Quán ăn gợi nhớ thời bao cấp

08:05, 05/05/2016

Thời bao cấp, một khoảng thời gian dài đầy khó khăn của đất nước, giờ lại trở thành ý tưởng kinh doanh của người trẻ hôm nay.

Thời bao cấp, một khoảng thời gian dài đầy khó khăn của đất nước, giờ lại trở thành ý tưởng kinh doanh của người trẻ hôm nay.
 

Giữa trung tâm thành phố hoa, có một con hẻm nhỏ mang tên Mai Hoa Thôn. Cái tên nhẹ nhàng, thơ mộng như một làng quê nào đó xa xôi ở phía Bắc. Và ở đó có cửa hàng ăn uống mậu dịch với những nét hoài niệm về một giai đoạn của đất nước những năm 70, 80 của thế kỷ 20 trong thời kỳ bao cấp. Mậu dịch có thể hiểu là thời “đặt gạch xếp hàng”. Đây là giai đoạn mà các hoạt động kinh tế đều do nhà nước kiểm soát. Hàng hóa được phân phối theo chế độ tem phiếu. 
 
Đến với cửa hàng ăn uống mậu dịch trong hẻm Mai Hoa Thôn, cách xa sự ồn ào của phố thị. Ở ngoài hiên là không gian rộng rãi, có hoa, có giếng nước với đôi ba mảng bèo trôi…là nơi thuận lợi để tổ chức các buổi họp gia đình, bạn bè. Vào trong cửa hàng là quầy lễ tân khắc họa lại cảnh xếp hàng mua tem phiếu đổi lương thực đặc trưng của thời bao cấp. Tiếp đến là không gian cho những nhóm khách nhỏ. Nơi đây được trang trí hai dãy bàn ăn làm từ bàn máy may cũ. Trên tường là những kệ gỗ để những vật dụng xưa, những cuốn sách cũ và những bức ảnh trắng đen. Ở cửa hàng ăn uống mậu dịch, những tấm rèm cửa sổ làm từ bao tải gạo, những đôi quang gánh nhỏ mang hai bó hoa khô. Và trần nhà là những chiếc đèn lồng bằng tre đầy ấn tượng. Đặc biệt, trong cửa hàng còn có một bếp lửa với những chiếc ấm nhôm, nồi gang cũ. Một mảng tường đã đen đi, cái giàn treo trên bếp với đôi ba cái thúng, cái rổ mây cũng đã đen bởi khói bám lâu ngày như cái bếp lửa này đã tồn tại nơi đây tự thuở nào vậy. 
 
Một vài góc trong cửa hàng ăn uống mậu dịch
Một vài góc trong cửa hàng ăn uống mậu dịch
Ở cửa hàng ăn uống này, không gian của quá khứ còn được tái hiện sống động thông qua những sản phẩm “vang tiếng một thời”. Chúng có thể được xem như “kỷ vật” thời tem phiếu. Từ những vật treo tường như chiếc nón, xe đạp Thống Nhất, băng cát xét, đôi dép, tranh ảnh đen trắng... đến quạt tai voi, tivi cổ, máy đánh chữ, điện thoại quay số… Bước vào không gian đó, không ít bạn trẻ tỏ ra thích thú, say sưa ngắm nhìn những chiếc chụp đèn tráng men “cổ lỗ sỹ,” chiếc quạt con cóc, chiếc tivi đen trắng to như một cái thùng sắt chứa đồ, những bát tráng men sứt mẻ… Tất cả như một thước phim tài liệu quay chậm, sống động và mang đậm màu sắc của thời gian. Khi mà những sản phẩm dân dụng tiện ích xuất hiện ngày càng nhiều như hiện nay thì ít ai biết rằng, đã có một thời những vật dụng ấy phải đổi bằng biết bao nhiêu tem phiếu. Ở thời điểm hiện tại, việc kiếm tìm, sưu tập lại những món đồ xưa cũ ấy quả không dễ dàng. Những cuộc tìm kiếm, sưu tầm được những bạn trẻ mở ra cửa hàng ăn uống mậu dịch ấp ủ từ lâu và thực hiện dần. Từ những vật dụng cũ trong gia đình, những cuộc gặp với những người già từ thế kỷ trước mà họ còn lưu lại những đồ cũ như để hoài niệm một thời và cả những cuộc săn lùng ở cửa hàng chai bao, đồng nát. ..để hôm nay những vật dụng ấy được trưng bày ở cửa hàng độc đáo này. Những thứ tưởng chừng như vứt đi ấy lại là dấu tích của quá khứ - một thời khó khăn của đất nước. Để người trẻ hiểu hơn được giá trị cuộc sống hôm nay khi chứng kiến một phần những gì cha ông họ đã trải qua.
 
Dưới ánh đèn vàng dịu nhẹ, thực khách ghé thăm cửa hàng ăn uống mậu dịch có thể tận hưởng bữa ăn đậm chất gia đình trong không gian hoài niệm với cách gọi món bằng hình thức tem phiếu. Thực đơn cửa hàng được thiết kế giống quyển sổ đăng ký mua lương thực thời bao cấp. Để gọi món, bạn phải chọn trong thực đơn, sau đó ra lễ tân đọc tên thức ăn và nhận phiếu ghi rõ món. Những dưa, cà, mắm muối, những thố cơm trắng có khi còn trộn bắp, trộn khoai còn nghi ngút khói, những chén dĩa mang phong cách xưa cũ, những ống đũa bằng tre….mang lại một cảm giác gia đình, một bữa ăn đậm chất Việt.
 
Bên bữa trưa mang đậm phong cách của bữa cơm gia đình truyền thống, âm thanh rè rè từ chiếc loa đài cũ kỹ với những câu hát trong sáng tác của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, những sáng tác về chị phụ nữ đảm đang, anh thanh niên dũng cảm,… của thời kỳ bao cấp bao trùm không gian ngôi nhà nhỏ. Cửa hàng ăn uống mậu dịch ra đời tạo nên một nét thi vị, một không gian độc đáo ở Đà Lạt, nhẹ nhàng, bình yên đến lạ…
 
N. Ngà