8 cụm đảo cù lao trên biển

04:10, 01/10/2014

Cù Lao Chàm là tên gọi chung cho 8 hòn đảo lớn nhỏ, xếp theo hình cánh cung trên mặt biển. Để nhớ tên được 8 hòn này, chỉ cần thuộc câu ca dao tài tình của người dân nơi đây - "Ra Lao đốn Lụi cho Dài; Chờ cho Khô Lá, xuống Tai đón Nờm" - là đầy đủ điểm đến cho chuyến hành trình. 

Cù Lao Chàm là tên gọi chung cho 8 hòn đảo lớn nhỏ, xếp theo hình cánh cung trên mặt biển. Để nhớ tên được 8 hòn này, chỉ cần thuộc câu ca dao tài tình của người dân nơi đây - “Ra Lao đốn Lụi cho Dài; Chờ cho Khô Lá, xuống Tai đón Nờm” - là đầy đủ điểm đến cho chuyến hành trình. 
 
Bình yên Cù Lao Chàm
Bình yên Cù Lao Chàm
 
Hòn Lao ngày nắng
 
Khởi hành từ cảng Cửa Đại, thành phố Hội An, chỉ mất chừng 25 phút lướt ca nô trên biển, Cù Lao Chàm trong một ngày nắng đẹp đã hiện ra trước mắt tôi. Nơi đây, biển xanh, trời xanh, thảm thực vật xanh ngút - đâu đâu cũng một màu xanh văn vắt phủ lên toàn cảnh bức tranh đảo. Tôi cập bến Bãi Làng - Hòn Lao vào đúng dịp kỷ niệm 5 năm Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Một cuộc đua thuyền đầy kịch tính diễn ra trên biển nhân sự kiện này. Thuyền đua tụ hội trong bán kính từ khu vực mặt biển bãi Làng đến Hòn Khô nhỏ, rượt đuổi nhau, lướt băng băng theo những nhịp chèo mạnh mẽ trong không khí tưng bừng của ngày lễ. 
 
Hầu hết các địa danh ở Bãi Làng đều tập trung dọc theo con đường dài chạy sát mép biển: Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - nơi có thể tìm hiểu thông tin tổng thể về đảo, Chợ Tân Hiệp với các loại đặc sản tươi sống nổi tiếng của đảo như bào ngư, vú nàng, vú xao, cua đá..., các quầy bán đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ chế tác từ ốc biển. Người dân đảo mến khách, luôn niềm nở với nụ cười trên môi. Hàng quán ăn uống ăm ắp gió và mát rượi hương vị biển. Theo con đường này, tôi đã tìm đến Chùa Hải Tạng thuộc hệ phái Phật giáo Đại thừa được xây dựng vào thế kỷ XVIII, có quy mô lớn nhất trên đảo và ghé vào giếng Xóm Cấm, chỉ để múc một gáo nước mát lạnh rửa mặt và nếm thử vị nước ngọt giữa lòng biển khơi. Thật khó hình dung được trong buổi sơ khai vượt biển, người Chăm làm cách gì để xác định được vị trí mạch ngầm nước ngọt quý giá giữa trùng khơi này?
 
Buổi trưa là thời điểm tuyệt vời để di chuyển bằng ca nô đến khu vực “Bãi đá trắng”, được mệnh danh là bãi lặn san hô “giàu có” nhất của Cù Lao Chàm. Được biết, các hệ động thực vật phong phú, đa dạng của Cù Lao Chàm có tới 165ha san hô, 500ha rong biển, tảo và hơn 200 loài cá. Bằng kính lặn nông và áo phao, sau 5 phút hướng dẫn, tôi đã có thể lao xuống mặt nước để khám phá thủy cung kỳ thú dưới đáy biển. Những khối san hô mang màu sắc cầu vồng, chuyển động nhịp nhàng tựa như những đóa hoa của biển, từ từ hé nở rồi e ấp xếp lại theo nhịp triều cường. Những con nhím biển, sao biển màu tím, cá nemo màu cam vệt vàng và hằng hà sa số những con vật kỳ lạ thoắt hiện, thoắt ẩn, đẹp như một chốn thần tiên mà tôi đã từng đọc trong truyện cổ tích Andecxen. 
 
Hoàng hôn trên bãi Xếp
Hoàng hôn trên bãi Xếp
 
Đêm trên Bãi Xếp
 
Khi đến đảo, người ta thường nghĩ ngay tới sự hoang vắng và thèm muốn cảm giác yên tĩnh sau những ồn ào nơi đô thị. Đêm đến, đa phần khách lưu trú tại khu vực Bãi Làng. Để tìm được “cảm giác Robinson” cho riêng mình, tôi đã quyết định cắm lều ở một nơi hoang vắng hơn - Bãi Xếp. Tại khu vực Bãi Xếp, chỉ có duy nhất hai quán ăn phục vụ du khách. Trước khi hoàng hôn buông xuống, chủ quán sẽ quay về Bãi Làng sau khi trang bị đầy đủ lều cho khách qua đêm tại đây. Từ lúc đó trở đi, khách tự phục vụ với các thức uống có sẵn cũng như tự ghi lại các món đã dùng vào hóa đơn tính tiền để sẵn trên quầy - một cách tự phục vụ vui vẻ và thanh toán hoàn toàn tự giác chỉ có thể tìm thấy trên đảo.
 
Hoàng hôn là thời khắc đẹp nhất trên Bãi Xếp. Mặt trời đã chọn một vị trí tuyệt đẹp để hạ xuống mặt biển, khuất sau hình thù kỳ lạ của những tảng đá tại Bãi Chồng. Đêm trên đảo tưởng như đến nhanh đất liền. Đến 9h tối thì điện từ quán ăn cúp hẳn, trả lại cho bãi Xếp sự thanh vắng hoàn toàn của tiếng gió, tiếng sóng rì rào, tiếng tịch mịch bóng đêm. Đảo khi ấy trở nên đẹp hơn nhờ ánh trăng vằng vặc, biển như dát một lớp bạc lung linh. Một đêm ngủ lều ở Bãi Xếp, nằm ngửa mặt trên bờ cát, ngắm bầu trời đầy sao, đất liền không xa, thế nhưng đảo hoàn toàn tĩnh mịch và tách biệt với thế giới bên ngoài giữa bốn bề sóng nước. Tôi đã có những giờ phút tận hưởng Cù Lao Chàm “riêng tư” nhất cho chính mình, như thể đang đóng vai Robinson Crusoe trên hoang đảo.
 
Sáng hôm sau, thay vì di chuyển bằng ca nô tôi đã quyết định đi bộ theo đường mòn cắt rừng để đến Bãi Hương. Cảm giác “lội bộ” giữa những tán cây rừng, ngắm hoa, đuổi bướm như thế này quả là rất khan hiếm trong đời sống hiện đại. Niềm phấn khích mỗi khi phát hiện ra một giống cây lạ, một loài hoa đẹp có hương thơm xua tan cả nỗi mệt nhọc. Con đường càng lên cao, khung cảnh đảo càng mở ra lộng gió và xao xuyến tâm hồn. Sau hơn 30 phút, tôi đã đặt chân đến Bãi Hương hiền hòa, dừng chân tại Miếu tổ nghề yến, trò chuyện với những cụ già răng đen - cư dân của đảo hàng chục năm nay.
 
Tạm biệt 8 cụm đảo Cù Lao Chàm xinh đẹp, ca nô hướng về cảng Cửa Đại lướt như bay trên những lớp sóng xôn xao, biển khoáng đạt, bao la như rộng mở cánh cửa tâm hồn.
 
ĐÔNG PHƯƠNG