Thăm núi Bà Đen

09:10, 03/10/2014

(LĐ online) - Một ngày đầu tháng 10/2014, đoàn công tác Báo Lâm Đồng chúng tôi đã có dịp "rời núi" từ Đà Lạt về Tây Ninh để đến thăm núi Bà Đen, một di tích lịch sử văn hóa và danh thắng rất nổi tiếng của Tây Ninh...

(LĐ online) - Một ngày đầu tháng 10/2014, đoàn công tác Báo Lâm Đồng chúng tôi đã có dịp “rời núi” từ Đà Lạt về Tây Ninh để đến thăm núi Bà Đen, một di tích lịch sử văn hóa và danh thắng rất nổi tiếng của Tây Ninh. Điều thú vị là khi đến đây, chúng tôi được các đồng nghiệp địa phương thông tin là mới đây, di tích này vừa đưa hệ thống cáp treo mới vào vận hành thay cho hệ thống cáp treo cũ - hệ thống cáp treo đầu tiên của Việt Nam; càng có ý nghĩa hơn khi thị xã Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) cũng vừa được công nhận là thành phố.
 
Hệ thống cáp treo mới theo công nghệ châu Âu này có tổng chiều dài 1.084m, gồm 37 ca bin
Hệ thống cáp treo mới theo công nghệ châu Âu này có tổng chiều dài 1.084m,
gồm 37 ca bin
 
Đồng nghiệp Báo Tây Ninh cho biết: Tây Ninh cách TP HCM khoảng 100km về phía tây bắc, là nơi có di tích lịch sử văn hóa và danh thắng núi Bà Đen nổi tiếng của Việt Nam. Từ lâu, quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh thắng núi Bà Đen là biểu tượng về đất và người của quê hương Tây Ninh. Núi Bà Đen cao 986m, là ngọn núi cao nhất phía Nam, có diện tích 24km2 gồm 3 ngọn núi tạo thành - núi Heo, núi Phụng và núi Bà Đen. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, núi Bà Đen là nơi tranh chấp vô cùng quyết liệt giữa lực lượng cách mạng và lực lượng phản cách mạng. “Thời chống Mỹ, trên đỉnh núi là căn cứ quân sự của Mỹ, dưới chân núi là vùng kiểm soát của quân đội Sài Gòn; còn nơi lưng chừng núi là nơi chiếm đóng của lực lượng cách mạng” - đồng nghiệp của chúng tôi ở Tây Ninh cho biết. Còn về những ngôi chùa trên lưng chừng núi, đồng nghiệp bảo rằng “Nó đã được xây dựng từ lâu đời. Trong chiến tranh, những ngôi chùa này từng là nơi trú ngụ của lực lượng cách mạng. Sau giải phóng, vào những năm 1995 - 1997, những ngôi chùa trên núi Bà Đen đã được xây dựng lại và trở thành nơi hành hương lễ Phật của tín đồ và du khách thập phương. Vào đầu năm 1989, Bộ VH-TT đã công nhận núi Bà Đen là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
 
Từ ga cáp treo mới nhìn lên đỉnh núi Bà Đen
Từ ga cáp treo mới nhìn lên đỉnh núi Bà Đen

 

Đền thượng - chùa Bà
Đền thượng - chùa Bà
Khắc Dũng