Cần khẳng định tính chuyên nghiệp trong kinh doanh hoạt động du lịch mạo hiểm

09:03, 02/03/2016

Chỉ trong 3 ngày (26-28/3), 2 vụ tai nạn do nghịch thác đã khiến 4 du khách nước ngoài tử vong tại Khu du lịch (KDL) thác Datanla và KDL thác Pongour. Khi sự việc xảy ra, lỗi đầu tiên là do sự bất cẩn của du khách, nhưng đây cũng là bài học đắt giá không chỉ đối với công ty lữ hành, khu điểm du lịch nơi xảy ra sự việc mà còn cho cả các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền trong tổ chức khai thác và kinh doanh hoạt động du lịch dã ngoại, thể thao mạo hiểm.

Chỉ trong 3 ngày (26-28/3), 2 vụ tai nạn do nghịch thác đã khiến 4 du khách nước ngoài tử vong tại Khu du lịch (KDL) thác Datanla và KDL thác Pongour. Khi sự việc xảy ra, lỗi đầu tiên là do sự bất cẩn của du khách, nhưng đây cũng là bài học đắt giá không chỉ đối với công ty lữ hành, khu điểm du lịch nơi xảy ra sự việc mà còn cho cả các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền trong tổ chức khai thác và kinh doanh hoạt động du lịch dã ngoại, thể thao mạo hiểm.
 
Thác Datanla hấp dẫn cho hoạt động du lịch mạo hiểm bởi độ dốc cao và nhiều xoáy​ nước. Ảnh: Thụy Trang
Thác Datanla hấp dẫn cho hoạt động du lịch mạo hiểm bởi độ dốc cao và nhiều xoáy​ nước. Ảnh: Thụy Trang
Chiều ngày 26/2, 3 du khách Anh mua vé của Công ty Dịch vụ du lịch Đam Mê Đà Lạt (Công ty Đam Mê Đà Lạt) theo tour đi bộ lội suối - băng rừng (trekking), nhưng lại tự thỏa thuận với hướng dẫn viên tham gia du lịch mạo hiểm vượt thác ở KDL thác Datanla. Họ gặp nạn khi cả 3 người đang ôm ván thả mình theo dòng nước và bị trôi vào vũng xoáy, bị cuốn đi và dẫn tới tử vong. Ở một vụ việc khác, chiều 28/2, một du khách Belarus nhảy xuống tắm ở hồ nước dưới chân thác Pongour và bị cuốn xuống hũng sâu. Ngay khi sự việc xảy ra, tuy có người sớm phát hiện, nhưng không thể làm gì vì diễn biến quá nhanh và trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Điều đáng nói hơn, 3 khách ở KDL Datanla có đội mũ bảo hiểm, có mặc áo phao (phù hợp với tour trekking đăng ký ban đầu với Công ty Đam Mê), nhưng không đeo dây an toàn; còn du khách tử nạn ở KDL thác Pongour đã uống rượu trước khi xuống hồ tắm và đây là KDL cảnh quan chứ không khai thác du lịch mạo hiểm, nên không trang bị các thiết bị bơi lội.
 
Bà Nguyễn Thị Nguyên - Giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng: Hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm là hoạt động có điều kiện. Các đơn vị lữ hành phải phối hợp với các khu điểm du lịch để thiết kế tour tuyến cụ thể và các phối hợp khác trong kinh doanh hoạt động. Yêu cầu bắt buộc khác cho loại hình du lịch mạo hiểm là đơn vị tổ chức tour phải mua bảo hiểm cho du khách, trang bị bảo hộ phải đạt chuẩn để hạn chế tối đa tính rủi ro trong hoạt động du lịch mạo hiểm. Khi đơn vị lữ hành cam kết thực hiện đúng các quy định bắt buộc mới chấp thuận cho hoạt động du lịch mạo hiểm… Sự cố đáng tiếc xảy ra vừa qua là một bài học đắt giá cho tất cả những ai (kể cả quản lý nhà nước) đang tham gia hoạt động du lịch mạo hiểm. Ngay sau đó, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị tự kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hoạt động của mình và quán triệt đến từng cán bộ, người lao động trong KDL, cũng như trong công ty lữ hành và đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chấn chỉnh, nhằm bảo đảm hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm vẫn giữ được mức độ hấp dẫn, vừa đảm bảo được tính an toàn tuyệt đối cho du khách.
 
Ông Võ Đức Trung - Giám đốc Cty CP Du lịch mạo hiểm Việt (PTV): Đà Lạt rất có tiềm năng về du lịch dã ngoại, du lịch mạo hiểm. Các nhà quản lý, các công ty lữ hành, các khu điểm du lịch khi tham gia hoặc tổ chức hoạt động du lịch mạo hiểm phải đạt đến mức độ chuyên nghiệp, không thể đùa giỡn với tính mạng của du khách, cần tạo mức độ hấp dẫn cần thiết, nhưng phải bảo đảm an toàn và có trách nhiệm với du khách. Khách tham gia du lịch mạo hiểm cần nắm rõ lộ trình, yêu cầu bảo hộ, kiểm tra các điều khoản bảo hiểm, thắc mắc nhiều - hỏi kỹ về môi trường và các tình huống có thể gặp phải trong chuyến du lịch mạo hiểm đó... Hướng dẫn viên phải đồng hành cùng du khách, phải chuẩn bị thật kỹ từ tâm lý đến kiến thức và các trang thiết bị cần thiết khác cho du khách tham gia hoạt động du lịch mạo hiểm.                                 NHẬT QUÂN (ghi)

Ngay sau khi xảy ra các tai nạn đáng tiếc, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan (Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Đà Lạt, UBND huyện Đức Trọng, Công ty cổ phần Du lịch Lâm Đồng (đơn vị quản lý KDL thác Pongour), Công ty TNHH Du lịch Đất Nam (đơn vị quản lý KLD thác Pongour) tập trung cứu hộ, cứu nạn và đã tìm được xác các nạn nhân. Ngày 27/2/2016, Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị kinh doanh lữ hành, du lịch trên địa bàn tỉnh, yêu cầu chấn chỉnh ngay công tác quản lý khách khi tổ chức du lịch mạo hiểm và rà soát lại quy trình tổ chức tour du lịch mạo hiểm; đồng thời, yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành ký cam kết tổ chức các chương trình du lịch theo đúng quy trình, quy định. 

Tại buổi họp, bà Trần Thị Hồng Nhạn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Lâm Đồng (Dalattourist), cho biết: Công ty đã có quy định chi tiết về điều kiện để đưa khách tham gia du lịch mạo hiểm, nhưng nhiều đơn vị đã không thực hiện đầy đủ... Dalattourist đã mua sắm các thiết bị hiện đại tiêu chuẩn châu Âu, thuê chuyên gia người Pháp huấn luyện cho các hướng dẫn viên... Thế nhưng, một số công ty vẫn tổ chức du lịch thể thao mạo hiểm tại thác Datanla mà không qua dịch vụ của Dalattourist... Ngày 29/2, Tổng cục Du lịch đã kiến nghị với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho phép Tổng cục Du lịch thu hồi Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế của Công ty Đam Mê Đà Lạt và thẻ hướng dẫn viên quốc tế của Đặng Văn Sĩ - người hướng dẫn đoàn khách gặp nạn tại thác Datanla. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cũng đã đình chỉ hoạt động của Công ty Đam Mê Đà Lạt do không mua bảo hiểm cho du khách và thay đổi lộ trình khiến 3 công dân người Anh tử nạn.
 
Ông Võ Đức Trung - Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch mạo hiểm Việt (Phat Tire Ventures Vietnam - PTV), có 20 năm kinh nghiệm làm du lịch mạo hiểm, chia sẻ: Ban đầu ông hợp tác với hướng dẫn viên người Pháp về dù lượn 2 năm, tích lũy kinh nghiệm và học hỏi, trang bị kiến thức, kỹ năng cho mình và cho đội ngũ hướng dẫn viên. Đến nay, hướng dẫn viên của công ty đều có chứng chỉ leo núi của Singapore và chứng chỉ sơ cấp cứu của Trung tâm Y tế quốc tế của Tp.HCM cấp. Đồng thời, công ty cũng có đầy đủ trang thiết bị cần thiết cho các loại hình du lịch lữ hành. Đặc biệt, công ty luôn thiết kế tour tuyến rõ ràng, cụ thể theo địa hình, thống nhất với khách trước khi xuất phát, bảo đảm hoạt động du lịch mạo hiểm của công ty vừa hấp dẫn lại vừa an toàn tính mạng và tài sản của du khách.
 
Đà Lạt - Lâm Đồng có đặc điểm địa hình đa dạng (núi, đồi, sông, suối, ghềnh, thác, rừng), rất có tiềm năng cho các loại hình du lịch dã ngoại, hay thể thao mạo hiểm và được du khách, nhất là người nước ngoài ưa thích, như đi bộ, đạp xe xuyên rừng, leo núi, dù lượn, ván trượt, vượt thác,... Lâm Đồng hiện có 8 công ty lữ hành quốc tế đăng ký khai thác các loại hình du lịch mạo hiểm và thường tổ chức tại các khu điểm du lịch như KDL Lang Biang, VQG Bidoup - Núi Bà, KDL thác Datanla, KDL hồ Tuyền Lâm, KDL thung lũng Tình Yêu, KDL Rừng Mađagui,... Du lịch mạo hiểm luôn mang đến sự hấp dẫn cho những người đam mê di chuyển, khám phá, thử thách chính mình và chinh phục tự nhiên... Tuy nhiên, chọn cho mình một hành trình thú vị chưa đủ, mà phải bảo đảm được sự an toàn của bản thân trong suốt lộ trình ấy bằng việc lựa chọn đơn vị tổ chức chuyên nghiệp và chuẩn bị kiến thức, hành trang và sức khỏe đảm bảo để trải nghiệm tour du lịch mạo hiểm một cách trọn vẹn nhất.
 
LÊ HOA