Huyền bí động ngàn tượng Phật bên dòng Mê Kông

09:09, 25/09/2014

Khi tôi đặt chân xuống thuyền và có mặt trên dòng sông lớn nhất thế giới - Mê Kông hùng vĩ, cảm giác hân hoan cho một chuyến phiêu lưu dường như khiến nhịp tim đập nhanh hơn so với bình thường. Càng phấn kích hơn khi điểm đến cho cuộc hành trình sẽ là hang động ngàn tượng Phật Pak Ou huyền thoại của người Lào. 

Khi tôi đặt chân xuống thuyền và có mặt trên dòng sông lớn nhất thế giới - Mê Kông hùng vĩ, cảm giác hân hoan cho một chuyến phiêu lưu dường như khiến nhịp tim đập nhanh hơn so với bình thường. Càng phấn kích hơn khi điểm đến cho cuộc hành trình sẽ là hang động ngàn tượng Phật Pak Ou huyền thoại của người Lào. 
 
Xuôi dòng Mê kông mùa nước cạn
 
Cuối tháng 4, dòng Mê Kông đã vào mùa nước cạn, nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp của một dòng sông hùng vĩ. Quả nhiên, chưa bao giờ tôi trông thấy một dòng sông có đôi bờ rộng lớn hơn thế. Từ thượng nguồn Trung Quốc, Mê Kông vắt mình qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và đổ ra biển Ðông ở Việt Nam. Con sông trải dài trên hơn 4.300km, gắn liền với mạch nguồn văn hóa của 6 quốc gia và được mệnh danh là kỳ quan thiên nhiên của châu Á.
 
Hành trình xuôi dòng Mê Kông của tôi được bắt đầu từ thành phố di sản Luang Prabang tĩnh lặng - cố đô xinh đẹp của đất nước Triệu Voi. Bến thuyền của thành phố nằm trên con đường Soulignavongsa dọc bờ sông, rất dễ dàng cho việc mua vé thuyền để đến động Pak Ou vào mỗi buổi sáng trong ngày. Thuyền mà người dân Lào sử dụng có hình dáng dài và hẹp, lướt trên mặt nước êm ru như những con cá kim tài tình. Cảnh sắc hai bên bờ cứ thế theo con nước mở ra những góc nhìn đẹp đến nao lòng. Chỉ thấy xung quanh toàn nước lang láng, xa xa những rừng cây đan chen các sắc lá xanh, đỏ, vàng dệt thành bức tranh đôi bờ Mê Kông mùa hạ. Những thôn bản nhỏ nhắn nằm lọt thỏm trong những sắc hoa mơ màng. Ðàn trâu đằm mình giữa dòng nước cạn bình yên. Bãi bồi đã tạo thành những ốc đảo nhỏ nhắn - là nơi đặt những cột đo mực nước dâng, đánh dấu độ cao “đáng nể” của con sông vào mùa nước lên. Những bãi đá cạn bày ra đây đó với hình thù ngoạn mục. Qua những làng bản ven sông, tôi còn được trông thấy hàng chục trẻ em nô đùa trên sông và bơi lội giỏi như rái cá. Ngư dân đánh bắt cá với những ngư cụ xem chừng còn rất thô sơ. 
 
Trên chuyến xuôi dòng, thuyền dừng lại ở bản Sang Hay - nổi tiếng với nghề làm chum, cất rượu gạo, dệt vải và làm giấy sa. Người dân Lào - theo tôi, đáng xếp vào danh sách những người dân làm du lịch hiền hậu nhất hành tinh. Không trả chác, không mời mọc, không vồn vã mà vô cùng chân chất, thật thà và đáng tin cậy. Một vòng quanh bản nhỏ Sang Hay, có thể nếm thử hương vị rượu gạo Lào tinh khiết, mua vài chiếc khăn choàng với màu sắc nổi bật đặc trưng của xứ Lào làm quà lưu niệm. Ðặc biệt, còn có thể tham quan ngôi chùa hoàng gia nổi tiếng nơi đây, đã từng là nơi ở lại nghỉ qua đêm của rất nhiều vị vua Lào trong những chuyến hành hương lễ bái Phật ở động Pak Ou (theo thông lệ vào mỗi dịp Tết Bunpimay trong quá khứ). 
 
 Tượng Phật ở động Pak Ou
Tượng Phật ở động Pak Ou
 
Độc đáo “Chiêu vũ Phật” tại động Pak Ou
 
Hai tiếng đồng hồ trôi xuôi theo thuyền là thời gian tuyệt vời để khám phá và cảm nhận những nét khác biệt của dòng Mê Kông trên đất Lào. Thuyền sắp cập bến, từ xa một ngọn núi đá vôi hiện ra sừng sững giữa dòng chảy giao thoa của cửa sông Nam Ou đổ vào sông Mê Kông. Ðó chính là nơi “giấu mình” của hang động Pak Ou linh thiêng - gắn liền với tín ngưỡng của người Lào trong suốt hơn 600 năm qua. Hơn 4.000 pho tượng Phật đã được người Lào đem đến đây cất giấu trong suốt nhiều thế kỉ với lòng thành kính. Pak Ou là tên gọi chung cho hai vòm động ẩn trong lòng núi là động Tam Tinh và động Tam Phum. 
 
Lần đầu tiên bước vào động Tam Tinh, tôi đã vô cùng choáng ngợp trước vô số tượng Phật với đủ các thể loại, chất liệu và kích thước. Hệ thống tượng Phật ở Pak Ou được đánh giá là rất đa dạng với nhiều hình thái khác nhau của Phật. Ðây quả nhiên là một kho báu về mỹ thuật tạo hình của Lào với các tượng Phật được chế tác theo phong thái “tứ oai linh”, tức 4 tư thế chính là đi, đứng, nằm, ngồi và biến hóa chi tiết các động tác để tạo thành 40 tư thế, được gọi chung là Mudra. Bên cạnh những tượng Phật mô phỏng tư thế “chạm đất” - diễn tả sự giác ngộ và chiến thắng quỷ, “đại định” - thể hiện Ðức Phật đang ngồi thiền định, “vô úy” - được tạc với bàn tay phải của Phật giơ lên trước ngực như đang đẩy lùi tà kiến và các thế lực vô minh, còn có thể tìm thấy tượng “chiêu vũ Phật” (Phật gọi mưa) - loại tượng Phật độc đáo duy nhất chỉ có thể tìm thấy ở nước Lào. Chiêu vũ Phật được thể hiện trong tư thế đức Phật đang đứng, hai tay xuôi chỉ xuống đất, có xuất xứ từ thế kỷ XV và đã trở thành một nét đặc trưng trong tín ngưỡng Phật giáo của Lào. Theo truyền thuyết, cố đô Luang Prabang khi ấy đã xảy ra đợt hạn hán lớn, chiêu vũ Phật cũng đã ra đời trong bối cảnh đó, các nghệ nhân đương thời đã sáng tạo, chế tác nên dáng thế độc đáo của tượng để gởi gắm nguyện ước cầu mưa cho quê hương xứ sở. 
 
Leo hết 200 bậc thang nằm ngay bên ngoài lối vào động Tam Tinh, sẽ tìm thấy động Tam Phum, tọa lạc ở phía trên đỉnh núi. Cửa hang mở sâu vào vòm động tối om, lần vào bên trong không gian bỗng trở nên linh thiêng bởi tia sáng huyền ảo phát ra từ những ngọn nến bày biện trên bàn thờ Phật. Hàng ngàn gương mặt tượng Phật được chế tác qua đôi bàn tay tinh tế của các nghệ nhân Lào hiện ra sống động và uy linh hơn bao giờ hết. Thật khó hình dung được cảnh tượng cách đây khoảng 300 năm, vào thời loạn lạc bị giặc ngoại xâm đánh chiếm, đêm đêm, các tượng Phật này đã được người dân vận chuyển bằng thuyền đến đây cất giấu. Pak Ou, từ rất lâu trong tín ngưỡng người Lào, chính là nơi ở linh thiêng của các vị thần bảo hộ. 
 
Sau những giờ phút chiêm bái hàng ngàn bức tượng Phật kỳ bí ở động Pak Ou, tôi lại lên thuyền ngược dòng Mê Kông trở về với miên man những cảm xúc cho một chuyến hành trình đáng nhớ trong đời.
 
ÐÔNG PHƯƠNG