Lạc Dương: Đưa du lịch thành ngành kinh tế động lực

09:05, 30/05/2017

Nằm cạnh Đà Lạt với rất nhiều ưu thế từ cảnh quan thiên nhiên đến văn hóa cộng đồng người, Lạc Dương đang nỗ lực đưa du lịch thành ngành kinh tế động lực của huyện.

Nằm cạnh Đà Lạt với rất nhiều ưu thế từ cảnh quan thiên nhiên đến văn hóa cộng đồng người, Lạc Dương đang nỗ lực đưa du lịch thành ngành kinh tế động lực của huyện.
 
Văn hóa độc đáo của cộng đồng dân tộc thiểu số Lạc Dương. Ảnh: V.Trọng
Văn hóa độc đáo của cộng đồng dân tộc thiểu số Lạc Dương. Ảnh: V.Trọng
Tăng bình quân trên 22%/năm 
 
Theo UBND huyện Lạc Dương, trong 5 năm qua, du lịch và hệ thống dịch vụ du lịch của huyện đã có những bước phát triển vượt bậc, cả về mạng lưới, lượng khách đến cùng doanh thu. Nếu như trong năm 2011, lượng khách du lịch đến Lạc Dương chỉ trên 700 nghìn lượt người với doanh thu 31 tỷ đồng thì đến 2016 vừa qua đã có trên 1,25 triệu lượt du khách đến đây với doanh thu trên 90 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng chung của du lịch dịch vụ trong 5 năm qua đạt gần 22%; doanh thu từ du lịch đang chiếm một tỷ trọng rất đáng kể, trên 21% trong cơ cấu kinh tế của huyện.
 
Không chỉ có các điểm du lịch kết nối rất tốt với du lịch Đà Lạt lâu nay như Khu Du lịch Lang Biang, Khu Du lịch Thung Lũng Vàng, Khu Du lịch Làng Cù Lần, du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, Khu dã ngoại Ma Rừng Lữ Quán…, Lạc Dương hiện còn có 14 dự án phát triển du lịch và dịch vụ du lịch đầu tư vào đây với tổng số vốn đăng ký trên 1.300 tỷ đồng, nhiều dự án đã bắt tay vào khởi động với số vốn triển khai đến nay khoảng trên 216 tỷ đồng. 
 
Đặc biệt, du lịch Lạc Dương lâu nay vẫn duy trì được ưu thế thu hút du khách thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa cồng chiêng đặc sắc của mình. Trong hành trình của rất nhiều đoàn khách phương xa khi đến nghỉ dưỡng tại Đà Lạt thường không thể thiếu chuyến tham quan buôn làng người Lạch dưới chân Lang Biang huyền thoại, thưởng thức rượu cần đặc sản cùng các tiết mục văn nghệ độc đáo bên đống lửa bập bùng. Hiện trên địa bàn Lạc Dương có 12 nhóm cồng chiêng hoạt động, trong đó Câu lạc bộ Cồng chiêng Lang Biang tại thị trấn Lạc Dương có 10 nhóm, 2 nhóm còn lại tại 2 Khu Du lịch Làng Cù Lần và Vườn quốc gia Biduop - Núi Bà, tất cả đều là các nhóm chuyên nghiệp.
 
Để thu hút du khách, Lạc Dương trong những năm gần đây từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, như việc gắn kết du lịch với phát triển nông nghiệp công nghệ cao. 
 
Toàn huyện đến nay có gần 2.000 ha sản xuất rau, hoa, dây tây các loại (chiếm 34% diện tích canh tác của huyện) cùng 16 ha nuôi cá nước lạnh. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên đã kết hợp mở cửa cho du khách vào tham quan mua sản phẩm như các trang trại dâu tây dọc theo tuyến Quốc lộ 27C, đường nối Đà Lạt - Nha Trang. Cùng đó là các chuyến du lịch cộng đồng do các côngty du lịch lữ hành điều hành, đưa du khách đến tìm hiểu văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp với khám phá thiên nhiên tươi đẹp của vùng đất này.
 
Để du lịch thành ngành kinh tế động lực
 
Nhiều giải pháp đã được Lạc Dương đưa ra trong những năm gần đây. Đó là việc đầu tư mạnh vào hạ tầng, vào hệ thống giao thông nối kết các điểm du lịch với nhau. Tuyến đường trọng yếu DT 723 nối Đà Lạt - Khánh Hòa cắt qua các xã Đạ Sar, Đạ Chair, Đa Nhim nay đã được nâng lên thành Quốc lộ 27 C; đường Lang Biang đã hoàn thành giai đoạn 1 và sắp hoàn tất giai đoạn 2; đường Bidoup từ trung tâm thị trấn Lạc Dương nối với đường tỉnh 719 đang được hoàn thiện; đường tỉnh 722 cũng đã hoàn tất đoạn Đà Lạt - Đưng K’nớ gần đây; nhiều tuyến nội thị tại thị trấn Lạc Dương được đầu tư… Cùng đó, hầu hết các khu du lịch đang hoạt động trên địa bàn huyện đến nay đều có dịch vụ lưu trú (trên 80 phòng); 70% nhân lực làm trong ngành du lịch của huyện đều đã qua đào tạo; công tác quảng bá xúc tiến du lịch cũng được huyện chú ý. 
 
Tuy nhiên, như ngành chức năng huyện đánh giá, sự phát triển du lịch trên địa bàn vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế đang có; sản phẩm du lịch chưa phong phú, hệ thống lưu trú chưa đáp ứng nhu cầu; dịch vụ hỗ trợ còn đơn điệu; việc thu hút và triển khai đầu tư các dự án về du lịch còn khó khăn, chưa hiệu quả, nhiều dự án chậm, kéo dài, để rừng bị xâm hại.
 
Chính vì vậy, trong Nghị quyết về phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2017- 2020 của Huyện ủy Lạc Dương được ban hành trong tháng 4/2017 vừa qua, huyện xác định tiếp tục gắn kết với thương hiệu Đà Lạt để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
Mục tiêu của huyện là xây dựng Lạc Dương thành một điểm đến hấp dẫn với nhiều loại hình và sản phẩm du lịch độc đáo, từ du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng đến du lịch văn hóa, du lịch thể thao…; không chỉ ở các điểm du lịch quen thuộc mà còn đánh thức những thắng cảnh, điểm du lịch mới trên địa bàn lâu nay chưa đưa vào khai thác như thác 9 tầng, thác Liêng Su - xã Đưng K’Nớ, thác 7 tầng ở xã Đạ Sar, thác Liêng Tur - xã Đạ Chair… 
 
Trọng tâm của huyện là phát huy được lợi thế thiên nhiên và nét văn hóa độc đáo cộng đồng các tộc người nơi đây. 
 
Chỉ tiêu cụ thể của Lạc Dương giai đoạn 2017 - 2020 phấn đấu thu hút hơn 7,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 450 nghìn lượt, tổng doanh thu đạt trên 620 tỷ đồng; lượt khách du lịch tăng bình quân từ 10 - 12%/năm, doanh thu tăng từ 16%/năm trở lên; phát triển mới từ 3-5 cơ sở lưu trú với khoảng 50 phòng đạt tiêu chuẩn xếp hạng. 
 
Đến 2020, huyện đưa ra chỉ tiêu đón từ 1,8 -2 triệu lượt khách, nâng tỷ lệ khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt khoảng 163,2 tỷ đồng; thu hút khoảng 1.000 lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch, trong đó 70% qua đào tạo; có 10 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 170 phòng; xây dựng và phát triển từ 1-2 mô hình du lịch dựa vào cộng đồng.
 
Trong định hướng của mình, Lạc Dương sẽ phát triển thị trấn Lạc Dương thành trung tâm du lịch văn hóa dân tộc bản địa và trung tâm du lịch nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng 2 mô hình du lịch dựa vào cộng đồng tại thôn Đưng K’Si - Đạ Chais và tại khu dân cư mới xã Đa Nhim; củng cố hoạt động của các đội nhóm cồng chiêng trở thành sản phẩm đặc thù của địa phương; hỗ trợ phục dựng một số lễ hội dân gian truyền thống cùng môn thể thao đua ngựa không yên tổ chức vào các dịp lễ, tết hằng năm để thu hút du khách. Trước mắt, huyện đang kiến nghị thu hồi các dự án du lịch dây dưa không triển khai để ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư khác có đủ năng lực.
 
GIA KHÁNH