Bát ngát lúa đồi Đam Rông

CHÍNH THÀNH  22:02, 28/01/2023

Cuối năm, có dịp về thăm mảnh đất vùng xa Đam Rông, nhìn lên phía núi đồi trập trùng từ hai bên đường nhựa trong cái nắng ban mai, bạn sẽ bị hút lại bởi vạt màu vàng rộm nổi bật giữa gam màu xanh ngát của cây keo và thông 3 lá.

Người đồng bào K’Ho tại Đạ Tông tuốt lúa bằng tay. Trên quả đồi cao chót vót, bà con phấn khởi cười vì năm nay được mùa.
Người đồng bào K’Ho tại Đạ Tông tuốt lúa bằng tay. Trên quả đồi cao chót vót, bà con phấn khởi cười vì năm nay được mùa

Đó là màu vàng của những dải lúa đồi hiếm hoi còn sót lại của bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng, tập trung nhiều nhất tại địa bàn huyện Đam Rông với gần 90 ha. 

Tới Đam Rông mùa lúa chín, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên khoáng đạt, điểm nhấn là những dải lúa nước và lúa đồi (hay còn gọi lúa rẫy) dần ngả sang màu vàng rực rỡ, tập trung ở 3 xã Đạ M’rông, Đạ Long và Đạ Tông. Có những nơi, lúa phủ từ chân đến đỉnh các ngọn đồi cao chót vót. Để rồi khi lên tới đỉnh đồi và nhìn xuống thung lũng xa xa sẽ là một cảm xúc sảng khoái sau chặng đường dài đến với Đam Rông.

Chị Ma Rương - cán bộ khuyến nông, thuộc Trung tâm Nông nghiệp Đam Rông - cùng chúng tôi leo lên đỉnh một ngọn đồi thuộc xã Đạ M’rông những ngày đầu tháng 11, nơi có cả chục người già trẻ, gái trai đang dàn hàng ngang hăng hái tuốt lúa bằng tay trong tiếng chuyện trò, cười nói rổn rảng cả một góc rừng. “Khác hẳn với những thửa lúa bậc thang của Tây Bắc hay lúa nước trồng tại vùng đồng bằng, lúa đồi của bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây gieo trồng và thu hoạch hoàn toàn thủ công. Trong suốt vòng đời của lúa, bà con không bón phân, xịt thuốc, chỉ làm cỏ một, hai lần nên lúa phát triển hoàn toàn dựa vào thiên nhiên, chất đất sẵn có. Mặc dù năng suất thấp hơn các loại lúa cao sản nhưng bù lại, chất lượng, đặc tính của hạt gạo rất đặc biệt”, chị Ma Rương hào hứng nhận xét.

Tiếp tục rẽ lúa đi lên tới đỉnh đồi còn ngửi thấy thoang thoảng mùi hương lúa cuối mùa. Đây là mảnh đất trồng lúa của gia đình anh Srố Ha Krang (40 tuổi, ngụ thôn Đa La, xã Đạ M’rông) rộng gần 1 ha, trong đó có cả giống lúa nếp đen trứ danh. Để thu hoạch, năm nay Ha Krang gọi bà con dòng họ tuốt lúa đổi công lên tới gần 30 người. Chủ đám lúa phấn khởi cho hay, năm nay, lúa được mùa nên bà con ai cũng phấn khởi. Gia đình anh dự tính sau khi thu hoạch xong gần 1 ha lúa sẽ trồng cây keo vào đầu năm 2023. “Lúa mình thu về không bán, chỉ để ăn trong gia đình, nấu cháo, nấu rượu phục vụ bà con dịp lễ hội và dịp tết”, Ha Krang miệng kể chúng tôi nghe, còn đôi tay thô ráp thì thoăn thoắt tuốt từng bông lúa đồi với hạt to tròn, chắc nịch, vàng ươm.

Đến 3 xã Đạ M’rông, Đạ Long và Đạ Tông những tháng cuối năm, những cánh đồng lúa đồi vàng ươm trải dài quyến rũ hút mắt du khách có dịp tới đây
Đến 3 xã Đạ M’rông, Đạ Long và Đạ Tông những tháng cuối năm, những cánh đồng lúa đồi vàng ươm trải dài quyến rũ hút mắt du khách có dịp tới đây

Còn mảnh lúa đồi của gia đình anh Liêng Ha Huy (39 tuổi, ngụ xã Đạ Tông) nằm cách trung tâm xã gần 13 km. Vì quãng đường vào nương rẫy khá xa, nên vào mỗi vụ, gia đình anh lại chuẩn bị đồ ăn, nước uống và dụng cụ sẵn sàng cho một ngày thu hoạch lúa. Từ 5 giờ sáng, anh đã cùng bà con, họ hàng xếp những bao đựng lúa, thức ăn nấu sẵn vào gùi để lên đồi tuốt lúa. Cũng như nhiều bà con dân tộc M’nông, K’Ho Cil tại 3 xã Đầm Ròn trồng lúa đồi, gia đình anh Ha Huy thay vì dùng liềm gặt, chỉ sử dụng tay không hái từng bông rồi bỏ vào gùi đựng. Đem về nhà, họ phơi khô rồi mang cất cẩn thận, chỉ khi nào dùng đến mới mang thóc ra giã lấy hạt gạo. Làm như vậy lúa nương sẽ luôn giữ được mùi thơm. “Điểm đặc biệt là lúa đồi nấu cơm, nấu cháo lên hạt gạo nở to, rời nhưng không ngấy, ăn chắc bụng và no lâu hơn các loại gạo cao sản trồng ở đồng bằng”, anh Ha Huy nhận xét.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Liêng Hót Ha Hai cho biết, hơn 15 năm trở về trước, lúa đồi được bà con huyện Đam Rông trồng bạt ngàn trên nương rẫy. Gần như những thửa đất mới khai phá, đồi trống đều được tận dụng trồng lúa và ngô, sắn. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây cà phê, dâu, lúa nước và các loại cây lâm nghiệp khác mang lại năng suất, hiệu quả cao hơn nên bà con đã dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, do đó diện tích lúa đồi bị thu hẹp đáng kể. Bên cạnh đó, phần lớn diện tích lúa đồi được bà con trồng tận dụng ở các quả đồi cây keo mới thu hoạch để trồng xen lúa, sắn một hai vụ rồi chuyển sang cây trồng khác nên diện tích biến động rất nhanh theo từng năm. Theo Trung tâm Nông nghiệp huyện Đam Rông, năm 2022 diện tích lúa đồi trên địa bàn thống kê sơ bộ gần 90 ha, tập trung chủ yếu tại xã Đạ Tông, Đạ M’rông, Đạ Long và rải rác ở xã Đạ Rsal, Phi Liêng, Rô Men. 

Các địa phương khác trong tỉnh như huyện Bảo Lâm, Di Linh hay Lạc Dương, Cát Tiên, diện tích lúa đồi gần như không còn. Đi cùng với đó, tập tục mừng lúa mới đã dần mai một. Tuy nhiên, tại huyện Đam Rông, theo ông Ha Hai, lễ mừng lúa mới vẫn hiện diện trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. Các nghi lễ không quá cầu kỳ nhưng vẫn rất đặc sắc và sống động. “Người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây luôn quan niệm quá trình sản xuất nông nghiệp từ trồng lúa đồi cho tới lúa nước, cây cà phê đều chịu sự chi phối của các vị thần linh. Do đó, trước và sau khi thu hoạch các loại nông sản chính, bà con thường tổ chức các nghi lễ nông nghiệp gắn liền với chu kỳ, vòng đời sinh trưởng của chúng. Tập tục đặc sắc này từ xa xưa các tiền nhân, người uy tín trong dòng họ, bon làng truyền lại và giờ bà con vẫn giữ được nét văn hoá quý báu đó”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông chia sẻ.

Còn theo già Liêng Hót Ha Thuyên, người uy tín trong thôn Đa Sế (xã Đạ M’rông), đối với người đồng bào dân tộc thiểu số 3 xã Đầm Ròn, dù trải qua nhiều thế hệ, nhưng lúa nương vẫn gắn bó từ bữa ăn, lễ hội của buôn làng và không thể mất đi trong đời sống tinh thần của người K’Ho Cil, M’nông. “Làm các nghi lễ tạ ơn thần linh, tổ tiên và đất trời đã cho thứ gạo ngon, cho lúa đầy kho là nét đẹp tổ tiên của bà con bao đời nay. Dù thời gian có bao nhiêu năm nữa, tục trồng lúa đồi và lễ mừng lúa mới vẫn sẽ được các thế hệ lưu truyền để nhắc nhở con cháu luôn giữ gìn nguồn cội văn hoá”, già Liêng Hót Ha Thuyên khẳng định.