Quý cô Mindy

08:12, 03/12/2022
(LĐ online) - Gù lưng. Bàn tay giống móng vuốt. Có thể có mi mắt thứ hai. Cơ cổ lớn và dày hơn. Hộp sọ dày hơn và dung tích não giảm. Thân sẽ được kéo dài ra trước hông thay vì được xếp thẳng hàng. Dễ bị rối loạn lo âu và trầm cảm. Đây là những phác họa theo mô hình 3 chiều về một quý cô mà các nhà khoa học ở một công ty tại Mỹ vừa công bố (theo VIETNAMDAILY). 
 
 
Quý cô này có thể sẽ hiện diện vào năm 2100 và là hình ảnh đại diện cho loài người dựa trên thuyết tiến hóa với tên gọi Mindy.
 
Bạn có thể sẽ sốc hơn rất nhiều nếu nhìn vào mô hình được các chuyên gia mô phỏng. Khủng khiếp và đáng sợ có thể là cảm nhận trực quan của bạn khi đối diện với những hình ảnh tả thực rất cụ thể trên màn hình máy tính. Ơn trời, cái mà chúng ta thấy, nó cũng mới là phác họa. Nhưng cho dù lúc mà quý cô Mindy ấy (có thể) xuất hiện bằng xương, bằng thịt trước mắt người còn phải 78 năm nữa, có lẽ chúng ta cũng phải tập làm quen, hoặc ít nhất phải biết rằng, đó là cái có thể và chúng ta phải chấp nhận nó như một phản chiếu dung mạo của con người.
 
Theo học thuyết tiến hóa (còn gọi là Học thuyết Darwin), mọi loài sinh vật xuất hiện và phát triển nhờ quá trình chọn lọc tự nhiên. Trong quá trình này, những biến dị cá thể (nay gọi là biến dị di truyền) nhỏ nhặt, nếu làm tăng khả năng cạnh tranh, sinh tồn và sinh sản của cá thể thì sẽ được chọn lọc - với nội dung là giữ lại, củng cố và tăng cường - trở thành đặc điểm thích nghi. Đây cũng là căn cứ để các khoa học tiến hành “nhận dạng” con người dựa trên sự chi phối lâu dài từ thói quen của con người thời đương đại. 
 
Nhìn lại chính mình và nhìn mọi người, chúng ta sẽ có ngay những mẫu số chung khi phần lớn thời gian ngồi trước máy tính. Không máy tính sẽ chuyển sang các màn hình nhỏ hơn như ipad và thông dụng nhất là điện thoại thông minh. Lúc đó, hộp sọ đương nhiên phải tìm cách thích nghi để bảo vệ khỏi các bức xạ. Không chỉ bộ não mà chân của chúng ta sẽ nhỏ lại do quá ít vận động. Lưng chắc chắc sẽ “trũng lại” và gồ lên. Cột sống phải chịu tải nhiều hơn khi chúng ta ngồi đến hàng giờ trước các màn hình. 
 
Tôi khó hình dung về mí mắt thứ hai của đôi mắt, nhưng các nhà khoa học thì lý giải rằng, đó là cách mà mắt tự tạo ra để tránh việc phải nhìn vào màn hình/sánh sáng quá mức. Tôi nghĩ lại cách mà mình vươn người lên hoặc chùng lưng xuống khi làm việc cả buổi trước màn hình, rồi cảm thấy sợ hãi với cách mà các nhà khoa học mô tả nó bằng hình ảnh thân kéo ra trước hông gần trăm năm sau về một quý cô Mindy vẹo vọ. Không bình thường như người, thậm chí trông còn kinh hơn những con rô-bốt.
 
Cho dù đó có thể là hình ảnh đến ở thì tương lai, nhưng thông điệp mà các nhà khoa học của một công ty ở Mỹ cũng cho thấy, chúng ta đang tự lạm dụng thể chất của chính mình đến như thế nào. Quý cô Mindy cho chúng ta thấy, nếu không biết cách tạo dựng một cung cách làm việc khoa học, biết cách sử dụng một cách tích cực công nghệ vào công việc, đời sống... thì chúng ta phải đánh đổi và trả giá như thế nào về thói quen, sức khỏe, tâm lý và ảnh hưởng tiêu cực đến các thế hệ tương lai.
 
Chúng ta cũng đã được đánh thức, được nhắc nhở quá nhiều về điều này rồi. Chúng ta cũng đang phải sống trong một xã hội với rất nhiều thứ được kết nối lỏng lẻo trong mối quan hệ gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Bạn hãy hình dung diện mạo của quý cô Mindy đi. Đó không còn là cảnh báo mà là một báo động thực sự, nếu chúng ta không học cách thay đổi chính mình.
 
YÊN MINH