Hôm nay chúng con về thăm quê Bác

TỨ ĐỨC 06:35, 18/05/2023

Thật tự hào, bồi hồi xúc động đối với mỗi người dân đất Việt khi được đến Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An - nơi sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc Việt Nam và cả thế giới. 

Trung tâm của Cụm Di tích làng Sen là ngôi nhà của gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Trung tâm của Cụm Di tích làng Sen là ngôi nhà của gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An cách thành phố Vinh khoảng 15 km. Đây là khu di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của quốc gia, tọa lạc trên diện tích 205 ha với nhiều địa điểm tham quan cách nhau 2 - 10 km. Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên là không gian lưu giữ nhiều kỷ vật về tuổi thơ của Bác giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nơi Người sinh ra và lớn lên.

Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên thành lập vào năm 1956, hiện đang lưu giữ gần 4.000 tài liệu, hiện vật liên quan đến gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh; hai lần Người về thăm quê... Khu Di tích Kim Liên đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Hàng năm, Khu Di tích đón từ 1,6 đến 2 triệu lượt khách trong và ngoài nước về thăm.

Càng lắng đọng trong tôi những cảm xúc dào dạt, khi mỗi bước đi tìm đường cứu nước, khắp năm châu bốn bể, Người luôn đau đáu hướng về quê hương: “Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương/ Người về đây thăm Hoàng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha/ Xúc động bồi hồi Người rơi giọt lệ/ Thương mái nhà tranh thương đất mẹ nghèo” (Người về thăm quê, Thuận Yến).

Cụm Di tích làng Sen quê Bác thuộc địa phận xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tại mái nhà Bác từng sống, các vật dụng vẫn còn lưu giữ vẹn nguyên như: phản gỗ, mâm gỗ sơn đen, chiếc tủ đứng, giường, rương đựng lương thực... Đến làng Sen quê Bác, càng thực sự ấn tượng với mùi hương thơm ngát của hồ sen nở rộ, hàng cau san sát và không gian rất đỗi yên bình.

Chị Hoàng Thị Thanh, một du khách đến từ Bình Dương tâm sự: “Đây là lần đầu tiên tôi và gia đình mình về thăm quê Bác. Biết bao nhiêu cảm xúc dạt dào trong tôi về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi luôn kể các mẫu chuyện về Bác Hồ với thiếu nhi cho các con tôi nghe, qua đó giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, sự biết ơn, lòng thành kính vô hạn với Người”.

Có lẽ rằng, ngôi nhà xưa lưu giữ ký ức, những đêm trăng với giọng trầm cha đọc thơ, tiếng thoi mẹ dệt vải đã sâu lắng tâm hồn của Người trong di sản, sự nghiệp sáng tác văn, thơ vô giá của Người.

Cụm Di tích Hoàng Trù - quê ngoại Bác Hồ là nơi Người cất tiếng khóc chào đời và sống 5 năm tuổi ấu thơ. Thấp thoáng sau lũy tre xanh là những nếp nhà tranh đơn sơ, mộc mạc vẫn còn nguyên những kỷ vật nhuốm màu thời gian cùng những câu chuyện cảm động về tuổi thơ của Bác.

Trung tâm của Cụm Di tích làng Sen là ngôi nhà của gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Nơi đây còn lưu giữ những kỷ vật gắn bó với 5 năm thời niên thiếu của Bác Hồ (từ năm 1901 đến 1906) và hai lần Người về thăm quê (1957,1961). Tại Cụm Di tích làng Sen còn có những điểm di tích phụ cận, như nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm, giếng Cốc, lò rèn Cố Điền, đền làng Sen... cây đa, sân vận động làng Sen.

Trong Cụm Di tích làng Sen còn có những công trình quan trọng khác, như Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà trưng bày hiện vật. Đến thăm 2 cụm di tích quê nội và quê ngoại của Bác Hồ, người dân còn được tham quan, trải nghiệm khung cảnh làng quê yên bình với những mái nhà tranh giản dị là nhà láng giềng của gia đình Bác Hồ những năm cuối thể kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Khu mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trên đỉnh Động Tranh thuộc dãy núi Đại Huệ xã Nam Giang. Nơi đây có phong cảnh hữu tình, núi non hùng vĩ, cây cối bốn mùa xanh tươi.

Khánh thành vào năm 2020, đền Chung Sơn - đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trên đỉnh Núi Chung là điểm đến quan trọng khi du khách về thăm Kim Liên. Đền được xây dựng hài hòa trong tổng thể cảnh quan, kiến trúc không gian Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên và phù hợp với quy hoạch phát triển Khu du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái Núi Chung. Đền Chung Sơn là địa chỉ văn hóa mang ý nghĩa hết sức đặc biệt, thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, nơi đồng bào cả nước bày tỏ niềm kính yêu, tấm lòng tri ân đối với sự hy sinh của những người thân trong gia đình Bác Hồ.

Bác ơi! Hôm nay chúng con về thăm quê Bác; dâng nén tâm nhang thành kính, đời đời nhớ ơn Người.