3 tháng gần như không có mưa, nguy cơ hạn hán cục bộ tại nhiều địa phương 

CHÍNH THÀNH 19:18, 22/03/2023

(LĐ online) - Chiều 22/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi các địa phương, đơn vị liên quan đề nghị tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước trong cao điểm mùa khô năm 2023; trong đó, nhận định sau 3 tháng phổ biến không có mưa, nguy cơ hạn hán cục bộ tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Nhiều hồ chứa nước, đập thuỷ lợi dự báo thiếu nước tưới trong cao điểm mùa khô 2023
Nhiều hồ chứa nước, đập thuỷ lợi dự báo thiếu nước tưới trong cao điểm mùa khô 2023

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, trong 3 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có lượng mưa rất thấp, chỉ đạt 50% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong tháng 3, trên toàn tỉnh phổ biến không mưa, dung tích trữ trong các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện tại đạt trung bình khoảng 75% dung tích thiết kế. 

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh đến cuối tháng 3, tổng lượng mưa thấp hơn 70 đến 100%, tổng lượng dòng chảy sông suối thấp hơn 19% so với cùng kỳ nhiều năm trước nên nguy cơ hạn hán cục bộ tại nhiều địa phương (đặc biệt tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Lạc Dương, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên).

Trước tình hình trên, để chủ động và đạt hiệu quả trong công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước trong cao điểm mùa khô sắp tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán thiếu nước.

Đối với sản xuất lúa ở vùng có nguy cơ thiếu nước, cần chuyển đổi cơ cấu sản xuất 3 vụ sang 2 vụ hoặc bố trí lại thời vụ sản xuất để tránh hạn; đẩy mạnh chuyển đổi từ lúa sang cây trồng cạn. Vùng không có khả năng tưới, cần chuyển đổi mùa vụ hoặc dừng sản xuất để tránh thiệt hại do hạn hán.

Đối với cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày tùy theo điều kiện đất đai, điều kiện nước tưới, tình hình thị trường và tập quán canh tác để bố trí cây trồng hợp lý; tập trung sản xuất cây rau màu ngắn ngày để tận dụng nguồn nước tưới. Tăng cường phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước, trong đó cần chủ động phân bổ kinh phí để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước với nguồn kinh phí đã được UBND tỉnh phê duyệt.

UBND các huyện, thành phố tăng cường giám sát công tác vận hành các nhà máy thủy điện để đảm bảo dòng chảy tối thiếu về hạ du trên các sông suối (Đa Rcao, Đa Nhim, Đa Dâng, Đồng Nai, Krông Nô…); báo cáo kịp thời về Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với các nhà máy thực hiện không đúng quy định...