Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

06:10, 21/10/2022
Đồng hành cùng thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp, Huyện Đoàn Đức Trọng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) thay đổi từ nhận thức, suy nghĩ đến hành động cụ thể. Từ đó, mạnh dạn đổi mới sản xuất, góp phần quan trọng vào phong trào phát triển kinh tế của địa phương. 
 
Hoạt động tại Tổ Liên kết trồng hoa lan trong nhà kính xã Tân Thành, Đức Trọng
Hoạt động tại Tổ Liên kết trồng hoa lan trong nhà kính xã Tân Thành, Đức Trọng
 
Nhằm hỗ trợ ĐVTN giải quyết một vướng mắc thường xuyên gặp phải trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp là nguồn vốn; trong giai đoạn 2017 - 2022, Huyện Đoàn Đức Trọng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện duy trì số dư nợ ủy thác qua tổ chức Đoàn Thanh niên hơn 41 tỷ đồng cho 1.365 ĐVTN vay. Hầu hết nguồn vốn được thanh niên sử dụng đúng mục đích, tạo thêm nhiều công ăn, việc làm và tăng thêm thu nhập cho bản thân, gia đình.
 
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện Đoàn thường xuyên chủ động phối hợp với Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tổ chức các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, các lớp dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động cho ĐVTN. Trong đó, chú trọng phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp với nhu cầu và đặc thù của địa phương.
 
Đặc biệt, các mô hình kinh tế tập thể trong ĐVTN được Huyện Đoàn Đức Trọng đẩy mạnh thông qua nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã do thanh niên làm chủ. Đến nay, toàn huyện có 8 tổ liên kết thanh niên phát triển kinh tế, cụ thể như mô hình thanh niên liên kết chăn nuôi bò thịt tại các xã Đà Loan, Tà Năng, Ninh Gia, Tân Hội; Tổ Liên kết thanh niên chăn nuôi heo đen tại xã Phú Hội; Tổ Liên kết thanh niên thu mua nông sản tại thị trấn Liên Nghĩa; Tổ Liên kết thanh niên trồng lan rừng trong nhà kính tại xã Tân Thành,… 
 
Tại xã Tân Thành, tổ liên kết trồng hoa lan trong nhà kính do anh Hà Thế Mạnh (sinh năm 1988) làm tổ trưởng đã khẳng định được hiệu quả trong những năm qua. Hiện tại, vườn lan của anh đang tập trung chuẩn bị cho vụ tết với nhiều đơn hàng được đặt trước. Anh Mạnh chia sẻ, dù không còn là “thời điểm vàng” của hoa lan, nhưng hiện tại, các thành viên vẫn duy trì hoạt động, hỗ trợ nhau về nguồn giống, kinh nghiệm chăm sóc, bán hàng, cũng như mở rộng những hướng phát triển kinh tế mới. 
 
Xã Tân Thành hiện có 170 đoàn viên, 379 thanh niên, 80% trong số đó làm nông nghiệp. Do đó, theo chị Đàm Thị Luyến - Bí thư Đoàn xã Tân Thành, việc đồng hành, hỗ trợ cùng ĐVTN trong phát triển kinh tế là rất cần thiết. Chị Luyến cho biết: “Cùng với tổ liên kết trồng hoa lan trong nhà kính của anh Hà Thế Mạnh, hiện, ĐVTN trong xã đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với số tiền khoảng 50 triệu đồng mỗi người. Bên cạnh đó, nhiều lớp học nghề cũng được mở ra, giúp ĐVTN tại địa phương có thêm nhiều lựa chọn cho nghề nghiệp của mình”.
 
Bí thư Huyện Đoàn Đức Trọng Nguyễn Thị Định cho biết, công tác tuyên truyền về các hoạt động khởi nghiệp, lập nghiệp cũng được Ban Thường vụ Huyện Đoàn thường xuyên đẩy mạnh, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội của các tổ chức cơ sở đoàn. Bên cạnh đó là các thông tin về khoa học công nghệ, kỹ thuật mới, chính sách, pháp luật, các mô hình phát triển kinh tế mới, các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp...
 
Những cái tên thanh niên làm kinh tế giỏi xuất hiện ngày càng nhiều với những con số cụ thể, như anh Nguyễn Quang Trúc - Ủy viên Ủy ban Hội LHTN Việt Nam thị trấn Liên Nghĩa với mô hình sản xuất và chế biến cà phê sạch, đạt doanh thu 5 đến 6 tỷ đồng/năm; anh Phạm Văn Hiếu - Phó Chủ tịch Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện với mô hình chăn nuôi bò sữa xã Hiệp Thạnh, có tổng thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm; anh Nguyễn Trọng Hiếu - Ủy viên Ủy ban Hội LHTN Việt Nam xã Hiệp Thạnh với mô hình chăn nuôi thỏ thịt với doanh thu hơn 600 triệu đồng/năm... đã truyền thêm không ít động lực cho thanh niên địa phương mạnh dạn khởi nghiệp, lập nghiệp. Trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, Ban Thường vụ Huyện Đoàn Đức Trọng cũng đã triển khai và tham gia 3 cuộc thi đề án khởi nghiệp thanh niên với 10 đề án, dự án khởi nghiệp tham gia. Trong đó, có nhiều ý tưởng được đánh giá cao và đoạt giải. Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện Đoàn Đức Trọng còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn ĐVTN đăng ký và triển khai thực hiện mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ đó, chị Phạm Thị Ân - đoàn viên Đoàn xã Ninh Gia đã đăng ký thành công 2 sản phẩm OCOP là Nấm linh chi và Rượu nấm linh chi Gaco. 
 
Chị Nguyễn Thị Định khẳng định, cùng với nhiều đổi mới, sáng tạo, việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà. Trong thời gian tới, các cấp bộ Đoàn trong huyện tiếp tục phối hợp để triển khai việc cho thanh niên vay vốn theo hướng tập trung, có hiệu quả, vững chắc, nâng cao mức vay đầu tư. Ưu tiên đầu tư cho thanh niên khởi nghiệp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển nông nghiệp, tự tạo việc làm và thu hút lao động tại chỗ vào làm việc.
 
VIỆT QUỲNH