Cần tạo bước đột phá phát triển du lịch canh nông chuyên nghiệp

09:06, 01/06/2017

Cùng với các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu như rau Đà Lạt, hoa Đà Lạt, trà B'Lao…, du lịch canh nông đã trở thành sản phẩm cạnh tranh, có lợi thế, tạo thành thương hiệu. Sau hơn một năm triển khai đề án thí điểm, đã hình thành nhiều tuyến - điểm DLCN...

Cùng với các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu như rau Đà Lạt, hoa Đà Lạt, trà B’Lao…, du lịch canh nông (DLCN) đã trở thành sản phẩm cạnh tranh, có lợi thế, tạo thành thương hiệu. Sau hơn một năm triển khai đề án thí điểm, đã hình thành nhiều tuyến - điểm DLCN. Để loại hình này mang tính chuyên nghiệp, ngành Du lịch đã soạn thảo tiêu chí về tuyến và điểm dừng DLCN, nhưng dường như DLCN vẫn cần nhiều yếu tố tác động hơn nữa để phát triển bền vững…
 
Làm lan tỏa tình yêu cây cỏ khi đi du lịch canh nông. Ảnh: N.Quân
Làm lan tỏa tình yêu cây cỏ khi đi du lịch canh nông. Ảnh: N.Quân
Làm du lịch trên vườn sản xuất
 
Lâm Đồng có hàng chục điểm đến DLCN với rất nhiều loại cây trồng, vật nuôi ở các vùng cà phê - chè chất lượng cao, vùng rau, hoa công nghệ cao, vùng chăn nuôi bò sữa, vùng sản xuất cây dược liệu... Mục tiêu của người nông dân là bán sản phẩm. Vì vậy, các nhà vườn đều tận dụng diện tích để trồng cây, nên chỉ còn lối đi nhỏ cho khách... Nhiều vườn rau, hoa chỉ có một loại sản phẩm, như mô hình cẩm tú cầu, hoa hướng dương, vườn hoa cải... với giá vào vườn chỉ 10-15 ngàn đ/người, nhưng đủ để hút hồn du khách với diện tích rộng mênh mông chỉ một sắc màu.
 
Từ tháng 12/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định phê duyệt thí điểm một số mô hình để phát triển loại hình DLCN trên địa bàn tỉnh và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Triển khai thí điểm mô hình DLCN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ấn tượng nhất là Làng Du lịch nông nghiệp Xuân Hương ở khu phố Hồ Xuân Hương. Ban đầu, Làng Du lịch nông nghiệp Xuân Hương có 14 hộ tham gia, nhưng thực sự chỉ có vài hộ đón được khách du lịch. Trong đó, chỉ có Trang trại Ysaochid xây dựng khu vực trải nghiệm để du khách được tự trồng cây vào chậu, được hướng dẫn chăm sóc cây và xem các hình ảnh, quy trình từ khi hình thành trang trại đến ngày hôm nay… Điểm nhấn của tour DLCN ở Làng Du lịch nông nghiệp Xuân Hương chính là những trái bí ngô khổng lồ ở vườn nhà ông Lê Hữu Phan. Nhưng thực chất, đa số các vườn rau, hoa trái ở đây chỉ cho khách vào chụp hình, với lượng khách đông nhất vào mùa cây trái đẹp nhất là khoảng 2-3 tháng sau tết - khi vào mùa mưa, lượng khách hạn chế dần… 
 
Huyện nông thôn mới Đơn Dương có 90% người dân làm nông nghiệp, là vựa rau lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với nhiều mô hình quy mô. Thực tế, Đơn Dương được biết đến nhờ dân “phượt” khám phá từ những mảng màu hoa dã quỳ, những vườn hoa cải... Nhưng, khi rộ lên hoạt động DLCN, không chỉ ở Đà Lạt, Đơn Dương, khắp tỉnh Lâm Đồng nổi lên nhiều điểm đến DLCN, như mô hình DLCN ở các công ty, trang trại lớn như Dalat Milk, Vinamilk Organic, Long Đỉnh...; rất nhiều vườn dâu, rau thủy canh...; thậm chí là các vườn rau quá lứa, mất mùa... Có những trang trại kết hợp cả dịch vụ cà phê gắn với các sản phẩm trong vườn, như quán cà phê Green Box ở Công ty TNHH trang trại Lang Biang, trong đó, có khu vực tham quan sản xuất, khu trưng bày nông cụ... và đặc biệt là thực đơn thức uống từ các nguyên liệu rau hoa với các công dụng làm đẹp và tăng cường sức khỏe…
 
Hướng đến tính chuyên nghiệp
 
Du lịch dịch vụ tại Đà Lạt chiếm tỷ trọng 65%, với lượng khách mỗi năm mấy triệu lượt và điểm đến DLCN đã xuất hiện trong lịch trình của tất cả các tour du lịch. Khi tỉnh ký quyết định xây dựng mô hình DLCN, các nhà vườn ở Làng Du lịch nông nghiệp Xuân Hương đã chủ động vẽ bảng hiệu, cải tạo đường đi, mạnh dạn đầu tư… Nhưng, đây là mô hình mới, sau một năm triển khai, chỉ còn vài nhà vườn tiếp tục hoạt động sản xuất kết hợp cho du khách tham quan là vườn dâu Thanh Trung, vườn rau xà lách nhà ông Quang, vườn cây lạ nhà ông Phan và vườn lan - xương rồng - sen đá Ysa Orchid...
 
DLCN là để trải nghiệm đời sống của người trồng rau - hoa, trồng cây ăn trái, trồng cây công nghiệp… và hiểu được những khó khăn, vất vả của họ để tạo ra một vườn cây đẹp. Nhưng, các sản phẩm nông nghiệp, các điểm đến mới của DLCN đều chưa tạo dựng được hình ảnh của mình để giới thiệu đến du khách, đến các công ty lữ hành; thiếu sự kết hợp giữa doanh nghiệp du lịch và nhà vườn. Nhiều nhà vườn ôm đồm nhiều “món” dẫn đến thiếu sự sâu sắc và quy mô; thiếu công đoạn hướng dẫn về kỹ thuật trồng cây và phương pháp chế biến... nên thiếu sức hấp dẫn riêng cho du lịch. 
 
Sở VH-TT&DL Lâm Đồng đang xây dựng các tiêu chí DLCN cho một tuyến và một điểm đến, với mong muốn đây là cơ sở pháp lý và bản lề để các nhà vườn có một quy chuẩn xây dựng mô hình điểm đến tại nhà mình hoặc liên kết tạo thành tuyến DLCN chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các nhà vườn đều cảm thấy rất khó để hoàn thiện một quy mô điểm đến DLCN, do chưa tạo được sự hài hòa giữa lợi ích của du khách và nhà nông, chưa có nguồn nhân lực vừa có kỹ năng của người làm du lịch vừa có kỹ thuật nhà nông, chưa có sự liên kết giữa công ty du lịch và nhà vườn, chưa có đủ sự hỗ trợ từ chính quyền về cơ sở hạ tầng, bãi đậu xe và nhiều cơ chế khác…
 
Bản chất của DLCN là mối giao hòa về mặt văn hóa, con người giữa các vùng, miền thông qua việc tham quan và trải nghiệm, nhằm hưởng thụ các sản vật địa phương... Nhưng, một điều quan trọng hơn, người chủ vườn phải làm được khi xây dựng DLCN, khi xây dựng thương hiệu cho DLCN là lan tỏa tình yêu với đất, đam mê với cây rau - cây hoa và trên hết là tình yêu đối với nền văn hóa nông nghiệp vốn là truyền thống của người Việt Nam. Do đó, người nông dân làm DLCN cần có kiến thức về kỹ năng cứng (canh tác nông nghiệp), kỹ năng mềm (giao tiếp, ngoại ngữ…), đồng thời có ý thức và trách nhiệm của người tham gia hoạt động DLCN…
 
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh
 
Đối với các nước trên thế giới, tùy trình độ canh tác mà có các loại hình DLCN khác nhau, nhưng đều lấy giá trị lịch sử văn hóa làm nền tảng và khai thác giá trị của di sản thiên nhiên, để tôn tạo trên cơ sở nền tảng khoa học kỹ thuật của mỗi quốc gia và phát triển đồng bộ về cơ chế - chính sách về du lịch, hạ tầng du lịch, chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ, nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là du khách đến ngày một đông hơn, nhưng vẫn bảo đảm được sự hài lòng của du khách, trong đó, những sản phẩm luôn luôn mới. DLCN cũng tạo nên cơ hội giao lưu văn hóa giữa đô thị và nông thôn, tạo cho du khách có cơ hội thưởng thức ngay những sản phẩm nông nghiệp và giữ được thời gian lưu trú của du khách từ 3-6 ngày; đồng thời thu hút học sinh - sinh viên và giới nghiên cứu; không khí vùng sản xuất và sản phẩm nông nghiệp sạch tạo nên tâm trạng thư thái, cải thiện sức khỏe cho du khách.
 
Ông Phan Thanh Sang - Giám đốc Công ty Ysa Orchid
 
Hiệu quả của nhà vườn khi tham gia hoạt động DLCN là quảng bá được thương hiệu của mình. Mặc dù hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của trang trại vẫn diễn ra bình thường, nhưng thông qua hoạt động du lịch, du khách trải nghiệm được quy mô của trang trại, biết được sản phẩm do mình làm ra, mua và quảng bá cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, cần có các diễn đàn để tạo ra các sân chơi cho doanh nghiệp du lịch lữ hành tiếp cận với các nhà vườn. Khi họ có đầy đủ thông tin, thì các kế hoạch đưa khách đến và đón tiếp khách tại nhà vườn mang tính chủ động hơn, có ý tưởng cho việc xây dựng và quảng bá các sản phẩm của họ và chắc chắn sẽ tạo nên sự hợp tác bền vững trong phát triển DLCN.
 
Ông Trần Huy Đường - Giám đốc Công ty TNHH trang trại Lang Biang
 
Nông nghiệp mà không kết hợp với du lịch là một điểm thiếu sót. Ngành Du lịch đang xây dựng bộ tiêu chí khá cụ thể. Nhưng các hộ dân đang làm DLCN đang rất manh nha, tự phát, ôm đồm. Việc các tour tuyến DLCN gần các điểm du lịch khác là lợi thế trời cho, các điểm DLCN không bán vé vào cửa cũng nên khuyến khích vì họ không bán vé nhưng bán được sản phẩm… Cần hỗ trợ các vấn đề về thủ tục hành chính, vốn, đào tạo; đặc biệt là vấn đề giao thông - đó chính là bãi đậu xe...
 
TIỂU VÂN (ghi) 
 
NHẬT QUÂN