Vượt núi Voi với những người dẫn đường chuyên nghiệp...

NHẬT QUÂN 06:58, 02/05/2023

Núi Voi dễ dàng nhận diện trong hình dáng một chú voi rất rõ đầu và lưng in lên nền trời trên đường từ Đà Lạt đi Đức Trọng. Núi Voi nằm trên địa phận 3 địa phương là Đà Lạt, Lâm Hà và Đức Trọng; đồng thời, có một vị trí rất đặc biệt vì đỉnh núi Voi chính là mốc ranh giới của 3 địa phương này. Núi Voi được nhiều đơn vị lữ hành khai thác tour còn bởi nhiều điều thú vị ẩn trong thảm rừng nguyên sinh xanh mênh mông với những buôn làng quanh chân núi... 

Cột mốc trên đỉnh núi Voi hướng về 3 địa phương
Cột mốc trên đỉnh núi Voi hướng về 3 địa phương

Nhưng, chúng tôi lại có mặt trong chuyến đi tìm đường cho một tour du lịch từ đỉnh núi Voi đến xã Đông Thanh, nằm trên địa phận huyện Lâm Hà, cách Đà Lạt chừng 30 km.

VÌ MỘT CUNG ĐƯỜNG DU LỊCH MỚI

Còn nhớ, 5 - 7 năm trước, khi đường bay kết nối Đà Lạt với trung tâm miền Tây được Vietravel thực hiện theo hình thức charter (thuê chuyến), những người làm du lịch 2 địa phương đã tâm đắc nói về ý tưởng của đường bay này là “sự lãng mạn tuyệt vời của du lịch”; bởi, thời gian ngồi trên máy bay chưa bằng thời gian uống một tuần trà, hay thưởng thức một ly cà phê, thậm chí là chưa kịp đọc xong một tờ báo...; thay vì phải đi ô tô lay lắt suốt 12 giờ đồng hồ. Nhưng, so với việc di chuyển bằng máy bay vì khoảng cách địa lý, thì những chuyến du lịch đường bộ bằng ô tô hay xe máy, để có thể dừng lại bất cứ điểm nào, thậm chí là bỏ xe và cuốc bộ sẽ thú vị hơn nhiều. Vì như thế, mới trải nghiệm cảm giác băng rừng, vượt núi, lội suối, hoặc thư thái đi dạo, rồi thả lưng trên đám cỏ... Và thú vị hơn, với những chuyến đi như thế, chúng ta được đồng hành với những người mở đường chuyên nghiệp... và cũng để cảm nhận “sự lãng mạn tuyệt vời của du lịch” theo một cách khác... 

Núi Voi cách Đà Lạt chừng 15 km về phía Tây Nam, có độ cao 1.765 m so với mực nước biển. Từ trung tâm Đà Lạt, chúng tôi tiếp cận chân núi Voi theo nhánh trái vào Khu du lịch hồ Tuyền Lâm, đến đường Hoa Đỗ Quyên thì dừng xe và bắt đầu hành trình leo núi bằng hai chân. Chuyến đi khảo sát này do Công ty Cổ phần TROPIAD tổ chức, với sự dẫn dắt của người dò đường chuyên nghiệp là anh K’Vang, có sự tham gia của chính Giám đốc Công ty Cổ phần TROPIAD là anh Nguyễn Tử Ngọc Anh - nhà điều hành tour xuyên rừng chuyên nghiệp. Trước khi bắt đầu chuyến xuyên rừng tìm đường, chúng tôi được trang bị gậy đi rừng, bao tay và tất chân, cùng với mũ và khăn mang theo... bảo đảm nguyên người chỉ hở có 2 con mắt để đề phòng, chống muỗi vắt, sâu bọ... 

Chuyên gia dẫn đường: anh K’Vang (phải) và anh Tử Anh (trái)
Chuyên gia dẫn đường: anh K’Vang (phải) và anh Tử Anh (trái)

Không như các tour du lịch chinh phục núi Voi khác, đoàn khảo sát lấy điểm mốc từ Đà Lạt là đỉnh núi Voi. Với đỉnh mốc này, chúng tôi đi ngược lên núi qua cánh rừng thông bạt ngàn, xen lẫn những vườn cà phê xanh tốt. Lên cao nữa là đến rừng nguyên sinh với các tầng cây, vẫn còn những cây cổ thụ cao vút, có cả cây pơmu cổ thụ và cây thông đỏ ngàn năm đang là nguồn dược liệu quý, được đánh số bảo vệ... Dưới chân là những thảm lá rụng dày, ẩm, và hệ quả còn sót lại sau cơn mưa là những con vắt háo hức bắn lên giày, lên chân dù đã che kín... 

Sau gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đến được cột mốc ở đỉnh núi Voi. Đó là một trụ bê tông nhỏ hình khối tam giác, 3 mặt ghi “Đ.G T.PHỐ ĐÀ LẠT”, “Đ.G HUYỆN LÂM HÀ”, “Đ.G HUYỆN ĐỨC TRỌNG”. Cạnh cột mốc tam giác là một khung bê tông hình vuông, dài hơn 1 m, trên các cạnh có dòng chữ “TỔNG CỤC ĐỊA CHÍNH - MỐC TOẠ ĐỘ QUỐC GIA”, “5-1999”, “NGHIÊM CẤM PHÁ HOẠI”. Chúng tôi tò mò ngắm nghía quanh mốc toạ độ để định hướng các địa phương, vừa khám phá các loại cây tự nhiên và được “gieo trồng” từ các loại hạt do người đi rừng bỏ lại.

Từ cột mốc ở đỉnh núi Voi, anh K’Vang và anh Tử Anh bắt đầu sử dụng phần mềm trong điện thoại để tính toán toạ độ và quyết định chọn hướng đi. Cũng từ đây, chúng tôi bắt đầu “xổ dốc rừng” với những tán cây bụi giăng kín xung quanh. Anh K’Vang và anh Tử Anh dùng dao phát cây mở lối. Bạn Hữu - một hướng dẫn viên của Công ty TROPIAD vừa bọc hậu vừa liên tục dùng nơ đỏ đánh dấu đường đi. Suốt chặng đường trước đó (từ Đà Lạt đến đỉnh núi Voi), mặc dù anh K’Vang biết đường, nhưng Hữu vẫn dùng nơ đỏ thắt lên cành cây - “để những đoàn đi sau nhận biết, vì không phải hướng dẫn viên nào cũng rành đường, dù đi lại nhiều lần...”...

Thông điệp để lại trên cây
Thông điệp để lại trên cây

Đi được 2 tiếng nữa, chúng tôi ra khỏi khu rừng tạp và nhìn thấy trảng cỏ tranh, dương xỉ khá bằng phẳng phía trước. Chỉ mất 15 phút để băng qua trảng cỏ, đến rẫy của người dân đang trồng mắc ca xen cà phê, chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi, trải bạt ăn trưa, hái loài cỏ dại có hương thơm để tự thưởng và nhìn về núi Voi - tận hưởng cảm giác chiến thắng với một cung đường dài khoảng 11 km và trải qua 5 tiếng đồng hồ xuyên rừng...

Thấm mệt nhưng ai cũng vui, vì một cung đường du lịch đang hình thành và mỗi chúng tôi đều vượt qua chính mình trên cung đường ấy với những trải nghiệm lần đầu tiên trong đời... Từ điểm dừng chân, chúng tôi đi thêm 45 phút qua các vườn rẫy, là đến Lâm Hà Twilight (Chi nhánh Văn phòng của Công ty TROPIAD ở xã Đông Thanh) với view rừng 360 độ, cũng vừa kịp tránh cơn mưa như trút nước; và, vừa ngắm mưa rơi và thầm cảm ơn ông trời đã “độ” cho anh em những chuyến khảo sát du lịch lịch sử, thành công, an toàn và nhiều hứa hẹn...

DU LỊCH CÓ TRÁCH NHIỆM

Cùng với chuyến đi mở đường từ Đà Lạt qua núi Voi đến Đông Thanh, trong 4 ngày liên tục, chúng tôi thực hiện những chuyến khảo sát tìm tour du lịch mới, với ước chừng 10 km mỗi ngày. Lần đầu tiên thực hiện những chuyến đi khác biệt, trong những điều kiện khác biệt và hoàn cảnh cũng khác biệt, chúng tôi học hỏi được nhiều điều trân quý từ những người bạn đồng hành. Như việc anh K’Vang thu rác gom vào cái bao anh mang sẵn và cất vào ngăn cuối của chiếc ba lô cao hơn 1 m đang chặt cứng... “Đây là việc anh em hướng dẫn thường làm, và để cùng khách thực hành du lịch có trách nhiệm”, anh K’Vang cho biết. 

Rồi có những việc tưởng chừng không thể, như là cứu một cái cây vừa bị “ai đó” lột vỏ, chặt đứt mạch sống từ gốc để cây khô, hợp thức hoá việc lấy gỗ ra khỏi rừng, bằng cách ghép lại các mảnh vỏ vào thân cây và lấy dây cố định vỏ. Anh Tử Anh hy vọng, nếu “họ” (người hại cây) không quay lại trong vài ba ngày thì cái cây có khả năng sống... Hoặc, những câu chuyện cũng là những kiến thức mà chỉ có những người đi rừng nhiều mới có, được anh K’Vang hướng dẫn, như cây này để làm gì, bẫy thú này đặt từ bao giờ - khác loại bẫy kia như thế nào, vì sao lại có những con đường được dọn sẵn để thú rơi vào bẫy...

Rồi những chiếc khèn lá, kèn từ ống lồ ô được ngẫu hứng vang lên cùng với tiếng chim hót, tiếng lá cây xào xạc... Rồi, cả tiếng bước chân của người trước lắng nghe người sau để không bao giờ quên bạn đồng hành hay lạc mất nhau... Là niềm vui hân hoan cho mỗi chặng đường vừa vượt qua, đồng nghĩa với việc đặt được dấu mốc cho những người đi sau...

Chúng tôi còn thực hiện những chuyến khảo sát khác ở Đơn Dương, Đạ Tẻh, Cát Tiên... để đánh giá tính khả thi của những cung đường du lịch và có những trải nghiệm vô cùng thú vị cùng những người dẫn đường... Và chúng tôi, những người may mắn được đồng hành trong những chuyến mở đường như thế này, còn có những cảm xúc mãnh liệt với những bữa tiệc độc đáo và độc nhất, là “bia ướp suối lạnh nhắm với đồ nướng chấm mưa”; những lúc hỗ trợ nhau vượt suối, leo núi, trượt vách đá, vọp bẻ, vắt cắn... 

Được tận mắt chứng kiến hành trình của những người mở đường dẫn lối cho các tour du lịch, có trách nhiệm với thiên nhiên, với môi trường và với du khách... mới thấy thật nhiều ý nghĩa và bao điều trân quý! Bởi họ là những người mở đường can trường và đáng yêu!