Đặc sắc không gian "Nông Lâm Mục" ở xứ B'lao

09:03, 24/03/2016

Hình như phố phường, nhà cửa mà "kiêu ngạo", hoành tráng thì sẽ lạc loài với cái "gen" của cao nguyên thanh nhã B'lao. Và một điển hình về sự nương tựa thiên nhiên để làm kiến trúc, làm văn hóa đã sẵn có ở xứ này, và được trải nghiệm qua thời gian…

Hình như phố phường, nhà cửa mà “kiêu ngạo”, hoành tráng thì sẽ lạc loài với cái “gen” của cao nguyên thanh nhã B’lao. Và một điển hình về sự nương tựa thiên nhiên để làm kiến trúc, làm văn hóa đã sẵn có ở xứ này, và được trải nghiệm qua thời gian…
 
Có một “thiên nhiên B’lao”. Cái “thiên nhiên” ấy có nắng, gió, và màu xanh dịu dàng - một “miền” canh nông. Đất trời không mát lành và ấm áp thì không thể có một “miền canh nông” tươi thơm quanh năm như vậy. Hình thể xứ sở chập chùng nhưng mênh mông, phóng khoáng, lang bạt, bởi là cao nguyên nhưng núi không cao, vực không sâu, không cần hiểm trở điệp trùng. Trời đất như cố ý không dành sự khắc nghiệt cho nơi này. 
 
Sinh viên của Trường Kỹ thuật và Công nghệ Bảo Lộc ngày nay
Sinh viên của Trường Kỹ thuật và Công nghệ Bảo Lộc ngày nay

Từ khi xứ sở mà người Pháp gọi là “cao nguyên Mạ” - chỉ sắc dân Mạ bản địa - này bị lịch sử đẩy đưa cởi rũ chiếc áo sơn nguyên để dần dà sang kiếp khác: nên “phố thị”, và chấp nhận lưu dung tha nhân khắp mọi miền. Ấy là B’lao hiện hình về thứ đô thị bước ra từ rừng, tĩnh tại, an nhiên, rồi từ “tĩnh” sang “động”. Bước ra từ rừng, lên “thị” trên cái nền đời sống nông nghiệp trang trại, rẫy vườn, trồng trà, cà phê, cây ăn trái ngay từ đầu, nên B’lao có sự điềm tĩnh, bình an và sang trọng nhất định, không lam lũ, tất tả, dù lịch sử cứ biến chuyển hay nền kinh tế thị trường có quất vào. Cây lá của xứ sở, công trình, kiến trúc, hạng mục ở không gian kiến trúc đặc biệt dưới đây, mà qua nó ta thấy được B’Lao, cảm được B’lao, và hiểu được phần nào B’lao.
 
*
 
Trong miền xứ hiền hoà, trong thế đất trời đã có “kiến trúc” này, tôi không thể quên cái mảnh rừng nguyên sinh còn sót lại cuối cùng như một dấu tích đại ngàn, và thi vị hơn khi nương trú trong đấy là một không gian kiến trúc tự sự được tâm hồn xứ sở. Đấy là không gian kiến trúc đặc chất sơn nguyên của Trường Quốc gia Nông Lâm Mục B’lao, mà nay mang tên mới là Trường Cao Đẳng Công nghệ và Kinh Tế kỹ thuật Bảo Lộc - đang do do Bộ NN&PTNT quản lý.
 
Ở đó, dưới bóng của những cây rừng cổ thụ là những công trình kiến trúc thiết kế tỉ mẩn, tinh tế, tinh tế đến “khó tính”, cầu kỳ. Không bao giờ thấy sự “hoành tráng” ở các công trình. Tất cả đều nhỏ nhắn, từ tốn, cao tầng đều không quá sáu mét chiều cao, từ mặt đất đến lưng chừng các thân cây nguyên sinh. Giảng đường nào cũng nhỏ khối tích, kể cả những khu điều hành của Hội đồng nhà trường, hay ký túc xá dành cho sinh viên... Nhỏ nhắn mà cao sang, thanh lịch, ấm áp đến từng ô cửa, vách tường, chỗ ngồi. Ngay đến cái chái hiên để xe cũng ý tứ, đầy mỹ thuật, kiến trúc. Công trình nép mình trong thảo mộc, chan hòa thiên nhiên xanh. Từ các cửa sổ giảng đường nhìn ra bên ngoài như nhìn ra rừng. Cửa lớp, cửa phòng giáo viên, giáo vụ… được thiết kế với no đủ ánh sáng mà không thừa thãi, hớ hênh, loạn sắc. Thế nên giảng đường nào cũng thanh lành. Ngay những lối đi cũng vậy, đều duyên dáng nhỏ, cảm giác về sự bé bỏng, với đầy thảo mộc hai bên, mà bước trên đấy bao giờ cũng êm đềm, thân thương, trẻ trung, nhưng sâu sắc, “tri thức”...
 
Cửa vào một căn kiến trúc làm thư viện
Cửa vào một căn kiến trúc làm thư viện

Rằng, vào năm 1930 người Pháp lập ở B’lao này một “Nha khảo cứu Đông Dương”, và lấy cánh rừng bảy ngàn mẫu kia làm Trung tâm thực nghiệm cây trồng. Và vào năm 1955 “Trường Quốc gia Nông - Lâm - Mục B’lao” ra đời ngay tại cánh rừng này, do Bộ Canh Nông của Chính quyền Sài Gòn trực tiếp điều hành. Đây được xem là trường đào tạo canh nông bài bản nhất đầu tiên ở Đông Nam Á lúc đó. Trường đào tạo nhân lực cấp Cao đẳng và Trung đẳng với các ngành: Thủy Lâm, Canh Nông, Mục Súc, và Công - Thôn cho giới trẻ toàn miền Nam của Việt Nam, và một số nước xung quanh. Năm 1963, trường được đổi tên thành “Trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Ngày đấy, phía ngoài xa giảng đường, khu học thuật..., không gian của ngôi trường đặc biệt này vẫn giữ nguyên những cánh rừng mưa nhiệt đới bao quanh, suối chảy qua, và lập nên các khu thực nghiệm khép kín về chăn thả ngựa, thỏ, trâu, bò, gà, heo, trồng trà cùng bao giống cây trồng khác... 
 
*
 
Từng công trình ở đây đều là một tác phẩm kiến trúc. Nhưng tổng thể không gian rừng - kiến trúc - giáo dục của nó là một “Tác phẩm” lớn, tích hợp, hoàn hảo.
 
Bây giờ, thời đại chúng ta, gọi tên khác, nhưng mục đích đào tạo, người đến học, không gian của cơ sở giáo dục đào tạo này chính yếu cũng vẫn là chuyện về “cây, rừng, con”, như cái nghĩa cổ Nông - Lâm - Mục (súc) ban đầu. Ý vị hơn, rằng Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM hiện nay, khi kể về lai lịch của mình, cũng tự hào là có tiền thân từ “Trường Nông Lâm Mục B’Lao”. Những sinh viên của Đại học Nông Lâm Tp.HCM ngày nay thi thoảng cũng được đưa lên Bảo Lộc để thăm ngôi trường “gốc” của mình... Và hiện có rất nhiều nhóm, hội của những người yêu thời tuổi học trò Nông Lâm Súc B’Lao ấy của họ ở khắp nơi. Ta có thể dễ dàng nhận ra ký ức ấy, tình yêu sâu nặng ấy từ người Bảo Lộc nào, và càng đặc biệt hơn khi từ miệng của những người duyên nợ với ngành canh nông phía Nam ở độ tuổi 50 - 70 ngày nay lớn lên ở miền Nam...
 
Nhưng lịch sử khoa học và giáo dục canh nông miền Nam là một chuyện lớn khác. Còn dưới cánh rừng nguyên sinh sót lại cuối cùng của cao nguyên Mạ - Thành phố Bảo Lộc ngày nay - hàng ngày ta vẫn còn có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm kiến trúc tài hoa ra đời hơn nửa thế kỷ mà vẫn cứ không lạc thời, “hiểu” được thiên nhiên B’lao, gần gũi và nhiều yêu thương nơi người B’lao đã là điều may mắn. 
 
Vì chỉ ở nó, ta mới còn thấy thứ không gian kiến trúc thực chất với nhu cầu (công năng), khiêm tốn, bình tâm, là “chính mình”, không bị tác động vô lối, vẫn cứ tiếp nối sự chan hòa cỏ cây, thiện, lành, dễ thương. Vượt qua không gian giáo dục, nó là không gian kiến trúc, không gian văn hóa. Nên nó sẽ tiếp tục lay động bất cứ ai, chứ không chỉ những sinh viên hiện nay đang hàng ngày học trong trường. Từ bảy ngàn héc ta, theo thời gian, đất đai ở không gian “Nông Lâm Mục” này cũng rụng rơi, nay còn được sáu mươi lăm hécta. Nhưng như vậy cũng đã là may mắn, vẫn cái không gian kiến trúc đặc sắc, giữ được tư tưởng, thần thái với phần cơ thể (rừng) còn lại cuối cùng của mình, và toàn bộ các công trình kiến trúc vẫn nguyên vẹn, vẫn đang “sống” (hoạt động/sử dụng)... làm cho xứ B’lao hấp dẫn hơn.
 
Một con đường và sinh viên của trường ngày nay
Một con đường và sinh viên của trường ngày nay

Nếu có đại diện không gian văn hóa nào đó đáng để tự hào cho lịch sử hình thành đô thị trên cao nguyên Mạ xưa, Bảo Lộc nay, và có công trình kiến trúc nào đó mà tự đáy lòng người B’lao không muốn mất thì dĩ nhiên là không gian kiến trúc của trường Nông Lâm Mục này đây.
 
Giữa thời buổi mà người ta luôn tranh thủ hoặc tìm cách đập bỏ, xây mới để kiếm lợi ích lẻ riêng, lại còn nguyên vẹn một tổng thể kiến trúc thế này là rất lạ, một “ca” đặc biệt. Nó đẹp và chuẩn đến mức người ta phải cúi đầu, thừa nhận hoặc không nỡ, hoặc may mắn tồn tại đến giờ. Và tôi hoài ước, trong tiến trình đô thị hóa, nếu một mai “rủi ro” ngôi trường này phải di dời đi nơi khác, làm ơn hãy giữ lại toàn bộ cánh rừng duy nhất còn sót lại trong lòng Bảo Lộc này cùng không gian kiến trúc nơi đây, biến chúng trở thành công viên cây xanh - thư viện văn hóa cho các thế hệ người B’lao hiện tại, mai sau.
 
Nguyễn Hàng Tình