Quản lý, kiểm soát mối nguy về an toàn thực phẩm (bài 2)

06:09, 20/09/2022
[links()]
 
Bài 2: Kiểm nghiệm, phân tích nguy cơ, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
 
Trong 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 3.897 đoàn thanh tra, kiểm tra 141.348 lượt cơ sở, phát hiện 25.167 lượt cơ sở vi phạm điều kiện về an toàn thực phẩm (ATTP), xử phạt 3.169 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 6,6 tỷ đồng.
 
Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tỉnh kiểm tra công tác lưu mẫu thức ăn của nhà hàng tại TP Đà Lạt
Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tỉnh kiểm tra công tác lưu mẫu thức ăn của nhà hàng tại TP Đà Lạt
 
• PHÂN TÍCH NGUY CƠ VỀ ATTP
 
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, công tác điều tra các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều được thực hiện kịp thời, đúng theo quy định của Bộ Y tế về “Quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm” và báo cáo đúng quy định. Từ năm 2011 - 2021, ghi nhận 33 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh với tổng số 1.651 người mắc, 4 người tử vong; trong đó, có 12 vụ ngộ độc lớn trên 30 người mắc.
 
Đối với sản phẩm nông nghiệp, trong giai đoạn 2010 - 2020 đã tiến hành lấy mẫu giám sát, phân tích định lượng 6.858 mẫu sản phẩm nông nghiệp. Kết quả: đạt yêu cầu 6.313 mẫu, chiếm tỉ lệ 92,05%; không đạt yêu cầu 545 mẫu, chiếm tỉ lệ 27,95%. Phân tích định tính 10.881 mẫu (đạt yêu cầu 10.622 mẫu, chiếm tỉ lệ 97,6%; không đạt yêu cầu 259 mẫu, chiếm tỉ lệ 2,4%). 
 
Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Văn Độ - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh cho biết: Số lượng mẫu trên được thực hiện lấy tăng dần theo các giai đoạn, tỉ lệ mẫu vi phạm cũng giảm dần. Qua việc lấy mẫu giám sát chất lượng ATTP đã kịp thời chấn chỉnh các sai phạm, giúp các cơ sở tuân thủ tốt hơn về ATTP, đồng thời yêu cầu các cơ sở thực hiện truy xuất nguồn gốc xác định nguyên nhân gây mất ATTP, thực hiện các biện pháp khắc phục các nguyên nhân.
 
Đối với các sản phẩm bao gói sẵn và sản phẩm có nguy cơ cao: Giám sát mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm đối với các sản phẩm có nguy cơ cao, thực phẩm ăn ngay được cơ quan chuyên môn lấy 2.087 mẫu thực phẩm, kết quả mẫu giám sát đạt chất lượng ATTP là 1.388/2.087 mẫu (chiếm 60%), số mẫu không đạt 699/2.087 mẫu (chiếm 40%).
 
Còn với sản phẩm bánh, kẹo, mứt, nước cốt, rượu, sản phẩm thịt 370/502 mẫu đạt, chiếm 73,7%; đối với nhóm sản phẩm nước uống đóng chai, nước đá dùng liền, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi và phụ gia thực phẩm (tạo màu, điều vị, nhũ hóa, chất tạo cứng, chất bảo quản...), chất hỗ trợ chế biến thực phẩm 262/351 mẫu đạt, chiếm 74,6%.
 
•  PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN VÀ KHẮC PHỤC SỰ CỐ VỀ ATTP
 
Khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, Chi cục ATTP - Sở Y tế tỉnh đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành xử lý, điều tra kịp thời, tìm ra nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm nhằm hạn chế số ca bị ngộ độc thực phẩm và tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng. 
 
Nâng cao năng lực trong công tác quản lý về ATTP cho đội ngũ cán bộ, công chức thông qua các công tác tập huấn, đào tạo; tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác quản lý về ATTP trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Triển khai các công tác tuyên truyền đảm bảo ATTP tại các tuyến dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực và phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức về kiến thức pháp luật, thực hành đảm bảo ATTP đến từng người dân. Truyền thông, giáo dục phòng, chống ngộ độc thực phẩm được đẩy mạnh, lồng ghép vào các hoạt động tuyên truyền giáo dục bảo đảm ATTP nhằm thay đổi hành vi, trách nhiệm của các đối tượng về nguy cơ mất ATTP ảnh hưởng đến sức khỏe, các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể.
 
Tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác đảm bảo ATTP tại địa phương là nguồn kinh phí cấp cho công tác quản lý chất lượng còn thấp, đặc biệt là kinh phí phục vụ cho công tác thẩm định, thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát, hầu hết cấp xã không được cấp kinh phí. Việc bố trí, phân công cán bộ làm công tác đảm bảo ATTP ở các địa phương chưa có sự thống nhất, cấp cơ sở đa số kiêm nhiệm, nhiều nơi thiếu ổn định. Một số cán bộ ở tuyến huyện, xã còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ; ngành đào tạo không phù hợp, chưa được tập huấn chuyên sâu về ATTP. Mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên công tác ATTP còn mỏng. Một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ATTP, còn ham thực phẩm rẻ, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không ghi rõ thời hạn sử dụng, không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y...
 
Việc giám sát mối nguy và phòng, chống ngộ độc thực phẩm còn chưa chủ động; chưa kiểm soát hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường. Tại tỉnh Lâm Đồng chưa có tổ chức, đơn vị nào có đủ điều kiện phân tích tất cả các chỉ tiêu phục vụ cho công tác ATTP (đặc biệt là trong nông sản và quản lý vật tư nông nghiệp), nhiều mẫu phải gửi về Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác nên tốn nhiều thời gian, kinh phí và gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm trong năm; công tác kiểm tra chuyên ngành tại tuyến huyện chưa được triển khai thường xuyên.
 
AN NHIÊN