh. Sau thời gian chủ động nghiên cứu các nguồn tư liệu và thực tế sản xuất mắc ca của nhiều nơi, Phan Văn Hội cùng các “cộng sự” nông dân đã tự hoàn chỉnh mật độ trồng xen 280 cây mắc ca giữa 1.100 cây cà phê kinh doanh trên diện tích 1 ha của mình ở Phi Liêng và Đạ K’Nàng. Kết quả hơn 3 năm đầu tiên, nông hộ Phan Văn Hội và các nông hộ người thân đã hoàn thành giai đoạn kiến thiết cơ bản với 10 ha mắc ca thực sinh xen canh. Và đến 5 năm sau đó, tổng diện tích mắc ca xen canh ở đây tiếp tục phát triển lên đến 15 ha. “Mắc ca sinh trưởng xen canh với cà phệ từ năm thứ sáu, thứ bảy trở đi của các hộ gia đình ở 2 xã Phi Liêng và Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông đã đơm hoa kết trái, năng suất đạt trung bình 10 kg/cây/năm. Mỗi năm thu hoạch thu hoạch 2 vụ. Vụ chính từ tháng 5 đến tháng 8. Vụ phụ từ tháng 3 đến tháng 6...”, nông dân Phan Văn Hội cho biết. 
 
Để phát triển mắc ca theo hướng bền vững, các hộ nông dân ở xã Phi Liêng và Đạ K’Nàng tiếp tục tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, trước mắt, tập trung các khu vực rộng lớn thị trường trong nước. Giải pháp được tiến hành ở đây là canh tác theo hướng hữu cơ gắn với chế biến và tiêu thụ. Trong đó, canh tác theo hướng hữu cơ được các hộ từng bước hoàn chỉnh phù hợp trên từng diện tích khu vườn của mình, cụ thể giảm dần và đi đến chấm dứt sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Còn chế biến thì phải tự mày mò lắp đặt dây chuyền máy móc vận hành cho ra thành phẩm mắc ca đạt chất lượng và hương vị đặc trưng, thu hút ngày càng nhiều khách hàng tiêu thụ. Từ định hướng này, hộ sản xuất và chế biến mắc ca Phan Văn Hội đã từng bước cải tiến dây chuyền máy móc, khép kín hoạt động chế biến các dòng sản phẩm mắc ca Đam Rông cạnh tranh hiệu quả trên thị trường trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. 
 
•  ĐẾN 15 HA MẮC CA TRỒNG THUẦN THEO HƯỚNG HỮU CƠ
 
Và dấu mốc thời gian đáng ghi nhận của nông hộ Phan Văn Hội cùng các nông hộ người thân của mình đó là vào năm 2020 đã phá bỏ hoàn toàn cây cà phê trên tổng diện tích 15 ha, tạo môi trường chuyên canh trồng thuần cho cây mắc ca thực sinh theo hướng hữu cơ thuộc vùng đất Phi Liêng và Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông. Qua thu hoạch 2 vụ trong năm 2021 và 1 vụ trong năm 2022, sản lượng canh tác mắc ca trồng thuần ở 2 xã này đạt năng suất 15 kg/cây trở lên, cao hơn 5 kg/cây trồng xen canh từ trước đến nay. Theo các chủ vườn, tổng diện tích 15 ha mắc ca trồng thuần chuyên canh ở đây bước đầu sinh trưởng hiệu quả với liều lượng dinh dưỡng mỗi năm bón 30 - 40 kg phân chuồng/cây; sử dụng các chế phẩm sinh học phòng, trừ các loại bệnh hại trong thời điểm trước khi ra hoa và sau khi cây đậu trái. Đặc biệt, với vùng Phi Liêng và Đạ K’Nàng của huyện Đam Rông lượng mưa quanh năm xem như vừa đủ tạo độ ẩm trong đất để nuôi dưỡng tươi tốt cho cây mắc ca, nhất là những tháng mùa hè nhiệt độ lên cao vẫn rất ít khi phải tưới nước. Tính toán hiệu quả kinh tế trồng mắc ca thuần trong 2 năm vừa qua đạt giá trị gần 250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn khoảng gấp 5 lần so với canh tác cà phê trên cùng đơn vị diện tích ở các khu vực này. 
 
Tính riêng sản phẩm mắc ca hữu cơ chế biến từ Cơ sở Dung Hội của hộ gia đình anh Phan Văn Hội ở xã Phi Liêng, huyện Đam Rông trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 1.000 kg, trong đó chiếm tỷ lệ 50 - 50 tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. Còn lại tất cả sản lượng mắc ca thu hoạch từ 15 ha trồng thuần theo hướng hữu cơ đều được Cơ sở Dung Hội bao tiêu, sơ chế và tiêu thụ ở nhiều khu vực thị trường trong nước. Trước nhu cầu sử dụng của khách hàng dự báo tăng lên mỗi năm, Cơ sở Dung Hội tiếp tục nâng cấp dây chuyền máy móc chế biến các dòng sản phẩm mắc ca đã đạt tiêu chuẩn xếp loại hạng 3 sao của huyện Đam Rông trong năm 2021 vừa qua. 
 
Theo chủ cơ sở Phan Văn Hội, qua khảo sát các thị trường tiềm năng trong nước, Cơ sở Dung Hội đặt mục tiêu đạt được đến cuối năm 2022 khoảng 5.000 kg sản phẩm mắc ca chế biến, tăng gấp 2 lần hiện nay. Đây là tín hiệu mới khẳng định mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ mắc ca ở xã Phi Liêng và xã Đạ K’Nàng không chỉ dần ổn định trên diện tích 15 ha hiện có, mà còn triển vọng nhân rộng thêm nhiều diện tích trên các vùng nông nghiệp huyện Đam Rông cũng từ giải pháp canh tác theo hướng hữu cơ này. 
 
VĂN VIỆT