Để du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng thực sự hấp dẫn

09:06, 13/06/2016

Ngày 5/6, Thủ tướng công bố trao cơ chế đặc thù cho tỉnh Lâm Đồng; thời điểm này cũng đánh dấu 5 năm - Lâm Đồng thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU về phát triển du lịch dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015. Khó khăn, cơ hội, thời cơ, thách thức… đòi hỏi cần có những cơ chế để ngành Du lịch có sự chủ động và khẳng định mình trong quá trình phát triển.

Ngày 5/6, Thủ tướng công bố trao cơ chế đặc thù cho tỉnh Lâm Đồng là một lợi thế để Lâm Đồng bứt phá phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đặc biệt là phát triển du lịch. Thời điểm này cũng đánh dấu 5 năm - Lâm Đồng thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 10/5/2011 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015. Khó khăn, cơ hội, thời cơ, thách thức… đòi hỏi cần có những cơ chế để ngành Du lịch có sự chủ động và khẳng định mình trong quá trình phát triển.
 
Trung tâm thành phố Đà Lạt - Ảnh: PHẠM ANH DŨNG
Trung tâm thành phố Đà Lạt - Ảnh: PHẠM ANH DŨNG

Động nhưng chưa có lực!

Giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Lâm Đồng đón tiếp và phục vụ khoảng 20 triệu lượt khách, trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế. Tốc độ tăng trưởng bình quân 10% mỗi năm. Riêng trong năm 2015, khách du lịch đến Lâm Đồng đạt 5,1triệu lượt khách (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra: 4,5 - 5 triệu lượt), trong đó 220.000 lượt khách quốc tế (đạt 43,85% chỉ tiêu Nghị quyết). Tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch là 9,65% (đạt 96,5% chỉ tiêu Nghị quyết). Thu nhập xã hội từ du lịch, giai đoạn 2011-2015 đạt 38,25 ngàn tỷ đồng. Riêng trong năm 2015: đạt 9,18 ngàn tỷ đồng (đạt 91,8% chỉ tiêu Nghị quyết). Ngày lưu trú bình quân: 2,45 ngày (đạt 90,74% chỉ tiêu Nghị quyết). Hiện có 954 cơ sở lưu trú với trên 15.570 phòng (đạt 62,3% chỉ tiêu Nghị quyết), trong đó có 315 khách sạn từ 1 - 5 sao có 8.700 phòng (chiếm 55,8% tổng số phòng cơ sở lưu trú, đạt 86,94% chỉ tiêu Nghị quyết), khách sạn 3-5 sao có 2.644 phòng (chiếm 30,41% số phòng khách sạn 1-5 sao, đạt 66,67% chỉ tiêu Nghị quyết). Toàn tỉnh có 34 khu, điểm kinh doanh du lịch và trên 60 điểm tham quan miễn phí; 42 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành (14 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, 28 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa). Thu hút và giải quyết việc làm cho hơn 10.500 lao động trực tiếp phục vụ ngành du lịch (đạt 70% chỉ tiêu Nghị quyết) và khoảng 25.000 lao động gián tiếp ngoài xã hội có liên quan đến hoạt động du lịch. Trong đó có khoảng 75% số lao động trực tiếp đã được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ (đạt 83,3% chỉ tiêu Nghị quyết).
PHẠM LÊ
Trong những năm qua, ngành Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã có những bước phát triển khả quan, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước. Hiện tại, cùng với việc thúc đẩy một số loại hình du lịch mới như du lịch mạo hiểm, du lịch nông nghiệp; nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục, các di tích - danh lam thắng cảnh được trùng tu - tôn tạo, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Thông qua việc gắn kết tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch cùng với các hoạt động, sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương đã thu hút ngày càng nhiều du khách đến Lâm Đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân 9,65%/năm.
 
Ngày 6/9/2016, trong Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 10/5/2011 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển du lịch dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015, báo cáo đã nhận định: dù có nhiều bước phát triển tích cực trong hoạt động, nhưng, ngành du lịch còn một số hạn chế, chưa thực sự trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh. Thể hiện qua tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; lượng khách tăng trưởng hàng năm nhưng tỉ lệ khách quốc tế còn quá ít so với tổng lượng khách, thời gian lưu trú chưa cao; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tuy tăng nhanh về số lượng nhưng tỷ lệ các khách sạn cao cấp còn thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, nhất là vào những mùa cao điểm hoặc khi tổ chức những sự kiện lớn; việc tổ chức hoạt động du lịch còn manh mún, thiếu sự liên kết, thiếu tính chuyên nghiệp; các dịch vụ vui chơi, giải trí ít, đơn điệu và chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút du khách; nguồn thu ngân sách từ hoạt động du lịch chưa đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội; nhiều dự án du lịch đầu tư kéo dài, tiến độ chậm, hiệu quả thấp…
 
Báo cáo cũng xác định nhiều nguyên nhân khiến ngành du lịch chưa trở thành ngành kinh tế động lực. Trong đó, về khách quan, là do sự phát triển chưa đồng bộ của hạ tầng giao thông, chủ trương thắt chặt đầu tư công của Chính phủ; năng lực tài chính của một số nhà đầu tư hạn chế đã tác động không nhỏ đến việc thực hiện đúng tiến độ các dự án du lịch, trong đó có cả những dự án du lịch trọng điểm của tỉnh; việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch chưa được đồng đều và hợp lý; huy động nguồn vốn - nhất là các nguồn vốn ODA, vốn chương trình mục tiêu quốc gia về hạ tầng du lịch gặp nhiều khó khăn... 
 
Nguyên nhân chủ quan, như bà Nguyễn Thị Mỵ - Phó Ban Tuyên giáo Lâm Đồng nhận xét: Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04, chỉ có 10/12 huyện, thành và 7 sở, ngành có kế hoạch, chứng tỏ nghị quyết chưa được quan tâm triệt để, đó là chưa có đánh giá về việc các địa phương và ngành có triển khai kế hoạch của mình hay chưa. Chính vì  nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp chưa thật sự hiệu quả; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chính quyền địa phương trong phát triển du lịch thiếu chặt chẽ, không thích ứng yêu cầu hội nhập và phát triển theo cơ chế thị trường; việc liên kết các điểm, tuyến du lịch còn mang tính tự phát, thiếu bền vững; công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Lâm Đồng chưa được chú trọng đúng mức…
 
KDL quốc gia hồ Tuyền Lâm sẽ được đẩy mạnh triển khai
KDL quốc gia hồ Tuyền Lâm sẽ được đẩy mạnh triển khai

Du lịch cao cấp hay du lịch chất lượng cao?
 
Là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, tỉnh đề ra định hướng trong giai đoạn tiếp theo là phát triển du lịch dịch vụ Lâm Đồng theo hướng chất lượng cao, tương xứng với tiềm năng - lợi thế, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong những năm tới và phù hợp với lộ trình triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 03/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Với mục tiêu, tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với phát triển Làng đô thị xanh ở Đà Lạt theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, tập trung được nguồn lực, phát huy hiệu quả các liên kết ngành và vùng, thu hút các dự án có năng lực, gắn với bảo vệ môi trường, khai thác đi đôi với bảo tồn và phát huy các giá trị nhân văn..
 
Với các nhiệm vụ trọng tâm là tăng số lượng cơ sở lưu trú có chất lượng từ 3 - 5 sao; đầu tư, tôn tạo và nâng cấp hệ thống lưu trú, nhà hàng, các cơ sở dịch vụ đạt chất lượng cao, văn minh, hiện đại… Đến năm 2020, tăng trưởng khách du lịch ở mức 8 - 10%/năm, trong đó, khách quốc tế chiếm từ 10 - 12%; 85% lao động trực tiếp phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ… Thực hiện tốt các quy hoạch về hạ tầng du lịch đồng bộ với quy hoạch giao thông, viễn thông, thiết chế văn hóa… Xúc tiến đầu tư các tuyến đường sắt monorail kết nối các khu du lịch trọng điểm để đa dạng các loại hình giao thông. Khuyến khích phát triển 2 loại hình du lịch tiềm năng là du lịch nông nghiệp và du lịch mạo hiểm; đồng thời với việc đẩy mạnh các loại hình du lịch đặc thù của Đà Lạt - Lâm Đồng là du lịch sinh thái, du lịch tham quan nghỉ dưỡng, hội thảo - hội nghị… với chất lượng cao hơn. Bên cạnh đó, xây dựng các khu, điểm vui chơi giải trí, các loại hình hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn để thu hút và giữ chân du khách…; bảo đảm an ninh - trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ và cứu hộ cứu nạn… Triển khai hai KDL quốc gia là KDL Hồ Tuyền Lâm và KDL Đan Kia và hai KDL trọng điểm của tỉnh là KDL Prenn và KDL hồ Đại Ninh.
 
Thảo luận Nghị quyết về phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020, các đại biểu rất cởi mở đóng góp và đưa ra các giải pháp từ góc độ của ngành mình, địa phương mình với mong muốn ngành du lịch Lâm Đồng phát triển đúng tầm và hiệu quả. Trong đó, nhiều đại biểu đại diện cho các sở, ngành và địa phương băn khoăn về mục tiêu xây dựng ngành du lịch dịch vụ chất lượng cao ở Lâm Đồng trong thời gian tới liệu có phù hợp, khi mà mục tiêu là trở thành ngành kinh tế động lực, kinh tế mũi nhọn thời gian qua chưa đạt được. Như bà Cao Thị Thanh - Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng: Khi đưa khái niệm về du lịch dịch vụ chất lượng cao, cần có tiêu chí, ví dụ tiêu chí như xác định mức độ hài lòng của du khách tăng lên so với trước đây…Tuy nhiên, ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt cho rằng, du lịch và dịch vụ du lịch chất lượng cao có nghĩa là sản phẩm du lịch dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách một cách hợp lý chứ không phải sản phẩm cao cấp.

* Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Lâm Đồng thời gian qua đã tạo ra diện mạo mới cho ngành Du lịch Lâm Đồng. Trong tiến trình phát triển đó, chỉ ngành du lịch đơn thân độc mã thì đã không có nhiều điểm sáng như hiện nay. Ngành du lịch là ngành tổng hợp và liên quan đến rất nhiều ngành nghề. Làm sao để phát triển du lịch nhanh nhưng phải bền vững? Chúng ta tổng kết những nội dung đã làm được, nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra những việc chưa làm được, những hỗ trợ cần thiết để ngành mình, địa phương mình đóng góp vào du lịch tốt hơn, hiệu quả hơn. 
 
* Ông Trương Hữu Hiệp - Giám đốc Sở Giao thông: Lâm Đồng đang có nhiều cơ hội lớn và thời cơ tốt để phát triển du lịch, nhất là từ khi Chính phủ phê duyệt QĐ1528 - trao cơ chế đặc cho thù cho tỉnh phát triển Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Nhưng, ngành du lịch đang có nhiều vấn đề. Trong đó, hệ thống giao thông chưa được như mong muốn, cần xúc tiến đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm. Hoạt động vận tải hành khách có nhiều tiến bộ: taxi, hợp đồng, tuyến cố định, nhưng cần đầu tư nâng cấp sân bay Liên Khương lên cấp 4A và nghiên cứu sớm khôi phục tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm 84km để phục vụ du khách tốt hơn.
 
* Đại tá Nguyễn Quang Thống - Phó Giám đốc Công an tỉnh: Khi du khách tăng, đối tượng chống phá cũng sẽ xuất hiện, cần gắn trách nhiệm của chủ cơ sở với vấn đề an ninh du lịch. Hiện tượng tắc đường cục bộ xảy ra ảnh hưởng đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông vào mùa cao điểm, là vấn đề người dân và du khách đều bức xúc, CSGT rất vất vả. Nguyên nhân do lượng xe lớn (50 chỗ) vào thành phố nhiều, đặc điểm đường đô thị của Đà Lạt nhỏ, mỗi lần loại xe này cua ngã ba, bùng binh là cản đường các loại xe khác và khi 2-3 xe này đan xen nhau sẽ gây tắc ngay. Vì vậy, nên nghĩ đến việc quy hoạch bãi xe trung chuyển để giải quyết vấn đề về giao thông…
 
* Ông Đặng Trí Dũng - Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư: Nên khái quát thêm kết quả đạt được, đặc biệt là định lượng được đóng góp của dịch vụ du lịch vào GDP, tỷ trọng  trong ngân sách, cơ cấu đầu tư du lịch trong tổng đầu tư… Bức tranh phát triển du lịch khá tốt, nhưng phải có các tiêu chí cụ thể của du lịch dịch vụ chất lượng cao và thị trường mục tiêu để đi tiếp. Công tác thu hút đầu tư trước đây theo chiều rộng, nhưng giai đoạn tiếp theo phải chú trọng vào chất lượng, chuyển từ thế bị động sang chủ động, tức là đầu tư theo chiều sâu…
NHẬT QUÂN (ghi)
 
LÊ HOA