"Đà Lạt by night" ở cà phê Kỷ Vật

09:02, 23/02/2017

Trong không gian tĩnh mịch Đà Lạt về đêm, những bản nhạc Pháp từ những năm thập niên 60 vẫn du dương trong căn biệt thự cổ mà xưa là Dinh Tỉnh trưởng. Nhiều du khách gọi những đêm nhạc ở đây là "Đà Lạt by night" mà nếu một lần "lạc" vào đó, người ta sẽ như thấy lại Đà Lạt một thời xa vắng, của những câu chuyện qua từng kỷ vật đậm chất Đà Lạt qua những bản tình ca bất hủ gợi nhớ… và "lạc" vào rồi thì chẳng muốn thoát khỏi những cảm xúc ấy.

Trong không gian tĩnh mịch Đà Lạt về đêm, những bản nhạc Pháp từ những năm thập niên 60 vẫn du dương trong căn biệt thự cổ mà xưa là Dinh Tỉnh trưởng. Nhiều du khách gọi những đêm nhạc ở đây là “Đà Lạt by night” mà nếu một lần “lạc” vào đó, người ta sẽ như thấy lại Đà Lạt một thời xa vắng, của những câu chuyện qua từng kỷ vật đậm chất Đà Lạt qua những bản tình ca bất hủ gợi nhớ… và “lạc” vào rồi thì chẳng muốn thoát khỏi những cảm xúc ấy.
 
Không gian âm nhạc cà phê Kỷ Vật. Ảnh: Nguyễn Nghĩa
Không gian âm nhạc cà phê Kỷ Vật. Ảnh: Nguyễn Nghĩa

“Ðà Lạt by night”
 
Thành thông lệ, cứ mỗi hai tuần một lần, những người yêu nhạc lại tìm về Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng (Dinh Tỉnh trưởng cũ), số 1, Lý Tự Trọng, Đà Lạt để cùng thư giãn, thưởng nhạc vào mỗi thứ bảy. Đây dường như đã trở thành một điểm đến cuối tuần của những người yêu Đà Lạt.
 
Cà phê Kỷ Vật - cái tên gợi mở rất nhiều điều về điểm đến này với những ai lần đầu đến như tôi. Và quả thật nơi này mang đến cho tôi quá nhiều cảm nhận thi vị, đó là đêm nhạc Lung linh đêm tình nhân được tổ chức vào đúng dịp Ngày lễ tình nhân - Valentine 14/2. 
 
Lễ tình yêu ở thành phố tình yêu dường như sâu lắng hơn với những bản nhạc tiếng Pháp, lời Việt nhạc Pháp mà các giọng ca người Đà Lạt thể hiện. Những vị khách tham dự đêm nhạc tối hôm đó đa phần là những người trung niên, lớn tuổi, người Đà Lạt. Bên những cốc rượu vang, ly cà phê nóng, những vị khách có mặt ở đêm nhạc như chìm vào cảm xúc của những ngày yêu đương, của những năm tháng đã đi qua cùng Đà Lạt đúng nghĩa như câu hát của nhạc sỹ Trịnh Nam Sơn: “Này Đà Lạt ơi, tôi biết em từ thuở nhỏ/ Này Đà Lạt ơi, em đã trong tôi trọn một đời/ Hãy cho tôi xin, hãy cho tôi xin, xin lại, ngày xa xưa...”
 
Chị Nguyễn Hồng Ngọc (52 tuổi, phường 4, Đà Lạt) chia sẻ: Thứ bảy nào có tổ chức đêm nhạc là tôi và bạn bè đều rủ nhau đến đây. Không chỉ là thư giãn cuối tuần, nghe nhạc mà đến đây chúng tôi như tìm thấy ký ức của những năm tháng rất đẹp thời niên thiếu. Là một người sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, thế nhưng lần nào đến đây cảm xúc trong tôi cũng bồi hồi, nguyên vẹn”.
 
Cà phê Kỷ Vật nằm bên trong khu trưng bày kỷ vật văn hóa Đà Lạt, tọa lạc trên đồi thông cao nhất thành phố, từ đây có thể ngắm nhìn cả thành phố ngàn hoa ẩn hiện dưới những tán thông. 
 
Câu chuyện từ những kỷ vật
 
Khu trưng bày kỷ vật văn hóa Đà Lạt hiện do Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng quản lý. Từ khi tiếp nhận, trung tâm đã có sáng kiến biến nơi đây thành ngôi nhà chung của những người yêu Đà Lạt, là nơi “cất giữ” những câu chuyện từ những kỷ vật, và bản thân công trình này cũng là một kỷ vật của thành phố Đà Lạt. 
 
Ông Nguyễn Vũ Hoàng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng cho biết: Nơi đây hiện lưu giữ hơn 1.200 kỷ vật, hoàn toàn do những người đang hoặc đã từng ở Đà Lạt mang đến gửi. Đến đây mọi người sẽ như thấy lại những ngày tháng lịch sử được viết lại bằng những câu chuyện qua các kỷ vật. Đó là chiếc máy hát cổ, cây đàn piano, bộ áo dài từ thời ông bà để lại, bộ ấm chén, chiếc bình hoa… gắn liền với cuộc sống của mỗi gia đình Đà Lạt xưa. Bất kỳ ai cũng có thể đưa kỷ vật của mình đến nơi này để trưng bày cho mọi người cùng thưởng lãm, chiêm nghiệm về lịch sử vùng đất Đà Lạt từ những năm của thế kỷ trước hay tìm về ký ức thời thơ ấu của chính mình và gia đình mình. 
 
Nói rồi ông Vũ Hoàng liền chỉ cho mọi người thấy bộ bàn ghế do chủ nhân quán cà phê Tùng, khu Hòa Bình đã mang đến trưng bày ở đây. Theo ông cho biết, bộ bàn ghế này làm bằng tre, là nơi mà nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và ca sỹ Khánh Ly thường hay ngồi tại quán cà phê Tùng vào những năm 60 của thập niên trước. Và cứ như thế, mỗi kỷ vật được trưng bày tại đây đều gắn với mỗi câu chuyện của riêng nó, của những người yêu Đà Lạt, trước mỗi kỷ vật đều có ghi rõ của gia đình nào, địa chỉ ở đâu và thời gian từ bao lâu. 
 
Những câu chuyện từ những kỷ vật ở đây có lẽ sẽ còn tiếp nối cùng những món đồ mà người Đà Lạt sẽ còn mang đến. Cũng giống như những cảm xúc miên man của những đêm nhạc hoài niệm ở đây chắc sẽ còn đọng mãi trong hồn người ra về. Giữa những bộn bề lo toan cuộc sống thường nhật, cùng với sự phát triển của Đà Lạt theo dòng chảy thời gian thì những không gian như thế có lẽ sẽ luôn là góc nhỏ trong tim mỗi người Đà Lạt, là điểm đến cho du khách muốn trải nghiệm về Đà Lạt xưa hay là nơi tìm về của những người yêu Đà Lạt đi xa. Bởi nơi đây không chỉ là kỷ vật của riêng Đà Lạt. 
 
DIỄM THƯƠNG