Nỗ lực kiểm soát thuốc lá

04:06, 08/06/2022
Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 17/3/2005. Mục tiêu của Công ước nhằm bảo vệ các thế hệ hiện nay và tương lai khỏi các hậu quả tàn phá về sức khoẻ, xã hội, môi trường và kinh tế của việc tiêu thụ thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc.
 
Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng tham gia Hội thi tuyên truyền Phòng, chống tác hại của thuốc lá
Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng tham gia Hội thi tuyên truyền Phòng, chống tác hại của thuốc lá
 
•  ƯU TIÊN CHO QUYỀN BẢO VỆ SỨC KHOẺ CÔNG CỘNG
 
Năm nay, Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá  do WHO phát động có chủ đề: “Thuốc lá - Mối đe dọa tới môi trường của chúng ta”. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, WHO kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, đồng thời để hạn chế rác thải gây ô nhiễm môi trường.
 
Theo Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO thống nhất nhận thức sự lan rộng của nạn dịch thuốc lá là một vấn đề toàn cầu với những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khoẻ công cộng, đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế và sự tham gia rộng rãi nhất của tất cả các nước để đối phó với nạn dịch này. Phản ánh mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về các hậu quả tàn phá trên qui mô toàn thế giới về sức khoẻ, xã hội, kinh tế và môi trường do việc tiêu thụ thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc gây ra. Hết sức lo ngại về  sự gia tăng trong tiêu thụ và sản xuất thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá khác trên toàn cầu, đặc biệt tại các nước đang phát triển, cũng như trước gánh nặng mà tình trạng này gây ra đối với các gia đình, người nghèo và các hệ thống y tế quốc gia.
 
Các bằng chứng khoa học đã chứng minh một cách rõ ràng rằng việc sử dụng thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc là nguyên nhân dẫn đến tử vong, bệnh tật và tàn phế và có một khoảng cách về thời gian từ khi bắt đầu phơi nhiễm với khói thuốc và những sử dụng khác của  sản phẩm thuốc lá đến khi có các biểu hiện về các bệnh tật liên quan đến thuốc lá. Thuốc lá và  một số sản phẩm khác chứa thuốc lá được chế tạo một cách tinh xảo nhằm mục đích tạo ra và duy trì sự phụ thuộc vào thuốc lá và nhiều hợp chất chứa trong thuốc lá và khói do thuốc lá sinh ra có hoạt tính dược lý,  độc hại,  gây biến đổi gen và  gây ung thư, riêng sự phụ thuộc vào thuốc lá đã được xếp loại là một tình trạng rối loạn trong các  phân loại về bệnh tật của quốc tế .
 
Vấn nạn thuốc lá được WHO ghi nhận có bằng chứng khoa học rõ ràng cho thấy việc phụ nữ có thai phơi nhiễm với khói thuốc sẽ gây hại  đối với sức khoẻ và điều kiện phát triển của trẻ em. Lo ngại sâu sắc về sự gia tăng trong việc hút thuốc lá và các hình thức sử dụng thuốc lá khác ở trẻ em và thiếu niên toàn cầu, đặc biệt là việc hút thuốc ở các lứa tuổi ngày càng trẻ. Báo động về tình trạng gia tăng hút thuốc và các hình thức sử dụng thuốc lá khác trong phụ nữ và  thiếu nữ trên toàn thế giới và nhận thức rõ nhu cầu phải có sự tham gia đầy đủ của phụ nữ tại tất cả các cấp của quá trình hình thành và thực hiện chính sách và nhu cầu phải có các chiến lược chú trọng tới vấn đề giới trong kiểm soát thuốc lá. Mức độ cao về  hút thuốc lá và sử dụng thuốc lá dưới các dạng khác trong cộng đồng và về tác động của tất cả các hình  thức quảng cáo,  khuyến mãi và  tài trợ nhằm khuyến khích sử dụng các sản phẩm thuốc lá.
 
WHO kêu gọi cần phải hành động hợp tác nhằm xóa bỏ tất cả các hình thức buôn bán bất hợp pháp thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá khác, bao gồm buôn lậu, sản xuất bất hợp pháp  và sản xuất thuốc lá giả. Việc kiểm soát thuốc lá ở tất cả các cấp và đặc biệt là tại các nước đang phát triển đòi hỏi phải có đủ các nguồn lực tài chính và kỹ thuật tương xứng với các nhu cầu hiện tại và nhu cầu dự báo  cho các hoạt động kiểm soát thuốc lá. 
 
•  CAM KẾT ĐẨY LÙI VẤN NẠN THUỐC LÁ 
 
Mục tiêu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO nhằm bảo vệ các thế hệ hiện nay và tương lai khỏi các hậu quả tàn phá về sức khoẻ, xã hội, môi trường và kinh tế của việc tiêu thụ thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc bằng việc cung cấp một khuôn khổ cho các biện pháp kiểm soát thuốc lá do các bên thực hiện ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế nhằm làm giảm đáng kể và liên tục tỉ lệ người sử dụng thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc lá.
 
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết: So với năm 2015, hiện, tỷ lệ nam giới nước ta hút thuốc giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Tỷ lệ hút thuốc thụ động giảm đáng kể tại các địa điểm như: Nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà. Riêng đối với tỷ lệ hút thuốc trong học sinh, kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh Toàn cầu tại Việt Nam do WHO thực hiện năm 2019 cho thấy  tỷ lệ hút thuốc trong học sinh độ tuổi 13-17 giảm từ 5,36%  năm 2013 xuống 2,78% năm 2019 (giảm gần 50%). Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của Chương trình Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam. 
 
Tuy nhiên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cũng nhìn nhận: Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng gặp nhiều khó khăn như tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao; đặc biệt hiện nay, trên thị trường lại xuất hiện các sản phẩm như thuốc lá điện tử,  thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút Shisha và được mua bán, quảng cáo nhiều trên mạng xã hội và chủ yếu nhằm vào giới trẻ... 
 
Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO nêu rõ các nguyên tắc: Mọi người đều được thông báo về các hậu quả đối với sức khoẻ, tính gây nghiện, và nguy cơ chết người do việc tiêu thụ thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc lá gây ra và các biện pháp lập pháp, hành pháp, hành chính có hiệu quả hoặc các biện pháp khác phải được tính đến tại cấp độ Chính phủ phù hợp để bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị phơi nhiễm với khói thuốc lá. Cam kết chính trị mạnh mẽ là cần thiết để phát triển và hỗ trợ ở cấp quốc gia và quốc tế cho các biện pháp phối hợp liên ngành toàn diện. Trong đó, có các biện pháp để bảo vệ tất cả mọi người khỏi việc phơi nhiễm đối với khói thuốc lá; các biện pháp để ngăn ngừa sự bắt đầu,  khuyến khích và ủng hộ việc cai nghiện và giảm việc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá dưới mọi hình thức; khuyến khích sự tham gia của các cá nhân và cộng đồng trong việc phát triển, thực hiện và đánh giá các chương trình kiểm soát thuốc lá  phù hợp về mặt văn hoá và xã hội đối với nhu cầu và cách nhìn nhận của họ; các biện pháp đề cập đến các rủi ro liên quan đến vấn đề giới khi phát triển các chiến lược kiểm soát thuốc lá.
 
Các biện pháp và đáp ứng liên ngành toàn diện nhằm giảm tiêu thụ mọi sản phẩm thuốc lá  ở cấp quốc gia,  khu vực và quốc tế  là rất thiết yếu nhằm ngăn chặn tỷ lệ mắc các bệnh, sự tàn tật và chết sớm do việc sử dụng thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc lá gây ra theo đúng các nguyên tắc của y tế công cộng. Định kỳ cập nhật và rà soát lại các chiến lược, kế hoạch và chương trình quốc gia liên ngành toàn diện về kiểm soát thuốc lá phù hợp với Công ước. Phát triển các chính sách phù hợp nhằm ngăn chặn và giảm tiêu thụ thuốc lá, nghiện nicotin và phơi nhiễm đối với khói thuốc lá. Khi hoạch định và thi hành các chính sách y tế công cộng liên quan đến kiểm soát thuốc lá, cần hành động để bảo vệ những chính sách này khỏi bị tác động bởi các  lợi ích về thương mại và các lợi ích khác của ngành Công nghiệp thuốc lá, phù hợp với luật pháp quốc gia và có các biện pháp giảm cầu thuốc lá.
 
AN NHIÊN