Đà Lạt: Cái nhìn nhỏ từ phố núi Sapa

09:02, 23/02/2017

Sapa, thị trấn nghỉ mát nổi tiếng giữa núi rừng Tây Bắc vẫn được khách du lịch Việt nghĩ tới như Đà Lạt nhỏ giữa lòng miền Bắc. Cũng những ngày sương mù phủ kín những con dốc quanh co, những vườn atiso xanh nõn, bếp lửa hồng giữa đêm đông lạnh buốt…, Sapa gợi nhớ cho khách lãng du về một Đà Lạt những năm 1980.

Sapa, thị trấn nghỉ mát nổi tiếng giữa núi rừng Tây Bắc vẫn được khách du lịch Việt nghĩ tới như Đà Lạt nhỏ giữa lòng miền Bắc. Cũng những ngày sương mù phủ kín những con dốc quanh co, những vườn atiso xanh nõn, bếp lửa hồng giữa đêm đông lạnh buốt…, Sapa gợi nhớ cho khách lãng du về một Đà Lạt những năm 1980. Và, nhìn du lịch Đà Lạt từ Sapa, một người Đà Lạt có thể tìm thấy rất nhiều điều để Đà Lạt ngày một đẹp hơn.
 
Hai bạn trẻ H’Mông. Ảnh: D.Quỳnh
Hai bạn trẻ H’Mông. Ảnh: D.Quỳnh

Sapa đón khách bằng hàng tùng samu dài hàng chục cây số, kéo dài suốt con đường độc đạo nối từ thành phố Lào Cai tới thị trấn vùng cao. Ven đường, dẫu không phải ngày mùa lúa chín vàng hay xanh mướt, những thửa ruộng bậc thang cũng cho du khách nhìn thấy bóng dáng của một Sapa đầy chất Tây Bắc. Và, những đợt sương mù dày đặc, những hạt sương rơi ướt vai là đặc sản của thị trấn nghỉ mát này. Sương mù dày nặng tới mức, chỉ cách nhau dăm mét, gương mặt người khác đã nhập nhòa dù ngay giữa trưa. Có những ngày, không thể phân biệt thời gian Sapa sáng, trưa, chiều bởi màn sương dày đặc phủ kín thị trấn. Nhiều người Đà Lạt nhắc lại, những năm 80 của thế kỷ trước, màn sương này cũng thường xuyên phủ kín thành phố Nam Tây Nguyên. 
 
Sapa gợi nhớ đến Đà Lạt với khí hậu mát mẻ, trung bình năm từ 23-25 độ C. Giữa những ngày miền Bắc nóng dữ dội 40-42 độ C, người ta vẫn hưởng được cảm giác mặc áo lạnh co ro, ăn đồ nướng bên bếp than hồng giữa trời rét. Sapa nhỏ nhắn nhưng cũng không thiếu những con dốc quanh co, những vườn atiso đặc sản và đâu đó, vẫn còn những cụm thông già, đặc trưng của kiểu rừng vùng cao. Tương tự với khoảng cách Đà Lạt - thành phố Hồ Chí Minh, với khoảng cách hơn 300 km so với Hà Nội, Sapa được coi như tiểu thiên đường ôn đới giữa vùng nhiệt đới gió mùa.
 
Tuy nhiên, có thể thấy, tốc độ đô thị hóa của Sapa quá nhanh, nhanh hơn nhiều so với Đà Lạt. Thị trấn Tây Bắc này chỉ vẻn vẹn có 3 cây số vuông nhưng hiện tại, lượng khách sạn cao tầng đang được xây dựng quá nhiều khiến nhiều người phải thốt lên “Sapa đang là một công trường xây dựng”. Vì diện tích nhỏ, xây dựng nhiều nên Sapa quá đông người và khá bẩn. Cộng thêm sương mù nặng hạt, khách du lịch thường xuyên phải chịu cảnh đi giữa bùn lầy. Và cũng do tăng mật độ xây dựng, các mảnh rừng hiếm hoi trong thị trấn dần bị xóa bỏ tới mức, có lẽ chỉ dăm năm nữa, sẽ không còn thấy được cây thông nào trong nội ô Sapa. Đây cũng là bài học nhắc nhở du lịch Đà Lạt. Nếu để mật độ xây dựng vượt quá tầm, không gian thành phố sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Về dịch vụ ăn uống phục vụ du khách, cũng do cơ sở hạ tầng còn yếu và lượng khách quá đông, phục vụ ăn uống tại Sapa có thể nói là chưa đáp ứng được với một vùng đất du lịch chuyên nghiệp. Đây cũng là điểm trừ đáng tiếc. 
 
Cô bé H’Mông xuống chợ cùng gia đình. Ảnh: D.Quỳnh
Cô bé H’Mông xuống chợ cùng gia đình. Ảnh: D.Quỳnh

Điều làm Sapa thu hút được du khách trong nước và du khách quốc tế, đặc biệt các bạn trẻ thích phiêu lưu, chinh phục mạo hiểm chính là việc thị trấn vùng núi này bảo tồn và phát triển rất tốt du lịch bản địa. Ngay trong nội ô thị trấn, hàng ngày hàng trăm chàng trai, cô gái, những đứa bé H’Mông, Dao đen Dao đỏ mang hàng xuống chợ. Người vùng cao Tây Bắc đặc biệt quý trọng bản sắc của họ, dù ở đâu, khi nào họ vẫn giữ nguyên phong tục, tập quán, đặc biệt là bộ trang phục cổ truyền. Những bộ váy áo rực rỡ, xà cạp rộn ràng của cô gái H’Mông, chiếc khăn quấn đầu đặc biệt của người phụ nữ Dao nổi bật giữa sương mù Sapa. Cảnh người phụ nữ H’Mông với chiếc gùi cao vượt sau lưng, chất đầy những bó cải mèo giữa phố là hình ảnh rất quen thuộc, có thể gặp tại bất cứ góc phố nào của Sapa. Ngay giữa lòng thị trấn, vẫn thấy các chàng trai, cô gái H’Mông chơi ném pao, đi cà kheo…, những trò chơi cổ truyền của người vùng cao. 
 
Và những điểm vui chơi, tham quan tuyệt nhất của du khách chính là những địa danh như Cát Cát, Sín Chải, Tả Van, Tả Phìn hay Bản Hồ. Đây là những bản của các dân tộc bản địa Tây Bắc như người H’Mông, Dao, Giáy…, còn giữ nguyên nếp sống rộng mở, phóng khoáng, những phong tục tập quán của người vùng cao. Những mái nhà trình tường, món cơm lam, thắng cố, bóng dáng người phụ nữ H’Mông quay sợi, thêu áo… thu hút sự tò mò, tìm hiểu của du khách bên cạnh những thửa ruộng bậc thang, những rừng mận trắng, đào hồng. Đây là điều du lịch Đà Lạt còn chưa làm được như Sapa. Nếu mạnh hơn Sapa về du lịch nhà vườn thì du lịch bản địa, Đà Lạt chưa tổ chức tốt, chưa cho du khách tìm thấy những nét đặc sắc riêng biệt của một thành phố cao nguyên, nơi có hàng chục anh em các dân tộc cùng chung sống.  
 
Giống và khác, Sapa và Đà Lạt vẫn song hành như những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Nhìn Đà Lạt từ Sapa để hiểu, yêu và xây dựng thành phố hoa ngày càng thêm đẹp, thêm thân thiện, níu lòng du khách khi nhắc tới bản đồ du lịch Việt.
 
DIỆP QUỲNH