Mimosa từ đâu em tới...

09:09, 08/09/2016

"Mimosa từ đâu em tới đất này?", câu hỏi theo kiểu truy nguyên nguồn cội của hoa như Trần Kiết Tường quả thú vị, hiếm gặp và cắc cớ. Bởi, yêu hoa thì hỏi vậy thôi, chứ nhạc sĩ cũng không có ý định truy nguyên đến cùng nguồn gốc của loài hoa này. Tuy thế, với nhiều lý do và mục đích khác nhau, nhiều người đã tìm được câu trả lời thay cho Trần Kiết Tường. 

“Mimosa từ đâu em tới đất này?”, câu hỏi theo kiểu truy nguyên nguồn cội của hoa như Trần Kiết Tường quả thú vị, hiếm gặp và cắc cớ. Bởi, yêu hoa thì hỏi vậy thôi, chứ nhạc sĩ cũng không có ý định truy nguyên đến cùng nguồn gốc của loài hoa này. Tuy thế, với nhiều lý do và mục đích khác nhau, nhiều người đã tìm được câu trả lời thay cho Trần Kiết Tường. 
 
Mimosa đang là loài hoa đặc hữu của riêng Đà Lạt
Mimosa đang là loài hoa đặc hữu của riêng Đà Lạt
Theo các chuyên gia về loài cây này, Mimosa có xuất xứ châu Úc, được các thủy thủ người Pháp đưa về đảo Corse. Sau này, cụ thể là đầu thập niên 50 thế kỷ trước, Mimosa lại theo chân người Pháp lên định cư tại Đà Lạt. Trong một bài viết của mình, kỹ sư Nguyễn Hoàng Bích, nguyên cán bộ Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho biết: Bước vào thế kỷ XX, giáo sư Ducampo, Giám đốc Nha thủy lâm Đông Dương, chủ trương xây dựng một mạng lưới các trung tâm, trạm, trại nghiên cứu lâm sinh theo độ cao từ Sài Gòn lên Tây Nguyên và theo vĩ độ từ Nam ra Bắc. Măng Lin (TP Đà Lạt) có độ cao 1.500 m so mặt biển, nguồn nước dồi dào, địa hình đẹp, địa mạo đa dạng, với những loại đất phát triển trên các nền đá mẹ phổ biến ở Tây Nguyên, là nơi đắc địa, rất thuận tiện cho nghiên cứu, khảo nghiệm các loài cây. Do đó, vào tháng 6 năm 1916, Giám đốc Nha thủy lâm Đông Dương Ducampo đã ra quyết định thành lập Trạm Khảo cứu Lâm học Măng Lin. Từ đó, nơi đây trở thành điểm đến của nhiều cuộc thám hiểm, điều tra phân loại rừng và vì thế một vườn sưu tập đã được ưu tiên xây dựng ở Trạm Khảo cứu Lâm học Măng Lin, quy tụ nhiều thực vật rừng phong phú; trong đó, có loài Mimosa. Trên chuyên mục “Hỏi gì - Đáp nấy” của Báo Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS Nguyễn Lân Dũng trả lời rằng: “Mimosa là một loài cây thân gỗ. Cây Mimosa 10 năm tuổi có thể tạo thành một tán lá rộng cả 10 m. Mỗi cành Mimosa đều chi chít những nhánh nhỏ. Lá Mimosa mọc kép, hình ô-van, dài khoảng 2 cm. Mặt dưới của lá có màu trắng bạc như phủ một lớp phấn. Mùa mưa, Mimosa sung mãn, cành lá mọc sum suê. Đến tháng 11, khi mùa mưa cao nguyên ngớt dần, hoa Mimosa đã lấm tấm đầy cành, rồi nở rộ cho đến hết mùa xuân”. Cũng theo vị giáo sư này, ở Việt Nam, chỉ mỗi Đà Lạt có loài hoa này nên nhiều người coi Mimosa là loài hoa biểu trưng cho thành phố hoa và sương mù. 
 
Còn nhà khoa học Nguyễn Đình Hòe trong một công trình nghiên cứu lâm học thì khẳng định: Đà Lạt không chỉ có một mà có đến hai loài hoa cùng được gọi chung tên Mimosa. Đó là keo lá tròn Acacia podalyriaefolia cunn.ex g.Don và keo bạc Acacia dealbata Link, đều thuộc chi keo Acacia. Mimosa không thuộc chi Trinh nữ (cũng có tên là Mimosa) như nhiều người lầm tưởng. Thoạt nhìn, Mimosa và Trinh nữ rất giống nhau, đều có bông màu vàng sáng hình cầu, nhưng có thể phân biệt rất dễ qua hình dạng và cấu trúc lá. Mimosa Đà Lạt trổ bông từ khoảng tháng mười dương lịch đến mùa xuân năm sau, nhưng nở rộ nhất là vào mùa xuân, tạo nên một nét riêng cho Đà Lạt.
 
Vậy, người Pháp di thực Mimosa về Đà Lạt, cụ thể là ở Măng Lin phải chăng chỉ để ngắm hoa? Chẳng phải người Pháp vẫn gọi Mimosa là fleur d’amour - hoa tình yêu - đó sao? 
 
Trả lời cho vấn đề này lại phải tìm đến kỹ sư Nguyễn Hoàng Bích, người gắn bó lâu năm với Trạm Khảo cứu Lâm học Măng Lin. Cũng trong một bài viết, kỹ sư Nguyễn Hoàng Bích chia sẻ: “Người Pháp trồng Mimosa là để lấy nhựa cung cấp cho ngành mỹ thuật và ngành bưu điện làm chất kết dính của sơn dầu, keo tráng sẵn lên tem, phong bì và làm thùng lưu hóa nhựa, nút chai cho rượu Cognac”. 
 
“Ngày nay, ở Măng Lin, vẫn còn vết tích của những cây Mimosa cổ thụ và những cây Mimosa đẹp nhất, thuộc hai loài Acacia dealbata và Acacia podalyriifolia, cùng nhiều loài có xuất xứ từ Đài Loan, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ như Cupressus sempervirens, Cupressus arizonica, Cupressus macrocarpa, Chamaecyparis lawsonica, Pendula glanca, Thuya orientalis...”, kỹ sư Nguyễn Hoàng Bích nói thêm.
 
TRỊNH CHU