Nhà tù Phú Quốc - Chứng tích tội ác chiến tranh

08:11, 24/11/2016

Về thăm Phú Quốc, đi giữa những rào chắn thép gai dày đặc, những dãy nhà tù, chuồng cọp, biệt giam được tái hiện mới thấy đầy đủ sự rùng rợn, tàn ác mà 40.000 chiến sĩ cách mạng đã chịu. Trong từng mạch đất, máu của những cựu tù và xương thịt của hơn 4.000 chiến sĩ nằm lại nơi đây đã hòa vào phần đất thiêng liêng tươi đẹp phía Tây Nam của Tổ quốc.

Về thăm Phú Quốc, đi giữa những rào chắn thép gai dày đặc, những dãy nhà tù, chuồng cọp, biệt giam được tái hiện mới thấy đầy đủ sự rùng rợn, tàn ác mà 40.000 chiến sĩ cách mạng đã chịu. Trong từng mạch đất, máu của những cựu tù và xương thịt của hơn 4.000 chiến sĩ nằm lại nơi đây đã hòa vào phần đất thiêng liêng tươi đẹp phía Tây Nam của Tổ quốc.
 
Nhốt người tù trong thùng thiếc giữa trời nóng. Ảnh: Q.Uyển
Nhốt người tù trong thùng thiếc giữa trời nóng. Ảnh: Q.Uyển

Không phải ngẫu nhiên Pháp, Mỹ xâm lược đều lấy đảo Phú Quốc làm nhà tù giam giữ những chiến sĩ cách mạng chỉ mắc mỗi một “tội” là đấu tranh cho độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Bởi nơi đây hoang vu, giữa biển khơi cách xa đất liền, xa dân cư, chúng mặc sức dùng mọi thủ đoạn tra tấn áp bức tù binh mà không sợ bị dư luận lên án, cách ly tù binh với cuộc chiến tranh nhân dân đang sục sôi trong đất liền, hạn chế các cuộc đấu tranh vượt ngục, tránh những cuộc tấn công giải thoát tù binh... Âm mưu của chúng đã đạt được, cùng với nhà tù Côn Đảo, nhà tù Phú Quốc đã trở thành địa ngục trần gian, nơi ghi dấu tội ác, những đòn thù trút xuống những người cộng sản kiên trung. 
 
Theo hồ sơ lưu trữ, ở nhà tù Phú Quốc có những ngón đòn tra tấn hiểm ác được địch “đúc kết thành kinh nghiệm” và ghi chép thành văn bản để truyền tay nhau “học tập” và “thực hành” trên thân thể tù binh. Chúng đã áp dụng khoảng 45 hình thức tra tấn đối với tù binh kiểu trung cổ đến hiện đại như: đánh bằng chày vồ, roi cá đuối, ép ván, quay điện, gõ thùng, rút móng chân, móng tay, chiếu đèn điện cực mạnh cho mù mắt, đổ nước xà bông sôi vào miệng...
 
Trong chuyến đi, chúng tôi may mắn được gặp cựu tù Ngô Tấn Minh (71 tuổi) - quê ở Phước Huệ, Cần Giuộc, Long An, bị địch giam tại nhà tù Phú Quốc từ năm 1969 - 1973. Đứng tại dãy phòng giam, bác tìm đến nơi mình đã nằm suốt 4 năm bị giam cầm, bị hành hạ, để đến ngày trở về chỉ còn da bọc xương, chân bước không nổi, đồng chí đồng đội phải cõng.
 
Ở trại giam Phú Quốc, việc đánh phạt dã man, đủ loại, đủ kiểu, gây chết chóc, thương tật về thể xác, tinh thần suốt đời, nhưng với bọn cai ngục như thế vẫn chưa đủ, chúng còn sáng tạo ra các kiểu giam cầm để hành hạ đày đọa tù binh đến tận cùng, đó là những chuồng cọp, biệt lập, biệt giam cùng với những hình thức tra khảo, đánh đập man rợ nhất. Trại giam Phú Quốc là một nhà tù kẽm gai khổng lồ dày đặc bao kín các phòng giam, kẽm gai đến 12 lớp giăng quanh các khu giam, 5 lớp giăng quanh mỗi phân khu, kẽm gai giăng quanh các phòng giam không cho tù binh qua lại nói chuyện với nhau. Không giống với các nhà tù khác, chuồng cọp ở Phú Quốc cũng là chuồng cọp kẽm gai, chúng giam giữ những tù nhân mà chúng cho là nguy hiểm. Chúng cho làm chuồng cọp tại tất cả các phân khu trại giam để kỷ luật đối với những người chúng cho là đầu sỏ chống đối. Tù binh bị nhốt vào chuồng cọp chỉ có thể nằm vì chiều cao chuồng cọp chỉ 0,5 - 0,8 m, phía dưới là nền cát, có khi trải đá cuội, đá dăm. Bị nhốt vào chuồng cọp sẽ bị dầm mưa dãi nắng. Nhiều người bị giam trong chuồng cọp dài ngày, nắng nóng lên cơn sốt mà chết; nhiều người chết cứng trong chuồng cọp vì đêm lạnh...
 
Câu chuyện bác Minh kể còn là khí tiết của người cộng sản. Mặc cho những đòn thù trút xuống, tù binh Phú Quốc vẫn không ngừng vùng lên đấu tranh với tinh thần “còn hơi thở còn chiến đấu” - một cuộc chiến đấu không cân sức giữa một bên là những người tù tay không tấc sắt, sống biệt lập giữa biển khơi hoang vu với một nhóm người có vũ khí hiện đại, chỉ huy chặt chẽ của hệ thống cai trị tù binh. Phong trào đấu tranh của tù binh nổ ra liên tục, mạnh mẽ, quyết liệt. Tổ chức Đảng bộ đã được hình thành theo từng phân khu, dưới các phân khu là các chi bộ. Nhiều cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi như: đòi không làm những công việc có tính chất quân sự và khổ sai, nô dịch, chống phạt vạ, chống tra tấn đánh đập, chống cưỡng ép chiêu hồi. Trong cuộc đấu tranh đó, Đảng ủy, Chi ủy luôn đứng mũi chịu sào đề ra giải pháp cụ thể để chỉ đạo anh em, những đảng viên trung kiên nòng cốt luôn là những người dũng cảm đứng lên đi đầu trong hàng ngũ. Đặc biệt là những cuộc đào hầm vượt ngục, vượt rào đã đưa hàng trăm tù binh trở về với cách mạng. 
 
Sau Hiệp định Paris, năm 1973 được trao trả tù binh, bác Minh được ra Bắc chữa bệnh. Đất nước thống nhất bác được học tập ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, rồi trở về quê hương Cần Giuộc - Long An tiếp tục giữ nhiều cương vị chủ chốt và làm Phó Chủ tịch huyện cho đến ngày nghỉ hưu. Đến thăm nhà tù Phú Quốc, những người trẻ tuổi luôn tự hỏi sức mạnh nào, tình yêu nào khiến những người cộng sản, những cựu tù chịu đựng được sự đớn đau về thể xác đến thế. Bác Ngô Tấn Minh đã trả lời với tôi rằng: “Đó là tình yêu Tổ quốc. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu Tổ quốc, niềm tin đất nước được thống nhất, non sông liền một dải đã làm cho thế hệ chúng tôi không còn quan tâm đến sự đau đớn về thể xác nữa, bởi nỗi đau đất nước bị chia cắt còn lớn hơn nhiều”. Những chứng tích tội ác chiến tranh càng làm sáng lên bản anh hùng ca bất tử. Đến nơi đây để tự hào là người con được sống trong một đất nước độc lập, tự do, thống nhất, thêm trân trọng nền hòa bình đã được đánh đổi bằng máu và nước mắt.
 
QUỲNH UYỂN