Đổi mới tư duy, đổi mới phương cách quản lý các khu du lịch trên địa bàn Đà Lạt và vùng phụ cận

09:08, 04/08/2016

Ngày 3/9/2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1528/QĐ-TTg V/v "Ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng". Đây là thời cơ thuận lợi, là điều kiện hiếm có để đưa ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt phát triển theo chiều hướng mới, chiều hướng của thành phố đặc thù

Ngày 3/9/2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1528/QĐ-TTg V/v “Ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng”. Đây là thời cơ thuận lợi, là điều kiện hiếm có để đưa ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt phát triển theo chiều hướng mới, chiều hướng của thành phố đặc thù.
 
Đô thị Đà Lạt cần được đổi mới quản lý sau khi mở rộng quy hoạch - Ảnh: Đỗ Tuấn Nam
Đô thị Đà Lạt cần được đổi mới quản lý sau khi mở rộng quy hoạch - Ảnh: Đỗ Tuấn Nam

Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ X đã nêu rõ: “... Trong lĩnh vực dịch vụ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh, hạ tầng du lịch phát triển chậm... Một số công trình trọng điểm chậm hoàn thành theo kế hoạch, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lượng khách quốc tế hàng năm tăng chậm, tỷ lệ thấp...”. Với nhận định trên nên trong báo cáo chính trị đã đề ra phương hướng nhiệm vụ du lịch trong thời gian tới: “... Tiếp tục khai thác, phát huy lợi thế khí hậu, môi trường nhằm phát triển du lịch. Du lịch trở thành kinh tế động lực của tỉnh, phấn đấu đến năm 2020, ngành du lịch chiếm tỷ trọng 10% cơ cấu GDP toàn tỉnh, xây dựng thành phố Đà Lạt thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước, khu vực và thế giới, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch, khuyến khích đầu tư các khu du lịch lớn…”.
 
Từ báo cáo chính trị nêu trên, toàn Đảng bộ, các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế tăng cường học tập thấm nhuần sâu sắc các mục tiêu chỉ tiêu ra sức phấn đấu đưa nền kinh tế động lực đạt mọi chỉ tiêu đề ra. Đây là một chỉ tiêu thực hiện vô cùng khó khăn vì chỉ còn mấy năm nữa đến năm 2020 mà ngành du lịch dịch vụ phải chiếm tỷ trọng 10% GDP toàn tỉnh.
 
Để đạt được mục tiêu và các chỉ tiêu về kinh tế du lịch, theo báo cáo chính trị, ngoài việc phấn đấu quyết liệt của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh, việc quản lý dịch vụ du lịch phải có tầm nhìn xa hơn, nhìn ra các tỉnh bạn, nhìn ra cả quốc tế về phong cách quản lý dịch vụ du lịch; nội bộ trong tỉnh phải mạnh dạn đổi mới tư duy, đổi mới phương cách quản lý du lịch dịch vụ thông thoáng, cởi mở, cởi trói, nhưng cũng phải đúng với các quy định của pháp luật; những gì luật không cấm thì doanh nghiệp có quyền làm, có như vậy mới đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thành dự án đưa vào kinh doanh.
 
Trong những năm qua, ngành du lịch có những bước phát triển rõ rệt, dịch vụ du lịch kết hợp với nghỉ dưỡng, tham quan giải trí được nâng cấp, tạo sự hấp dẫn cho du khách nên thời gian lưu trú được kéo dài, thu ngân sách đáng ghi nhận. Để tạo thuận lợi, tỉnh chú trọng phá thế độc đạo, đường 723 Đà Lạt - Nha Trang được nâng cấp tốt, Đà Lạt - Phan Thiết qua Thủy điện Đại Ninh rút ngắn khoảng cách Đà Lạt - Đắk Lắk, Đắk Nông được cũng cố nâng cấp, sân bay quốc tế Liên Khương nối liền Đà Lạt - Hà Nội, Đà Lạt - Đà Nẵng, Đà Lạt - Huế, Đà Lạt - Cần Thơ... cũng góp phần tăng lượng khách đến Đà Lạt và thu hút nhiều nhà đầu tư xây dựng các dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện khách du lịch đến Đà Lạt ngày càng tăng.
 
Những điều kiện thuận lợi trên kết hợp với tư duy thông thoáng, quản lý chặt chẽ không gò ép, tạo sự độc lập tự chủ cho các doanh nghiệp theo cơ chế đặc thù của thành phố Đà Lạt thì mới đưa ngành du lịch thành ngành kinh tế động lực của tỉnh.
 
Trong báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ X nhận định: “… Một số công trình trọng điểm chậm hoàn thành theo kế hoạch, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp”... Với những nhận định trên, đây là một bài toán hóc búa, rất cần các cơ quan Nhà nước lý giải để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án, tạo điều kiện các doanh nghiệp liên kết nhau cùng phát triển. Một số doanh nghiệp đầu tư vào dự án dịch vụ du lịch du lịch sinh thái nghỉ dưỡng không thiếu vốn nhưng vẫn chậm tiến độ hoàn thành hoặc không muốn sớm hoàn thành, nhiều khu du lịch xây dựng các căn biệt thự dở dang rồi dừng lại để trơ khung trơ sườn, sự liên kết giữa các doanh nghiệp hời hợt, thiếu nhiệt tình đồng bộ.
 
Từ những vấn đề trên, chúng ta mạnh dạn bàn các căn nguyên tìm ra đáp số, khắc phục sự trì trệ để sớm đưa ngành du lịch tỉnh nhà phát triển nhanh, mạnh và bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh trong những năm tới. Các dự án du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng còn nhiều hạn chế, xây dựng chậm hoàn thành, các ngành chức năng của tỉnh chưa mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo tỉnh vận dụng linh hoạt sáng tạo các chính sách mới về đất đai, về đầu tư xây dựng, về chính sách nhà biệt thự khu (Resort), chưa mạnh dạn tạo chính sách để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, các cá nhân góp vốn dưới nhiều hình thức, như thuê biệt thự, mua biệt thự, nhà nghỉ thực hiện phương thức nghỉ gia đình theo mùa, lưu trú kiểu bạn bè, bà con, anh em, thời gian còn lại chủ tài sản giao cho chủ dự án kinh doanh chia lãi. Những hình thức này hoàn toàn không giống như kinh doanh bất động sản, vẫn thực hiện đúng luận chứng kỹ thuật của chủ dự án được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng không làm thay đổi mục đích bản chất của dự án.
 
Các dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đã xây dựng hoàn thành một số hạng mục công trình đưa vào sử dụng với hình thức cuốn chiếu, nhưng tỉnh không cấp quyền sở hữu tài sản trên đất chuyên dùng đã được thuê, không thể thế chấp vay vốn ngân hàng tiếp tục xây dựng sớm hoàn thành dự án. Doanh nghiệp muốn vay vốn phải thế chấp cả một dự án lớn nhưng số tiền vay không nhiều, nếu được cấp sổ sở hữu thì chỉ thế chấp những công trình đã hoàn thành. Hơn nữa, phải thế chấp cả dự án để vay vốn, doanh nghiệp cần vốn tiếp tục vay thì các thủ tục gặp rất nhiều khó khăn vì dự án doanh nghiệp đã thế chấp trước đó.
 
Một số ý kiến cho rằng: Nếu cấp quyền sở hữu tài sản trên đất cho từng căn biệt thự tại khu du lịch nghỉ dưỡng thì sẽ xảy ra tình trạng thành khu nhà ở, thành xóm, thành làng, làm mất đi dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và mất đi số thu về kinh doanh du lịch, đây là ý kiến cần phải suy nghĩ nghiêm túc. Qua nghiên cứu tổng thể các quy định của pháp luật đất đai, nhà ở, khu biệt thự, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận chúng tôi rút ra một số điểm chung như:
 
Các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng đa phần xa khu dân cư, khác với các khu biệt thự để ở, những khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trước đó đã lập dự án cụ thể, mật độ xây dựng được quy định rạch ròi, số lượng cây xanh được kiểm kê đánh giá và đã giao cho chủ dự án, việc cấp quyền sở hữu tài sản trên đất du lịch để chủ doanh nghiệp thế chấp vay vốn để bán, cho thuê nhưng vẫn thực hiện theo quy định của dự án, không làm thay đổi bản chất du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, không cho phép thường trú, không đăng ký hộ khẩu, không cho phép hình thành đơn vị ở, không cho xây dựng trường mầm non, các cấp học phổ thông, không hình thành chợ, văn hóa thông tin...vv... Việc sử dụng đất cũng không được thay đổi tính chất mục tiêu của dự án, không cho phép bán nền kiểu kinh doanh bất động sản. Khi bán tài sản trên đất hoặc cho thuê phải làm đầy đủ các thủ tục pháp lý và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ tài chính khác. Nếu chủ dự án vi phạm các quy định trên nhẹ thì phạt hành chính, nếu nặng thì thu hồi vô điều kiện dự án, đây là biện pháp quản lý Nhà nước về du lịch.
 
Trên thực tế, những người có nguyện vọng mua biệt thự của dự án hầu hết là người ở địa phương khác đến, là những người giàu, có tiền và có tài sản, những người này không dễ gì đưa gia đình lên những khu này để định cư tạo “thành bản, thành làng”, những khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chỉ phục vụ cho nghỉ dưỡng, không có nơi cho con cái học hành, chữa bệnh, không gần chợ, thiếu những tiện ích cần thiết như một khu dân cư, ở những nơi này không có nền giáo dục các cấp học.
 
Những gia đình này chủ yếu cho con đi du học nước ngoài, chắc chắn họ không bao giờ cho con học tiếng dân tộc địa phương sẽ không đem lại lợi ích cho con cái và gia đình họ. Trên thực tế, ở địa bàn tỉnh ta, là người địa phương Đà Lạt nhiều gia đình cũng cho con đi du học nước ngoài kể cả con một số cán bộ, vậy thành khu nhà ở, thành khu dân cư con cái gia đình những người mua nhà trong khu dự án được lợi những gì, do đó có cho tách sổ riêng từng biệt thự, cho mua bán sang nhượng các biệt thự trong khu du lịch sinh thái cũng không bao giờ thành khu dân cư.
 
Trong những năm qua, trên thực tế tỉnh chưa có văn bản nào quy định không cho tách sổ từng biệt thự trong dự án, nhưng các ngành vẫn không cho tách sổ vì tỉnh có quy định miệng không quy định bằng văn bản. Trong thực tế, việc bán biệt thự trong dự án vẫn diễn ra từng ngày, nhưng đây là mối quan hệ viết tay, không có tính pháp lý nhưng rất sôi động, nền kinh tế ngầm này rất nguy hiểm, trốn thuế, trốn nghĩa vụ tài chính, thiếu công khai minh bạch, có trường hợp xảy ra tranh chấp nhưng không có căn cứ pháp lý để giải quyết “tình ngay lý gian” gây mất trật tự xã hội vẫn đang tồn tại ở một số dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trong tỉnh.
 
Theo chúng tôi, đã đến lúc quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, quản lý các dự án các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng theo pháp luật, bằng pháp luật chứ không nên vấn đề nào quản lý không được thì cấm.
 
TRẦN ĐÌNH KHÁNG
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh