Góc Trịnh trong Chiều Huế

09:06, 15/06/2017

Quán nhỏ, nhạc cũng nhỏ, nên khách ngồi đây mặc định cứ phải nói chuyện nhỏ nhẹ, như là thủ thỉ, như là tâm tình. Những chiều chênh chếch nắng, ngồi bên hiên ngắm lầu Tứ Phương Vô Sự, nghe Khánh Ly da diết "Em đứng lên gọi mưa vào hạ...", nhấp ngụm cà phê đắng mới thấy hết cái hay, cái tình của xứ Cố đô.

Quán nhỏ, nhạc cũng nhỏ, nên khách ngồi đây mặc định cứ phải nói chuyện nhỏ nhẹ, như là thủ thỉ, như là tâm tình. Những chiều chênh chếch nắng, ngồi bên hiên ngắm lầu Tứ Phương Vô Sự, nghe Khánh Ly da diết “Em đứng lên gọi mưa vào hạ...”, nhấp ngụm cà phê đắng mới thấy hết cái hay, cái tình của xứ Cố đô.
 
Ngồi Chiều, nghe nhạc Trịnh và nhâm nhi cà phê đắng, mới thấy hết cái tình của Huế. Ảnh: Internet
Ngồi Chiều, nghe nhạc Trịnh và nhâm nhi cà phê đắng, mới thấy hết cái tình của Huế.
Ảnh: Internet
Quán tên Chiều. Cái tên đơn giản, nhẹ tênh.
 
Chiều có tuổi đời gần 30 năm. Quán nhỏ bé, giản dị, đơn sơ và thường mở nhạc Trịnh, hoặc nhạc tiền chiến.
 
Nhiều người bảo: “Chiều” là nốt nhạc tĩnh lặng nhất ở thành phố Huế vốn trầm mặc, suy tư”. Nên không chỉ là quán cà phê, đây còn là chốn thân quen, gợi nét cũ kỹ nhưng không hề xa xôi với nhiều người. Đà Lạt và Huế giống nhau ở chỗ đó - đều dành một tình cảm đặc biệt với âm nhạc của Trịnh Công Sơn, và cùng có những không gian đặc biệt để người yêu nhạc Trịnh tìm đến.
 
Không mấy ai lần đầu đến biết quán tên gì. Bởi quán không hề treo bất cứ một bảng tên biển nào. Nhưng nhắc đến Chiều, thì hầu như ai là người Huế, hoặc đã ít nhất một lần đến Huế, cũng biết. Chiều nằm ngay góc giao nhau giữa hai con phố Đặng Thái Thân và Phùng Hưng. Nên những người lần đầu tìm đến phải chạy xe chầm chậm mới có thể nhận ra cái dáng vẻ thâm thấp có phần lụp xụp cùng với gam màu nâu tối của quán.
 
Ở Chiều, mọi thứ đều gợi lên nét xưa cũ, như thể mọi thứ đều được nhuộm màu thời gian. Ngay cả ông cụ thân sinh của chủ quán, năm nay đã 96 tuổi, vẫn còn rất minh mẫn pha cafe, tính tiền, order của khách. Chậm rãi nhưng khách chẳng ai thấy phiền lòng. Ấm áp và quen thuộc. Trước hiên Chiều là mấy bộ bàn ghế gỗ nhỏ xinh, đặt dưới cây bàng dầy lá, nắng phải vất vả lắm mới xòa được đến chỗ khách ngồi. Khách thích ban ngày ngồi đó ngắm xe qua lại, ban đêm ngắm lầu Tứ Phương Vô Sự lên đèn, mơ hồ dưới ánh trăng.
 
Phía trong lại mang đến cảm xúc khác. Không có điều hòa, không ghế nệm sofa hay trang trí cầu kỳ, chỉ là những bức tường gạch và nền xi măng một mạc. Những giá nến treo nghiêng bên khung cửa, ảnh cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được treo trang trọng một góc riêng, chiếc bàn, lọ hoa ở Chiều cũng đều toát lên vẻ bình dị như thế. 
 
Ấn tượng nhất mỗi lần đến Chiều, vẫn là những bình hoa khô. Là hoa hồng, hoa sen, là salem, hoa cúc,... Đến nỗi, lần nào đến cũng bắt gặp nên có lần phải thốt lên: “Không biết người ta cắm hoa tươi vào lúc nào để còn lựa ngày mà đến”. Hoa khô, đẹp thì đẹp thật, nhưng tạo cảm giác xưa cũ, và trầm buồn như một điều gì đó đã xa xưa. Đây có lẽ cũng là điều chủ quán muốn tạo nên cho Chiều. Tối đến, những giá nến treo nghiêng bên khung cửa cùng với đèn vàng được thắp lên, cho Chiều vẻ đẹp mộng mộng, mơ mơ - một chất riêng chẳng dễ tìm thấy ở nơi nào khác.
 
Ngày nắng trong. Ngồi Chiều và nghe anh Phát chủ quán kể về cuộc đời và kể về Chiều, mới thấy người đàn ông Huế này sao thương quá đỗi. Chiều có một cuộc đời thăng trầm, khi được “sinh ra” vào những năm đầu 1990 - khi nhạc Trịnh, nhạc tiền chiến bị nhạc Pop Việt lấn át. Người trẻ không ủng hộ, khách hàng hiếm hoi, nên cũng có lúc anh Phát nản chí, có lúc không mấy ngó ngàng đến Chiều do gánh nặng cơm áo. Nhưng anh không bỏ Chiều. Và giờ là gần 30 năm, mối tình với âm nhạc đã sinh ra Chiều và tình yêu dai dẳng ấy vẫn không hề phai nhạt.
 
Khách đến Chiều không đông. Mà có đông thì cũng không ồn ào. Nên ngồi ở đây, có khi còn nghe được tiếng lá bàng rơi sau một cơn gió xao xác. Chính vì cái nét riêng quá đỗi đặc biệt mà một thời Chiều rất kén khách. Bây giờ thì tìm đến Chiều không chỉ có người lớn tuổi. Bởi người trẻ tìm đến đây ngày càng nhiều. Một số người đến vì hiếu kỳ, một số đến vì thói quen, một số nữa vì sở thích ngồi giữa không gian u tịch và trầm tư của Chiều. Và cũng không ít người, cứ mỗi lần về Huế là phải ngồi đó cho bằng được. Thế nên dịp Tết, Chiều hay đóng cửa. Nhiều người chạy xe tới về mấy lần mà cứ ngẩn ngơ.
 
VIỆT QUỲNH