Phát huy vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân

05:06, 01/06/2022
Góp phần chung vào nâng cao hiệu lực thực hiện nhiệm vụ giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong thời gian qua phải kể tới vai trò hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Hoạt động của lực lượng này luôn hướng đến những vấn đề, lĩnh vực đang gây nhiều bức xúc, được Nhân dân quan tâm; qua đó, góp phần kịp thời phát hiện những bất cập, tồn tại, kiến nghị cơ quan chức năng điều chỉnh, xử lý cho phù hợp.
 
Thông qua vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, các công trình dân sinh, đường nông thôn mới, kênh, mương thủy lợi được đầu tư xây dựng đảm bảo chất lượng
Thông qua vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, các công trình dân sinh, đường nông thôn mới, kênh, mương thủy lợi được đầu tư xây dựng đảm bảo chất lượng
 
Ban Thanh tra nhân dân (BTTND) và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng (BGSĐTCĐ) là 2 mô hình hoạt động của Mặt trận cơ sở trên địa bàn xã, phường, được thực hiện theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 99/2005/NĐ-CP ngày 28/7/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của BTTND. 
 
Chức năng của BTTND nhằm đảm bảo quyền giám sát, kiểm tra của quần chúng đối với mọi tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật ở phạm vi xã, phường; chức năng của BGSĐTCĐ là theo dõi, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư; phát hiện, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về các việc làm vi phạm các quy định về quản lý, các việc làm sai quy định, gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, xâm hại đến lợi ích của cộng đồng. 
 
Trong những năm gần đây, hoạt động của các BTTND và BGSĐTCĐ tại các xã, phường, khu dân cư trong tỉnh ngày càng được tín nhiệm, được các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng và Nhân dân ghi nhận.
 
 Trong năm 2021, MTTQ cấp xã trong tỉnh đã tổ chức được 2.044 chuyên đề giám sát. Nội dung giám sát chủ yếu tập trung vào thu các loại quỹ tại địa phương; giám sát việc công khai, niêm yết các khoản thu do Nhân dân đóng góp tại trụ sở làm việc của chính quyền địa phương; giám sát về quyết toán ngân sách hằng năm của UBND trình tại kỳ họp của HĐND cấp xã; giám sát việc bình xét, lập danh sách, chi trả chế độ cho đối tượng được hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 theo nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương…
 
Qua các đợt giám sát, các địa phương, cơ sở đã tổ chức thực hiện cơ bản đúng theo các văn bản đã được quy định. Trong quá trình giám sát đã phát hiện tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện, sau giám sát các Đoàn Giám sát đã có thông báo kết quả giám sát gửi đến đơn vị được giám sát, kiến nghị với chính quyền, các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra. Qua đó, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế; đồng thời, tổng hợp báo cáo kết quả giám sát cho cấp ủy đảng, chính quyền cùng cấp. 
 
Trong quá trình giám sát, MTTQ các cấp chú trọng phát huy vai trò BTTND và BGSĐTCĐ. Năm 2021, BTTND đã tổ chức giám sát được 1.352 vụ việc ở các địa bàn cơ sở; qua giám sát, kiểm tra, xác minh, kiến nghị xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm, thất thoát, sử dụng không đúng mục đích. Đối với BGSĐTCĐ, tổ chức giám sát được 1.489 công trình, dự án đầu tư xây dựng tại các xã, phường, thị trấn với các nguồn vốn do Nhân dân đóng góp, vốn Nhà nước và Nhân dân cùng làm và một số công trình 100 % vốn nhà nước đầu tư. Qua đó, các công trình được giám sát chất lượng, hiệu quả sử dụng các công trình ngày được nâng lên, Nhân dân đồng tình ủng hộ...
 
Ông Trương Thành Được - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Thời gian tới, MTTQ các cấp tiếp tục đổi mới phương pháp, cách làm giám sát và phản biện xã hội, có sự tham gia ngày càng rộng rãi của các tổ chức thành viên MTTQ và Nhân dân. Đồng thời, tạo cơ chế để huy động sự tham gia của thành viên các Hội đồng tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm thực tiễn, xác định đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội, đảm bảo kiến nghị giám sát, phản biện có tính hiệu quả, thiết thực. Điển hình như giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật và quản lý Nhà nước về bảo hiểm xã hội, về an toàn, vệ sinh lao động, về quản lý, xử lý chất thải công nghiệp và việc thực hiện Quy chế dân chủ nơi làm việc trong doanh nghiệp; giám sát việc quản lý sử dụng đất trồng lúa, chính sách tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp… MTTQ các cấp đang tập trung chú trọng đẩy mạnh hoạt động giám sát thông qua hoạt động của BTTND và BGSĐTCĐ, phát huy vai trò của Nhân dân trong tham gia hoạt động giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam ở cơ sở. Quan tâm lựa chọn các hình thức giám sát, phản biện xã hội phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế của địa phương.
 
NGUYỆT THU