Quản lý, kiểm soát mối nguy về an toàn thực phẩm (bài 1)

05:09, 19/09/2022
UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP), kịp thời chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn thực hiện công tác này phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP các cấp được thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động, tạo điều kiện quản lý nhà nước về ATTP được đồng bộ, thống nhất và triển khai có hiệu quả, tránh chồng chéo.
 
Bài 1: Kiểm soát thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm cao
 
Hiện nay, việc quản lý ATTP được phân cấp cho 3 ngành Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mỗi ngành thực hiện theo nghị định, thông tư hướng dẫn của từng ngành nên chưa thống nhất trong cách thức triển khai. Tuy vậy, việc kiểm soát các thực phẩm nguy cơ ô nhiễm cao đã được quản lý chặt chẽ ở nhiều lĩnh vực. 
 
Chi cục ATTP tỉnh kiểm tra ATTP tại siêu thị ở Đà Lạt
Chi cục ATTP tỉnh kiểm tra ATTP tại siêu thị ở Đà Lạt
 
•  ATTP SẢN PHẨM CHẾ BIẾN 
 
Rượu, bia, nước giải khát và sữa chế biến là các sản phẩm thực phẩm được chế biến từ các loại nông sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Lâm Đồng. 
 
Đối với sản phẩm rượu, đến ngày 31/12/2021, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chưa có đơn vị nào sản xuất rượu thủ công để bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại. Hiện nay, Phòng Kinh tế thành phố, phòng Kinh tế và hạ tầng các huyện đã cấp 37 giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh cho 37 đơn vị. Trong đó, năm 2021 thực hiện cấp 9 giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh cho 9 đơn vị. Sản lượng rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh sản xuất trong năm 2021 là trên 3,7 triệu lít, tăng 708% so với cùng kỳ (535.119 lít/năm); tổng số giấy phép bán buôn rượu hiện có trên địa bàn tỉnh là 8 giấy phép còn hiệu lực; 94 tổ chức, cá nhân được cấp phép bán lẻ rượu. 
 
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 8 đơn vị được cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp. Trong đó, Bộ Công thương cấp 1 giấy phép với công suất 4,5 triệu lít và Sở Công thương cấp 7 giấy phép sản xuất dưới 3 triệu lít/năm. Tổng công suất sản xuất rượu theo thiết kế của 8 doanh nghiệp là trên 10,5 triệu lít/năm. Sản lượng rượu sản xuất trong năm 2021 là hơn 1,9 triệu lít đạt 88,8% chiếm khoảng 18,18% công suất thiết kế.
 
Tuy nhiên, sản phẩm bia hiện nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chỉ có 1 nhà máy bia được đầu tư theo công nghệ hiện đại, máy móc thiết bị tiên tiến nhập khẩu từ châu Âu.
 
Đối với sản phẩm nước giải khát chủ yếu là các loại nước trái cây lên men, nước cốt trái cây. Các nhà máy sản xuất với quy mô nhỏ nhưng sử dụng thiết bị tương đối hiện đại, tự động.
 
Sản phẩm sữa chế biến có 2 cơ sở sản xuất sữa tươi thanh trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa chua các loại với công suất thiết kế 23.000 tấn sản phẩm/năm tại huyện Đơn Dương. Cả 2 cơ sở sản xuất đều sử dụng công nghệ hiện đại, áp dụng tiêu chuẩn ATTP, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu và chất lượng cung cấp cho thị trường tiêu thụ.
 
Sản phẩm chế biến bột và tinh bột, bánh, mứt, kẹo chủ yếu là các cơ sở chế biến bún, phở, bánh, kẹo quy mô hộ gia đình. Tuy nhiên, các cơ sở chế biến bột và tinh bột, bánh, mứt, kẹo có quy mô hộ gia đình nên diện tích sản xuất tương đối nhỏ, việc sắp xếp bố trí quy trình sản xuất chưa được hợp lý, khoa học; chưa quản lý hết được đối với các cơ sở sản xuất rượu thủ công, nhỏ lẻ
 
QUẢN LÝ ATTP ĐỐI VỚI SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ 
 
Thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đầy đủ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thuộc diện phải cấp giấy (cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá); đối với các cơ sở không phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các điều kiện đảm bảo ATTP, đặc biệt là việc thực hiện tập huấn kiến thức về ATTP và thực hiện ký bản cam kết đảm bảo ATTP; tiến hành thanh tra, kiểm tra, quản lý theo quy định để giám sát tuân thủ nghiêm các quy định về ATTP cũng như kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để xử lý. Vì vậy, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ đã có những chuyển biến mạnh mẽ, tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn ngày càng tăng.
 
Quản lý ATTP đối với cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố: Hiện, các quy định về ATTP đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống đã được ban hành tương đối đầy đủ. Trong giai đoạn 2011 - 2021, ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng đã cấp 3.087 giấy trong tổng số 3.430 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc đối tượng phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP. Đối với cơ sở thuộc diện không phải cấp giấy chứng nhận đã có 3.029 cơ sở thực hiện ký cam kết bảo đảm ATTP với cơ quan quản lý có thẩm quyền. 
 
Tuy nhiên, Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định loại hình nhà hàng trong khách sạn không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Đối với loại hình nhà hàng trong các homestay, resort, các loại hình cơ sở lưu trú khác chưa được quy định nên khó khăn trong quá trình thực hiện.
 
Trên địa bàn tỉnh có không ít nhà hàng trong khách sạn không chỉ phục vụ ăn uống cho khách lưu trú mà còn phục vụ lượng khách ngoài rất lớn, tổ chức hội nghị, tiệc cưới quy mô lên tới hàng ngàn người nhưng không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, do vậy có khả năng bị bỏ sót, gây khó khăn trong công tác quản lý, và đối tượng này có nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm với số lượng lớn. Quy định về hướng dẫn thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống khó áp dụng.
 
Công tác đảm bảo ATTP tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại: Trên địa bàn tỉnh hiện có 83 chợ. Trong đó, theo phân hạng có 7 chợ hạng 1, 4 chợ hạng 2, và 72 chợ hạng 3; phân theo khu vực có 31 chợ thành thị và 52 chợ nông thôn; phân theo công trình có 38 chợ kiên cố, 34 chợ bán kiên cố, và 11 chợ tạm.
 
Sở Công thương đã chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng Kinh tế thành phố, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện triển khai thực hiện các chợ kiểu mẫu đảm bảo ATTP, thực hiện Mô hình Chợ kiểu mẫu đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh.
 
Trên địa bàn tỉnh có 4 siêu thị, 2 trung tâm thương mại, 2 chuỗi cơ sở kinh doanh thực phẩm đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, được công bố chất lượng sản phẩm hoặc chứng nhận đảm bảo ATTP của các cơ quan có thẩm quyền.
 
Việc quản lý ATTP tại các chợ gặp nhiều khó khăn do quy định về tập huấn kiến thức ATTP giữa 3 ngành Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Y tế khác nhau về hình thức tổ chức và thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xác nhận kiến thức ATTP.
(CÒN NỮA)
 
AN NHIÊN