Hà Nội liên kết khai thác tuyến du lịch "4 địa phương - 1 điểm đến" ở Tây Nguyên

09:05, 16/05/2017

(LĐ online) - Cơ quan nhà nước, hiệp hội và các doanh nghiệp hoạt động du lịch Hà Nội vừa có chuyến công tác khảo sát thực tế và ký kết hợp tác phát triển du lịch với 3 tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai, Đăk Lăk và Lâm Đồng, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế và sự khác biệt của vùng Tây Nguyên để phát triển thị trường du lịch, đồng thời, tăng cường mở rộng và quảng bá những điểm đến mới.

(LĐ online) - Cơ quan nhà nước, hiệp hội và các doanh nghiệp hoạt động du lịch Hà Nội vừa có chuyến công tác khảo sát thực tế và ký kết hợp tác phát triển du lịch với 3 tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai, Đăk Lăk và Lâm Đồng, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế và sự khác biệt của vùng Tây Nguyên để phát triển thị trường du lịch, đồng thời, tăng cường mở rộng và quảng bá những điểm đến mới.
 
Đại diện lãnh đạo ngành du lịch 4 địa phương khẳng định sự bền vững của liên kết mới
Đại diện lãnh đạo ngành du lịch 4 địa phương khẳng định sự bền vững của liên kết mới
Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm chính trị lớn nhất cả nước. Cùng với Tp.HCM, Hà Nội là cửa ngõ đón khách nội địa và quốc tế lớn nhất của Việt Nam. Năm 2016, Hà Nội đón gần 22 triệu lượt khách, trong đó, có hơn 4 triệu lượt khách quốc tế, tổng doanh thu hơn 62 ngàn tỷ đồng. Hà Nội có 5.922 di sản văn hóa các loại (vật thể, phi vật thể và ký ức thế giới), cùng với rất nhiều di tích quốc gia đặc biệt. Nhưng trên hết, con người Hà Nội vô cùng phong phú, không chỉ người Hà Nội gốc, người được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mà còn là người hội tụ từ các vùng miền trong cả nước.
 
3 tỉnh Tây Nguyên với sự tương đồng là địa bàn sinh sống của các bộ tộc thiểu số từ xa xưa. Dù có nhiều cuộc di dân đến Tây nguyên, nhưng người dân tộc thiểu số hiện nay chiếm tỷ lệ trên 25% dân số và vẫn còn lưu giữ những bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, trong không gian văn hóa cồng chiêng đặc sắc của người Tây Nguyên. Gia Lai, Đăk Lăk và Lâm Đồng là tiêu biểu cho 3 vùng Bắc, Trung, Nam Tây Nguyên với các kiểu địa hình, dân tộc, đời sống văn hóa có những khác biệt. 
 
Và, khác với những tuyến du lịch phổ biến ở Tây Nguyên, liên kết khai thác tuyến du lịch “4 địa phương – 1 điểm đến” dựa vào những khác biệt về tập tính văn hóa của chính con người bản địa ở 3 vùng của Tây Nguyên, để làm nên tour du lịch mang bản sắc tự nhiên, với đời sống tinh thần phong phú nhưng khác biệt của Tây Nguyên so với các vùng miền khác, và được gắn với những sản vật tự nhiên của từng vùng miền… tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn trao gởi đến du khách. Các đại biểu từ 4 địa phương kỳ vọng, tuyến du lịch được xây dựng sẽ là đặc sản, là thương hiệu, hứa hẹn tạo nền tảng vững chắc cho liên kết phát triển.
 
Ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội: Chương trình hợp tác với các tỉnh Tây Nguyên khẳng định Hà Nội chú trọng và đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của Tây Nguyên. Hà Nội và Lâm Đồng còn có mối lương duyên sâu đậm tròn 40 năm, được đánh dấu qua việc thành lập huyện Lâm Hà với trên 1 vạn hộ gia đình đang sinh sống trong tổng số 4 vạn hộ dân Hà Nội sống ở Lâm Đồng. Lâm Đồng có diện tích gấp 3 Hà Nội, nhưng dân số cả 3 tỉnh Tây Nguyên mới bằng nửa dân số Hà Nội. Vì vậy, nếu biết phát huy một cách sáng tạo tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, thì vùng Tây Nguyên sẽ có rất nhiều cơ hội phát triển; đặc biệt, sự hợp tác giữa Hà Nội và 3 tỉnh Tây Nguyên sẽ giúp Tây Nguyên thành một điểm đến du lịch hấp dẫn hơn nhiều.
 
 
Bà Nguyễn Thị Nguyên – Giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng: Hợp tác liên kết phát triển du lịch với các địa phương khác là yêu cầu quan trọng trong mục tiêu phát triển du lịch Lâm Đồng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thời gian qua, Lâm Đồng đã xây dựng được liên kết, đem lại hiệu quả tích cực, trong đó nổi bật là liên kết “Chợ Bến Thành – Biển Mũi Né – Hoa Đà Lạt” với TpHCM và Bình Thuận; Liên kết “Hành trình di sản miền Trung” và xứ hoa – với 3 tỉnh miền Trung là Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng… giúp tăng trưởng lượng khách đáng kể, trong đó khách quốc tế tăng 30-40% trong 2 năm qua. 2 loại hình du lịch đang rất hấp dẫn là du lịch canh nông và du lịch mạo hiểm, cùng các loại hình du lịch truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc ở Lâm Đồng, khi tham gia vào liên kết, chắc chắn sẽ tạo nên kết quả tích cực…
 
 
Ông Phạm Tân Thanh – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đăk Lăk: Tỉnh Đăk Lăk có 200 cơ sở lưu trú (70 KS, 1 khu biệt thự, còn lại là nhà nghỉ) với trên 4000 buồng phòng và 40 đơn vị kinh doanh lữ hành. Ngành du lịch Đăk Lăk chú trọng liên kết với các địa phương để thu hút khách du lịch. Dù phát triển du lịch còn hạn chế (mỗi năm đón khoảng 7-8 trăm ngàn lượt khách, khoảng 10% khách quốc tế), nhưng với 1 sân bay, di sản không gian văn hóa cồng chiêng, thủ phủ cà phê và bản sắc văn hóa Tây Nguyên đậm đà phong phú… hy vọng du lịch Đăk Lăk sẽ phát triển nhanh khi tham gia vào liên kết.
 
 
Ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Gia Lai: So với cả nước, du lịch Gia Lai chưa phát triển dù rất tiềm năng với 43 dân tộc anh em, nhiều thác hồ… Du lịch văn hóa chủ đạo của Gia Lai là cồng chiêng như các tỉnh Tây Nguyên khác, nhưng đang phát triển những đội cồng chiêng nhí và cồng chiêng nữ. Ngoài ra, Gia Lai còn là quê hương của anh hùng Núp, có di chỉ đồ đá tại An Khê (8 triệu năm), đang làm hồ sơ để công nhận là Công viên địa chất toàn cầu sau Hà Giang, vùng núi lửa cũ được trồng rong riềng (hoa chuối) phủ sắc đỏ bạt ngàn và sau đó là sắc vàng trong mùa hoa quỳ… sẽ là những điểm đến du lịch khác biệt và hấp dẫn. Trong năm 2017, tỉnh Gia Lai sẽ đăng cai “Ngày hội văn hóa thể thao du lịch các dân tộc Tây Nguyên lần thứ I” vào tháng 11.
 
 
Bà Nguyễn Thị Huyền – Giám đốc Cty Du lịch Viettran Tour (Hà Nội): Chúng tôi đã thấy được tiềm năng du lịch của Tây Nguyên qua từng tỉnh rất rõ. Nhưng làm sao để hình thành một sản phẩm du lịch được đông đảo du khách hưởng ứng là một bài toán khó. Cơ quan quản lý nhà nước nên gặp gỡ, trao đổi, giữ thông tin thường xuyên với doanh nghiệp. Ngoài sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương, làm thế nào để tạo được một sản phẩm chung? Tham gia liên kết chung, thì vai trò của các vùng miền như thế nào trong triển khai các dịch vụ du lịch (về xe, về dịch vụ ăn uống, về hướng dẫn viên, hay về điểm đến…)? Hiệp hội Du lịch và các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch sẽ hỗ trợ gì cho liên kết?...
 
 
Ông Trần Minh Đức – Phó giám đốc Cty Du lịch Long Phú – Khánh Hòa có chi nhánh tại Đà Lạt: Định hướng từ năm 2017-2020 của Long Phú là phát triển các sản phẩm ở khu vực nam Trung bộ và Tây Nguyên, thông qua việc xây dựng các sản phẩm đặc trưng tại điểm đến, như sản phẩm du lịch đảo yến (Khánh Hòa), rau hoa và khám phá VQG Bidoup – Núi Bà (Lâm Đồng), cồng chiêng (Đăk Lăk, Gia Lai)… Thông qua liên kết, các lãnh đạo sở ngành đã tạo được môi trường du lịch rất tốt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối… Cty xây dựng các sản phẩm đặc trưng nhất để đưa du khách ra các tỉnh phía Bắc. Nhưng, muốn triển khai được liên kết này, cần có sự hợp tác giữa hàng không với các hãng lữ hành về giờ bay và giá vé; Đăk Lăk và Lâm Đồng cũng cần kiểm soát giá phòng ổn định vào các thời điểm du lịch…
 
LÊ HOA