Để người cao tuổi ''sống khỏe, sống vui, sống có ích''

05:06, 20/06/2022
Thời gian qua, công tác chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Qua đó, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ quyền lợi người cao tuổi.
 
Các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm đến người cao tuổi
Các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm đến người cao tuổi
 
Theo số liệu từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, hiện, toàn tỉnh có trên 87.000 hội viên Hội Người cao tuổi tham gia sinh hoạt tại 1.376 chi hội khu dân cư thuộc 142 Hội Người cao tuổi xã, phường, thị trấn. Với phương châm “Không để bất kỳ người cao tuổi nào phải sống thiếu thốn về vật chất và tinh thần; được tham gia sinh hoạt cộng đồng, được chăm sóc sức khỏe”, Hội Người cao tuổi các cấp phối hợp với các ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi. Hằng năm, thông qua Phong trào “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, các Câu lạc bộ “Liên thế hệ”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, câu lạc bộ dưỡng sinh, các hoạt động văn hóa - văn nghệ - thể dục thể thao, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… của Hội Người cao tuổi các cấp đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ quyền lợi người cao tuổi.
 
Thông qua các phong trào, hoạt động, cán bộ và hội viên Hội Người cao tuổi các cấp trong tỉnh đã và đang thực hiện tốt vai trò giáo dục truyền thống đoàn kết, yêu nước, yêu con người cho con cháu. Đồng thời, xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở cơ sở và cộng đồng, tham gia các phong trào, cuộc vận động tại địa phương. Bên cạnh đó, truyền thụ kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức, nghề truyền thống cho con cháu; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng; thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở; tích cực đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, tham gia giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh… Từ những đóng góp cho sự phát triển của địa phương, đã có hàng trăm điển hình người tốt việc tốt trong cán bộ, hội viên người cao tuổi trên địa bàn tỉnh được Đảng, Nhà nước, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, chính quyền, MTTQ các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng.
 
Tuy nhiên, người cao tuổi trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn như đa số sống chủ yếu ở nông thôn, một số cụ sống neo đơn không có người thân chăm sóc, đời sống vật chất còn thiếu thốn… Đặc biệt, hiện nay có tới 60% người cao tuổi sức khỏe yếu, trung bình một người cao tuổi mang từ 3 - 6 bệnh nền khiến họ đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mãn tính. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa thích ứng với việc già hóa dân số nhanh, việc xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng dân cư chưa được quan tâm đúng mức. 
 
Do đó, để chăm sóc sức khỏe cũng như đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi, hỗ trợ người cao tuổi trên địa bàn tỉnh “Sống khỏe, sống vui, sống có ích”, theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành chức năng về công tác chăm sóc sức khỏe và tinh thần của người cao tuổi. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền vận động thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi người dân, tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe, tinh thần người cao tuổi ngay trên từng địa bàn dân cư và mỗi hộ gia đình có người cao tuổi. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cho các bệnh viện thực hiện khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho tuyến dưới, nhất là tuyến xã; đẩy mạnh các chương trình, dự án về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, vận động xây dựng Quỹ “Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi”; nghiên cứu, thí điểm tiến tới hình thành Quỹ Dưỡng lão trên cơ sở đóng góp của người dân, bảo đảm mọi người đều được chăm sóc khi về già. Phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư, phối hợp chặt chẽ với các chi hội, đoàn thể thường xuyên nắm tình hình, rà soát và kịp thời phân công hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp các trường hợp người cao tuổi nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, ốm đau, khuyết tật… trên địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các Phong trào “Tuổi cao, gương sáng”, nhân rộng và tổ chức hiệu quả các mô hình văn hóa - văn nghệ - thể dục thể thao, câu lạc bộ dưỡng sinh, Câu lạc bộ “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, Câu lạc bộ “Liên thế hệ”… tạo sân chơi đa dạng, phong phú nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người cao tuổi. Cùng với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tăng cường công tác nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của người cao tuổi, tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, quy định liên quan về chăm sóc người cao tuổi.
 
VIỆT HÙNG