"Piza hủ tíu" Cần Thơ - hấp dẫn du khách gần xa

09:07, 16/07/2015

Thay đổi trong cách làm du lịch từ ẩm thực kết hợp làng nghề truyền thống với du lịch vườn sinh thái là cách làm mới trong những năm gần đây của nhiều cơ sở tư nhân làm du lịch tại đồng bằng sông Cửu Long. 

Thay đổi trong cách làm du lịch từ ẩm thực kết hợp làng nghề truyền thống với du lịch vườn sinh thái là cách làm mới trong những năm gần đây của nhiều cơ sở tư nhân làm du lịch tại đồng bằng sông Cửu Long. 
 
Bà Diễm Thúy đang chế biến món ăn “pizza hủ tíu” tại lò hủ tíu Sáu Hoài
Bà Diễm Thúy đang chế biến món ăn “pizza hủ tíu” tại lò hủ tíu Sáu Hoài
 
Cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 4km, nằm dưới chân cầu Rau Răm, thuộc khu vực 7, phường An Bình, quận Ninh Kiều, chúng tôi được đồng nghiệp báo Cần Thơ cho biết: Trước đây, có hàng chục lò cung cấp hủ tíu cho thành phố Cần Thơ và một số vùng lân cận. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, việc làm ăn thua lỗ, nhiều lò trong xóm không còn duy trì sản xuất. Riêng lò anh Sáu Hoài, ở số 476/14  Lộ Vòng Cung, An Bình lúc nào cũng tưng bừng, rôm rả tiếng người có lẽ phần lớn nhờ có món ăn “Piza hủ tíu”. Món ăn đặc biệt này do cậu con trai lớn Huỳnh Hữu Diệp của họ sau khi tốt nghiệp đại học ở thành phố Hồ Chí Minh vừa đi làm, vừa đi học nấu ăn buổi tối, thừa hưởng sự sáng tạo trong chế biến món ăn của cô Phan Tôn Tịnh Hải, nên về quê anh đã sáng tạo ra món ăn này. Cái tên “Piza hủ tíu” cũng do chính thực khách Tây đặt tên cho món ăn Việt khá dân giã này.  
 
Khách đến tham quan sẽ được các thành viên trong gia đình giới thiệu về nghề làm hủ tíu truyền thống của gia đình, từ khâu xay bột, tráng bánh, phơi khô, cắt sợi đến đóng gói. Từ sản phẩm này, gia chủ đã nghĩ ra cách chế biến ngon, lạ hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài với món hủ tíu xương hầm nước dừa tươi tạo vị ngọt của xương ống kết hợp với vị thanh của nước dừa tươi, sợi hủ tíu dai ngon, nên du khách thưởng thức đều rất thích thú. Bà Nguyễn Thị Diễm Thúy - chủ cơ sở Sáu Hoài cho biết, du khách ai cũng biết đến hạt gạo trắng thơm ngon của Cần Thơ, thế nên gia đình nghĩ ra cách để nâng giá trị hạt gạo bằng cách chế biến thành nhiều món ăn giới thiệu cho du khách. Chúng tôi chú trọng đến khâu lựa chọn gạo. Hủ tíu Sáu Hoài được làm từ gạo Hầm Châu ngon nổi tiếng ở Cần Thơ. Sau khi được mua về, đãi sạch, ngâm kỹ, sau đó mới đem đi chế biến, đặc biệt không sử dụng hàn the hay hóa chất làm trắng. Vì vậy, du khách hoàn toàn yên tâm khi sử dụng hủ tíu Sáu Hoài, bởi sợi hủ tíu chỉ trắng ngà ngà, dai ngon tự nhiên chứ không trắng tinh khi có hóa chất.
 
Bà Diễm Thúy vừa chế biến “piza hủ tíu” vừa cho tôi biết: làm hủ tíu chiên giòn không khó, nhưng để cho món ăn ngon, khẩu vị vừa miệng thực khách thì phải hết sức cẩn thận, tỉ mỉ. Trước hết, cho hủ tíu bột lọc ướp với hạt nêm Knor, tiêu, đường. Sau đó làm thành hình tròn bỏ vào chảo dầu đang sôi chiên giòn, rồi rắc hành phi, hành lá, chà bông hoặc thịt bò, trứng tùy thích, sau đó bỏ ra đĩa rắc đậu phụng, thêm tương ớt, nước cốt dừa sữa tùy theo khẩu vị của thực khách. Giá bán thời điểm chúng tôi đến dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/chiếc “piza hủ tíu”, tùy theo kích cỡ lớn nhỏ.
 
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, cơ sở Sáu Hoài đã có ba đời làm hủ tíu, trên 40 năm duy trì làng nghề truyền thống. Sở dĩ ngày nay nổi tiếng hơn, là bởi cơ sở của ông đã biết kết hợp cả du lịch vườn - du lịch làng nghề - du lịch ẩm thực một cách tinh tế nên hầu như đã làm hài lòng các đoàn khách đến tham quan. Ông Sáu Hoài hồ hởi nói với chúng tôi:  “Thường khách đi theo các tour lữ hành, đến bằng tàu du lịch, sau khi đi một vòng vào Phong Điền, ra chợ nổi Cái Răng rồi ghé lại đây, vừa ăn sáng, uống nước, vừa tham quan nghề  làm hủ tíu và ra vườn tham quan vườn cây trái đủ loại như ổi, mận, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, dừa…”. 
 
Đây có lẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách Cao Nguyên khi đường bay Đà Lạt - Cần Thơ đã được kết nối.
 
NGUYỆT THU