Tò he - hồn phố cổ

08:01, 12/01/2017

Hội An không chỉ lôi cuốn du khách bởi những nếp nhà cổ kính từ ngàn xưa, mà còn bởi những giá trị truyền thống được gìn giữ từ bao đời. Nghề làm Tò he (hay còn gọi là con thổi) được các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà gìn giữ và phát triển, tạo nét văn hóa riêng biệt mang hồn phố cổ.

Hội An không chỉ lôi cuốn du khách bởi những nếp nhà cổ kính từ ngàn xưa, mà còn bởi những giá trị truyền thống được gìn giữ từ bao đời. Nghề làm Tò he (hay còn gọi là con thổi) được các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà gìn giữ và phát triển, tạo nét văn hóa riêng biệt mang hồn phố cổ.
 
Công đoạn nặn tò he được giao cho các bạn trẻ. Ảnh: H.Y
Công đoạn nặn tò he được giao cho các bạn trẻ. Ảnh: H.Y

Làng gốm Thanh Hà (Hội An) được nhiều người biết đến bởi những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo, tỉ mỉ. Ngày nay, gắn liền với phát triển du lịch, người làm gốm đã đa dạng hóa sản phẩm của mình. Họ chế tác thêm nhiều sản phẩm gốm lưu niệm phục vụ cho nhu cầu của du khách. Tò he ra đời từ đó.
 
Trẻ con đất Quảng, không ai không biết đến tò he. Còn trẻ con làng gốm Thanh Hà hầu hết đều biết cách tạo ra sản phẩm này. Tò he được nặn bằng đất sét, ban đầu phỏng theo hình dáng của 12 con giáp. Nhưng về sau, người làm gốm bắt đầu nặn thêm nhiều con vật khác như voi, công, rùa, chim…
 
Để một con tò he ra đời phải qua rất nhiều công đoạn. Sau khi nặn xong hình dáng sản phẩm, người ta dùng que nhọn vẽ trang trí sao cho thật bắt mắt, sau đó mới khoét lỗ. Khoét lỗ phải canh làm sao cho khi thổi vào, âm thanh phát ra phải to và thanh.
 
Sau khi hoàn tất công đoạn nặn, tò he được mang ra phơi khô rồi đưa vào lò nung khoảng 20 tiếng. Có thể để tò he nguyên vẻ thô sơ, mộc mạc hoặc quét một lớp sơn nhũ, sơn bóng màu đỏ lên để khách hàng lựa chọn.
 
Vậy mới biết không dễ để một con tò he ra đời, tuy nhiên giá thành của nó thì lại rất rẻ. Một con tò he được bán ở phố cổ thường có giá 3.000 - 10.000 đồng tùy loại. Với khách nước ngoài, giá của sản phẩm có thể nhích hơn đôi chút, nhưng vẫn rất dễ mua. Chính vì vậy mà đây là một trong những món quà lưu niệm phổ biến nhất khi đến với Hội An. 
 
Tò he có mặt từ những sạp nhỏ lẻ bên đường, trên những chiếc xe đẩy, và trong cả những cửa hàng bán đồ lưu niệm lớn ở phố Hội. Đây là loại đồ chơi rất đời thường, nhưng chính những giá trị đời thường ấy lại để lại trong lòng du khách biết bao xúc cảm. Chị Maria (du khách Anh) vô cùng thích thú với những chú tò he bé xíu. Chị chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi thấy sản phẩm này, rất đáng yêu. Tôi đã mua đủ 12 con vật theo quan niệm của người Việt, có lẽ đây sẽ là món quà mà con gái tôi rất thích!”.
 
Du khách thích thú với những chú tò he. Ảnh: H.Y
Du khách thích thú với những chú tò he. Ảnh: H.Y

Khách du lịch thích thú với tò he, người làm gốm lại có thêm niềm vui duy trì làng nghề. Theo nghề làm tò he nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Xê (56 tuổi) ở làng gốm Thanh Hà bộc bạch: “Cái nghiệp làm gốm đã có từ đời ông cha. Trước kia, nhà tôi chủ yếu làm gạch ngói, nhưng từ khi làng được đưa vào phát triển du lịch, cả nhà chuyển sang nghề làm tò he. Tò he không chỉ được bán ở Hội An mà được bán ở các điểm du lịch nổi tiếng của cả nước như Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh… Thu nhập của gia đình từ đó mà khá lên”.
 
Không chỉ những người có “nghề”, người lớn tuổi, mà cả những bạn trẻ làng gốm Thanh Hà cũng đã kiếm được thêm thu nhập từ việc làm tò he. Bạn Nguyễn Thị Trang (17 tuổi) chia sẻ: “Nghề này coi vậy chứ chỉ cần quen tay là có thể làm được. Do còn phải đi học nên mỗi ngày trung bình mình trang trí tò he khoảng 200 đến 300 con, cứ 100 con được 5.000 đồng. Tuy ít, nhưng việc cũng nhàn nên mình làm để kiếm thêm tiền tiêu vặt cho bản thân”.
 
Làng gốm Thanh Hà hiện nay đã trở thành một điểm tham quan của khách thập phương. Vé vào làng chỉ 15.000 đồng nhưng có thể vừa tham quan, vừa được tự tay làm những món đồ gốm cho riêng mình, lại còn được tặng quà mang về. Chính vì thế, nhiều năm nay, làng gốm Thanh Hà thu hút rất nhiều lượt khách du lịch. Ông Nguyễn Văn Dư (68 tuổi) - người phụ trách vé tham quan nói: “Mỗi ngày làng gốm Thanh Hà đón rất nhiều lượt khách du lịch đến từ các nơi trên thế giới. Mọi người rất thích thú khi được tự tay làm gốm. Còn tò he vẫn là món quà được du khách yêu thích nhất. Những con vật bé xíu này đã nuôi sống nhiều hộ dân ở đây”.
 
Gắn với phát triển làng gốm, tò he đã góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ nét đẹp văn hóa tinh thần mang hồn phố cổ.
 
HOÀNG YÊN