Đà Lạt phát triển du lịch chất lượng cao

09:03, 31/03/2017

Cuối năm 2016, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề quan trọng, bao gồm: "Phát triển du lịch chất lượng cao", "Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại" và "Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ" trong giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025...

Cuối năm 2016, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề quan trọng, bao gồm: “Phát triển du lịch chất lượng cao”, “Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại” và “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ” trong giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Đó được xem như “3 trụ cột chính”, tạo xung lực phát triển kinh tế - xã hội Lâm Đồng. 
 
Du lịch nông nghiệp là một trong những hướng đi nhiều triển vọng ở Lâm Đồng. Ảnh: N.Ngà
Du lịch nông nghiệp là một trong những hướng đi nhiều triển vọng ở Lâm Đồng. Ảnh: N.Ngà
Riêng về Nghị quyết “Phát triển du lịch chất lượng cao”, Đà Lạt là địa phương chủ lực. Theo đó, Thành ủy Đà Lạt đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Đà Lạt. 
 
Nhiều năm qua, ngành Du lịch Đà Lạt phát triển ổn định, góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế thành phố chuyển dịch theo hướng tích cực. Nếu như năm 2010, du lịch dịch vụ chiếm 73,4% GRDP thì đến cuối năm 2015 chiếm 75,5% GRDP (theo cách tính cũ), chiếm 63,98% GRDP (theo phương pháp tính mới). Giai đoạn 2011 - 2015 khách du lịch đến với Đà Lạt đạt 16,75 triệu lượt khách (tăng 73% so với giai đoạn 2008 - 2010), tăng bình quân 11,8%/năm. Riêng năm 2016, lượng khách du lịch đến Đà Lạt đạt trên 4,3 triệu lượt, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 100,5% kế hoạch năm. Đà Lạt nằm trong top 10 điểm đến châu Á mới nổi vào năm 2017 do trang tư vấn du lịch nổi tiếng TripAdvisor bình chọn.
 
Tuy vậy, tốc độ phát triển ngành du lịch dịch vụ của Đà Lạt vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có. Sự tăng trưởng của du lịch Đà Lạt còn chưa thực sự bền vững. Lượng khách tuy tăng đều qua từng năm nhưng tỷ lệ khách quốc tế còn thấp, nguồn lực đầu tư cho du lịch chưa mạnh, nhiều dự án đầu tư cho du lịch còn kéo dài, tiến độ chậm và hiệu quả chưa cao. Mặt khác, Đà Lạt còn thiếu các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, nhất là các dịch vụ vui chơi về đêm và vào mùa mưa; việc kết nối tour tuyến giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch chưa thực sự chặt chẽ. Môi trường du lịch vẫn còn những vấn đề chưa đảm bảo. Một số danh lam thắng cảnh xuống cấp nhưng chưa được đầu tư tôn tạo kịp thời. Công tác quảng bá, xúc tiến còn yếu…
 
Đồng chí Huỳnh Thị Thanh Xuân - UVBTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Lạt cho biết: Những tồn tại trên chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân chủ quan do nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí của du lịch trong sự phát triển kinh tế, xã hội. Công tác quản lý nhà nước về du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của thành phố. Sự thụ động của các doanh nghiệp về du lịch trong sự liên kết, quảng bá phối hợp kinh doanh… còn tồn tại nhiều yếu kém.
 
Đà Lạt không thể “ngủ yên” trên lợi thế về tài nguyên du lịch sẵn có, hay chỉ có những bước đi chậm rãi. Trong khi ngành công nghiệp không khói của cả nước và thế giới đang phát triển không ngừng. Để ngành “công nghiệp không khói” của thành phố phát triển bền vững, Thành ủy Đà Lạt vừa tiếp tục ban hành Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này nhằm đưa ra hướng đi cụ thể để phát triển du lịch Đà Lạt theo hướng chất lượng cao. Nghị quyết cũng xác định rõ việc phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, xây dựng Đà Lạt thành đô thị du lịch, trung tâm du lịch chất lượng cao, điểm đến “an toàn - thân thiện” và đưa Đà Lạt vào bản đồ du lịch của khu vực và thế giới. 
 
Nghị quyết lần này của Thành ủy Đà Lạt đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2020: dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng khoảng 67,5 - 68% GRDP toàn thành phố. Lượng khách du lịch hàng năm tăng 10 - 11%. Trong đó, khách quốc tế chiếm 12 - 13%, 90% lao động trực tiếp trong ngành du lịch được đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ…
 
Để đạt được mục tiêu này và hướng đến nền du lịch chất lượng cao, Bí thư Thành ủy Đà Lạt cho rằng: Đà Lạt cần thực hiện đồng bộ và có hiệu quả 6 nhóm giải pháp chính bao gồm: Nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về nhiệm vụ lãnh đạo điều hành, công tác tuyên truyền quảng bá cũng như xúc tiến du lịch, việc quản lý quy hoạch và chỉnh trang đô thị, thực hiện hiệu quả cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù dành cho du lịch theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng như các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh; nỗ lực đa dạng hóa các loại hình sản phẩm dịch vụ du lịch; tập trung phát triển thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế; xây dựng môi trường du lịch phát triển bền vững... 
 
Theo đó, trong việc thực hiện cơ chế chính sách phát triển du lịch, bên cạnh phát triển những tiềm lực sẵn có, TP Đà Lạt sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, nhất là những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và thương hiệu để tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng cao, lâu dài mà vẫn đi liền với công tác bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống ở Đà Lạt. 
 
Để khắc phục nhược điểm về sản phẩm du lịch, Thành ủy Đà Lạt đã xác định rõ trong nghị quyết việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Trong đó, chú trọng vào các sản phẩm du lịch mới, có tính cạnh tranh cao, mang sự khác biệt như: du lịch nông nghiệp, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm. Gắn việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tiểu thủ công nghiệp và các loại hình khác...
 
Từ nội dung Nghị quyết, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ thành phố đến các phường, xã đã xây dựng nội dung triển khai nhằm đảm bảo không chỉ có chính quyền mà chính mỗi người dân ý thức rõ việc chung sức xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố du lịch chất lượng cao. Và, chỉ có như vậy du lịch Đà Lạt mới phát triển bền vững.
 
NGỌC NGÀ