KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA LỜI KÊU GỌI THI ÐUA ÁI QUỐC (11/6/1948 - 11/6/2023):
Hết lòng vì bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi

AN NHIÊN 22:53, 07/06/2023

11 năm qua, ông Nguyễn Văn Lực - Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng đã lãnh đạo Hội đi vào hoạt động rất hiệu quả, đặc biệt, vận động được tổng số tiền và hiện vật trị giá 650 tỷ đồng trợ giúp cho các đối tượng thụ hưởng. 

Ông Nguyễn Văn Lực thăm trẻ mồ côi tại mái ấm ở Lâm Hà
Ông Nguyễn Văn Lực thăm trẻ mồ côi tại mái ấm ở Lâm Hà

Với nguồn lực vận động tài trợ này, Hội đã giúp 1.514 trẻ em và bệnh nhân nghèo ở Lâm Đồng và bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều tỉnh bạn được phẫu thuật tim; tổ chức phẫu thuật thay thủy tinh thể, đem lại ánh sáng cho gần 11.000 người cao tuổi; trao tặng 7.000 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật và bệnh nhân bị tai biến, bại liệt; tặng hơn 2.000 chiếc xe đạp và 1.900 suất học bổng cho học sinh mồ côi, học sinh khuyết tật và học sinh nghèo. Bên cạnh đó, Hội còn hỗ trợ chi phí chạy thận nhân tạo hàng tháng cho 311 lượt bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn; 541 trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch, mảng hắc tố, trẻ bị dị tật do bỏng được phẫu thuật chỉnh hình và phẫu thuật thẩm mỹ; hơn 175.000 lượt bệnh nhân nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi và người già neo đơn được cung cấp bữa ăn dinh dưỡng miễn phí...

Đến nay, Hội đã tài trợ xây dựng 120 ngôi nhà tình thương tặng người nghèo; 520 cháu bé bị dị tật cơ xương khớp bẩm sinh được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng; hơn 5.000 lượt học sinh mầm non và học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số được tài trợ nâng cao chất lượng bữa ăn; 9.000 thẻ Bảo hiểm y tế được tặng cho những gia đình khó khăn. Đặc biệt, trợ giúp bền vững cho 340 trường hợp được hỗ trợ từ các chương trình Tiếp sức hồi sinh, Vượt lên chính mình, Mở cửa tương lai, Khát vọng sống, Thắp sáng ước mơ xanh, Nhịp tim Việt Nam, Nâng cao chất lượng dinh dưỡng, Phẫu thuật đem lại nụ cười, Trợ vốn khởi nghiệp... Trong đó, có nhiều gia đình được hỗ trợ hơn 200 triệu đồng để chữa bệnh, mua công cụ sản xuất, xây nhà và nuôi con ăn học. Nhiều công trình công cộng như giếng khoan, hệ thống nước sạch, thư viện trường học, cầu giao thông đã được xây dựng để phục vụ đồng bào vùng sâu.

Ngoài các chương trình trên, 11 năm qua, cá nhân ông Lực đã vận động tài trợ và tổ chức hỗ trợ tiền mặt, lương thực, nhu yếu phẩm hàng tháng cho hơn 15.000 lượt người nghèo. Tặng học bổng dài hạn cho 120 học sinh mồ côi, khuyết tật và học sinh nghèo, 30 học sinh được nhận học bổng trị giá từ 50 đến 70 triệu đồng để học hết bậc phổ thông trung học. Hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, áo quần và mền mùng mới cho 239.790 lượt người có hoàn cảnh khó khăn tại các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vận động được 1.700 máy trợ thính cho học sinh khiếm thính và người cao tuổi. Tặng 30 máy vi tính xách tay phục vụ cho việc học tập cho học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ông Lực còn tham gia thành lập và vận động tài trợ dài hạn Bếp ăn từ thiện ở Trung tâm Y tế huyện Cát Tiên. Ông cũng đã kết nối với các nhà tài trợ tặng kính viễn thị, kính cận thị cho 2.190 người cao tuổi và học sinh nghèo; 8.000 lượt bệnh nhân và trẻ em nghèo được chăm sóc nha khoa, nhổ, trám răng miễn phí... Riêng cá nhân ông Lực đã kêu gọi trợ giúp cho 841.979 lượt người trong 11 năm qua. 

Ông Lực cho biết: “Để có được những kết quả trên, tôi đã tạo được lòng tin đối với các nhà tài trợ bằng việc công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn tài chính. Toàn bộ số tiền tài trợ do tôi vận động, tôi không yêu cầu chuyển về Hội mà đề nghị các nhà hảo tâm, các tấm lòng nhân ái, các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ trực tiếp hỗ trợ các đối tượng cần trợ giúp. Chẳng hạn như nhà tài trợ chuyển tiền chi phí mổ tim cho các bệnh viện khi Hội giới thiệu bệnh nhân cần được tài trợ; nhà tài trợ trực tiếp thanh toán chi phí phẫu thuật mắt, thanh toán tiền mua vật tư, thuốc, kính, thủy tinh thể nhân tạo. Hội chỉ lo mượn địa điểm khám, bố trí phòng phẫu thuật, mời bệnh nhân… Các chương trình tặng máy trợ thính, tặng xe đạp, xe lăn, vở và sách giáo khoa, hàng hóa cứu trợ đồng bào các xã vùng xa..., tôi cũng đề nghị các nhà tài trợ tự đặt mua và vận chuyển về Lâm Đồng, đồng thời, mời các nhà tài trợ cùng với Hội tổ chức trao tặng đến từng đối tượng”.

Với cách làm này, các chương trình cấp học bổng, xây nhà tình thương, trợ vốn cho người nghèo, hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo điều trị… đều được các nhà hảo tâm, các tấm lòng nhân ái đến Lâm Đồng trao trực tiếp cho người cần trợ giúp, ông Lực và Hội đã kết nối, vận động kinh phí và tổ chức triển khai. Vì thế, nhà tài trợ biết rõ đồng tiền trợ giúp của họ được trao cho ai, giúp cho đối tượng nào và họ yên tâm rằng Hội không trích tiền tài trợ và không xin hỗ trợ để chi vào việc quản lý. Tất cả các khoản chi tổ chức các chương trình từ thiện đều do hội viên đóng góp; những khoản chi khác như tiền thuê xe, tiền in ấn, chi phí lưu trú khi tổ chức chương trình ở vùng xa, chi phí vận chuyển xe lăn viện trợ từ các cảng biển về Lâm Đồng được Hội xin UBND tỉnh hỗ trợ. Điều đó lý giải vì sao 10 năm qua, Hội luôn là đơn vị dẫn đầu hệ thống Hội Bảo trợ toàn quốc về số tiền vận động tài trợ cho các hoạt động nhân đạo, dẫn đầu về số đối tượng được trợ giúp. 

Không chỉ trợ giúp các đối tượng bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi trong tỉnh, Hội đã vươn ra các tỉnh miền Trung và vùng Tây Bắc giúp đỡ đồng bào bị thiên tai với gần 4 tỉ đồng hỗ trợ cho 1.800 gia đình bị thiệt hại nặng. 

Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát, ông Lực đã dành toàn bộ lương hưu trong 6 tháng, tiền của cá nhân và vận động các con trong gia đình đóng góp tổng số tiền hơn 482 triệu đồng để tặng 603 phần quà, mỗi phần trị giá 800 ngàn đồng, giúp cho các hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người khuyết tật và bệnh nhân nghèo tại Đà Lạt. Trong suốt 10 năm qua, hàng tháng ông Lực đã dành trọn tiền cho thuê mặt bằng tại nơi ở, dành lương hưu và vận động người thân đóng góp để chăm lo cho 54 người già neo đơn, mỗi cụ được hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm và tiền mặt trị giá 800 ngàn đồng. 

 “Tất cả những việc tôi đã làm trong 11 năm qua là từ tiếng gọi trái tim của người làm công tác bảo trợ. Từ những việc làm công khai, minh bạch, tôi đã vận động được nhiều nhà tài trợ trong và ngoài nước ủng hộ. Nhờ vậy, hoạt động của Hội liên tục được duy trì từ 5 chương trình nhân đạo ban đầu, đến nay, Hội đã thực hiện 17 chương trình nhân đạo từ thiện hiệu quả và có ý nghĩa thiết thực, góp phần làm giảm gánh nặng ngân sách tỉnh trong các chương trình an sinh xã hội”, ông Lực chia sẻ.