Tỷ phú trồng bông cúc xuất khẩu

07:06, 27/06/2022
Với 1 ha nhà kính, chuyên hợp tác với doanh nghiệp trồng cúc trắng xuất khẩu, một nông hộ đã cho thu tiền tỷ mỗi năm. Và, anh đang lan tỏa quan điểm sản xuất theo chuỗi, liên kết với doanh nghiệp tới những nông dân xung quanh.
 
Anh Nguyễn Thanh Nhàn kiểm tra đèn chiếu sáng cho cúc
Anh Nguyễn Thanh Nhàn kiểm tra đèn chiếu sáng cho cúc
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương - ông Đặng Phước Hùng giới thiệu, nông hộ đang tới thăm là một trong những nông dân sản xuất giỏi nhất xã, đang làm hồ sơ để giới thiệu công nhận nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Một nông hộ cho thu hoạch tiền tỷ, đóng góp nhiều vào xây dựng nông thôn mới. Và đặc biệt, nông hộ này luôn sản xuất theo hợp đồng với các doanh nghiệp, đảm bảo an toàn cho đầu ra của sản phẩm. Đó là anh Nguyễn Thanh Nhàn, thôn Suối Thông B2, xã Đạ Ròn. 
 
Anh Nguyễn Thanh Nhàn vốn là nông dân trồng la-ghim nổi tiếng vùng Suối Thông. Năm 2021, nhận thấy thị trường liên kết với doanh nghiệp chuyên trồng hoa cúc trắng xuất khẩu khởi sắc, anh Nhàn đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một công ty Hàn Quốc, chuyên canh tác cúc trắng cung ứng với công ty. Và, cây bông cúc đã mang lại thu nhập tiền tỷ cho người nông dân năng động này.
 
Anh Nguyễn Thanh Nhàn chia sẻ, trồng bông cúc xuất khẩu với công ty nước ngoài thủ tục rất dễ dàng. Kí hợp đồng bao tiêu đầu ra, công ty cung ứng giống cây, anh xuống giống và chăm cây đẹp, đạt chuẩn quy định. Với diện tích 1 ha, anh Nhàn xuống giống gối đầu mỗi lần 3,5 sào, xấp xỉ 200 ngàn cây con. Sau chăm 3 tháng là cây cúc đạt độ thu hoạch. Anh thông báo và doanh nghiệp tới tận vườn, thu bông mang về kho sơ chế, phân loại. “Quan trọng là mình phải chăm cho cây đạt chuẩn. Cúc xuất khẩu phải có mặt bông lớn, thân mập, cây lá sạch sẽ, không bị nấm cóc, nấm vẽ bùa. Cổ bông phải ngắn, có lá ôm, không bị nhích cổ, dài cổ”. Để có được những bông cúc đạt chuẩn, anh Nhàn nhấn mạnh hai yếu tố, đó là quản lý dinh dưỡng và quản lý dịch bệnh. Quản lý dinh dưỡng bao gồm quản lý nước tưới và lượng phân bón. Cần chú ý thời tiết, ẩm độ để điều chỉnh lượng nước tưới, phân bón vừa đủ, không thừa không thiếu. Với dịch bệnh, không để cúc có bệnh rồi mới chữa mà chủ yếu là phun phòng ngừa. Khi cây chưa xuất hiện bệnh, phun ngừa thì lượng thuốc rất ít và mang lại hiệu quả cao. 
 
Với 3 tháng/vụ bông cúc, khi anh Nhàn xuất bông là nhận tiền hàng chuyển về. Công ty kí hợp đồng thu mua theo phân loại bông hạng A, B, C, càng nhiều bông loại A thu nhập càng cao. Và giá là giá “chết”, thị trường lên - xuống không thay đổi. Hiện bông hạng A đang được thu mua với giá 2.700 đồng/bông, hạng B 2.300 đồng/bông và hạng C 1.400 đồng/bông. Anh Nhàn đánh giá: “Trồng bông cúc xuất khẩu cho doanh nghiệp thu nhập phải nói là rất cao. Như tôi, với 1 ha trồng luân phiên 3 vụ/năm, sau khi trừ hết chi phí thu được xấp xỉ 2 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ và giá cả rất ổn định, bông cắt xong là có tiền, không sợ dội hàng ế chợ, rất an toàn cho người nông dân”. 
 
Không chỉ trồng bông cúc theo hợp đồng, anh Nguyễn Thanh Nhàn còn 1 ha nhà kính chuyên trồng xà lách cũng theo hợp đồng với doanh nghiệp. Anh xuống giống, tưới, bón phân và tới ngày doanh nghiệp tới thu mua, bán theo giá đã kí. Anh Nhàn cho biết, trồng xà lách cũng rất hiệu quả. Tùy thời tiết, mùa mưa xà lách có giá 22 ngàn đồng/kg, mùa nắng 16 ngàn đồng/kg, 1 ha xà lách cũng có thể cho thu nhập xấp xỉ 500 triệu đồng/năm với chi phí thấp vì xà lách đòi hỏi chăm sóc rất ít, chủ yếu là tưới nước sạch. 
 
Điều anh Nguyễn Thanh Nhàn tâm huyết và muốn chia sẻ tới bà con là, làm nông không nên làm trôi nổi theo thị trường, phải tham gia vào chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm và đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng. Anh cũng nói, cuối năm 2021, giá bông cúc trắng ngoài thị trường lên tới gần 6.000 đồng/bông nhưng anh vẫn đảm bảo bán hàng cho công ty với giá 2.500 đồng/bông. Đảm bảo chữ tín giữa người nông dân - doanh nghiệp là trách nhiệm của cả hai bên, giúp mối quan hệ cung - cầu hiệu quả và bền chặt. 
 
Đánh giá rất cao mô hình sản xuất của anh Nguyễn Thanh Nhàn, ông Đặng Phước Hùng cho biết, anh Nhàn sẵn sàng chia sẻ thông tin, kiến thức, vận động bà con xung quanh cùng trồng bông cúc xuất khẩu và hiện tại, trên địa bàn xã đã có một số nông hộ chuyển đổi sang trồng bông cúc xuất khẩu theo anh Nhàn. Không chỉ sản xuất giỏi, anh Nhàn còn là nông dân nhiệt tình với cộng đồng, sẵn sàng đóng góp vào xây dựng nông thôn mới, làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, anh đã cùng chung tay góp rau, củ, lương thực hỗ trợ bà con vùng dịch…
 
DIỆP QUỲNH