Văn hóa - văn minh du lịch

09:06, 29/06/2017

Mùa du lịch đang vào dịp cao điểm khi mùa hè bắt đầu. Cùng với lượng khách đến Đà Lạt tăng cao, những câu chuyện giữa du khách và chất lượng dịch vụ vẫn là "câu chuyện muôn thuở" của ngành du lịch...

Mùa du lịch đang vào dịp cao điểm khi mùa hè bắt đầu. Cùng với lượng khách đến Đà Lạt tăng cao, những câu chuyện giữa du khách và chất lượng dịch vụ vẫn là “câu chuyện muôn thuở” của ngành du lịch. Môi trường du lịch an toàn, thân thiện luôn là điều mà ngành Du lịch Lâm Đồng nỗ lực xây dựng, tuy nhiên vẫn có những sự việc đáng tiếc cần chấn chỉnh để hình ảnh du lịch Đà Lạt đẹp hơn trong lòng du khách.
 
Môi trường du lịch an toàn thân thiện là tiêu chí hàng đầu mà Lâm Đồng luôn hướng đến. Ảnh: D.T
Môi trường du lịch an toàn thân thiện là tiêu chí hàng đầu mà Lâm Đồng luôn hướng đến. Ảnh: D.T
Thời gian gần đây, mạng xã hội và một số phương tiện truyền thông liên tục phản ánh những vụ việc tại Đà Lạt: “Chặt chém” giá cả du khách, hành hung du khách, nạn “cò mồi”... gây nhiều luồng ý kiến khác nhau về du lịch, văn hóa du lịch và câu chuyện ứng xử giữa du khách với người làm dịch vụ du lịch cần phải được nhìn nhận để chấn chỉnh trong mùa du lịch đang vào dịp cao điểm. 
 
Ông Ngô Anh Tuấn - Công ty Du lịch Đà Lạt Discovery 
 
Theo tôi, việc có những hành động phản cảm chỉ là số ít rất nhỏ, tuy nhiên chúng ta cần có trách nhiệm phải ngăn chặn những hành vi này. Thực tế, mọi người đang có sự phân tách giữa văn hóa ứng xử trong cuộc sống và văn hóa ứng xử trong du lịch, theo tôi, nên nhìn nhận chung là văn hóa ứng xử. Đó là ứng xử giữa con người và con người, giữa con người và thiên nhiên, với điểm đến. Những người làm du lịch hơn ai hết cần ý thức vai trò của chính mình trong việc giữ gìn hình ảnh môi trường du lịch.
 
 
Ông Cao Thế Anh - Công ty TNHH Du lịch Song Châu Đà Lạt
 
Những sự việc vừa qua dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng ngành du lịch cũng cần thẳng thắn nhìn nhận và rút kinh nghiệm sâu sắc. Các vấn nạn du lịch chỉ có thể dẹp bỏ khi toàn xã hội cùng chung tay, từ người dân, người làm du lịch cho đến du khách.
 
 
Ông Nguyễn Thanh Duy - Du khách từ tỉnh An Giang
 
Tôi rất thường xuyên đi Đà Lạt, và thích môi trường du lịch nơi đây, rất nhẹ nhàng và tạo sự thoải mái cho du khách đến nghỉ dưỡng, du lịch. Trước những vụ việc gần đây tôi cũng thiết nghĩ chính những người đến Đà Lạt như tôi cũng cần là những du khách văn minh, những người tiêu dùng thông minh để tránh rơi vào các sự việc đáng tiếc như vừa qua. Cũng rất mong Đà Lạt luôn giữ vững hình ảnh đẹp trong lòng du khách trong và ngoài nước, như thương hiệu nơi này vốn đã xây dựng xưa nay.

Chuyện chặt chém du khách luôn là câu chuyện dài của ngành du lịch, thỉnh thoảng lại bùng lên trên công luận nhân vụ việc nào đó rồi tạm thời chìm xuống nhưng chưa biết đến bao giờ mới thực sự có hồi kết. Từ những câu chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng của ngành du lịch, hình ảnh của Đà Lạt và môi trường du lịch mà thành phố xây dựng điểm đến “thân thiện, mến khách”. Một ví dụ điển hình là mới đây, chuyện “ăn 2 tô miến, một dĩa gà giá 700.000 đồng” tại chợ Đà Lạt vào cuối tháng 5 đã dấy lên trong dư luận nhiều ý kiến khác nhau. Có người thì lên án người bán “chặt chém” du khách quá tay, có ý kiến lại cho rằng du khách cũng thiếu kinh nghiệm khi không hỏi kỹ giá trước khi ăn và “nói quá” sự việc từ sự tức giận cá nhân. Cuối cùng thì sự tử tế giữa người với người, giữa người làm dịch vụ và du khách trong xã hội là câu chuyện đáng suy ngẫm.

 
Là một người làm trong ngành du lịch, anh Phạm Tuấn Anh (Đà Lạt) chia sẻ: Những câu chuyện đáng tiếc khi du khách phản ánh luôn là bài học và đặt ra nhiều vấn đề cho những người trực tiếp làm dịch vụ trong ngành du lịch như chúng tôi. Nhìn nhận thẳng thắn sự việc từ gốc đến ngọn là điều cần làm, đã thấy được nguyên nhân thì phải tìm cách khắc phục và cùng nhau loại trừ những điều tiêu cực. Là một công dân Đà Lạt bản thân tôi cũng thấy buồn vì hình ảnh Đà Lạt bị “mất điểm”. Tôi cho rằng câu chuyện về “văn hóa ứng xử du lịch” luôn là câu chuyện bên cạnh tất cả mọi người, điều quan trọng vẫn chính là văn hóa ứng xử giữa con người với nhau, mọi sự việc sẽ trở nên nhẹ nhàng và hậu quả thấp nhất nếu mọi người cư xử “tử tế” với nhau trong mọi điều. 
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Tôn Thiện San - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho hay: Ngay khi các vụ việc xảy ra được du khách phản ánh, tỉnh và thành phố cũng đã lập tức đề nghị các ngành liên quan làm rõ vụ việc và kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch tại các địa bàn trọng điểm về du lịch của Đà Lạt như Phường 1, Phường 2, Phường 8… Những trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm và chấn chỉnh kịp thời, rút kinh nghiệm sâu sắc. Tuy nhiên, để Đà Lạt luôn có hình ảnh đẹp, môi trường du lịch thân thiện thì cần sự vào cuộc của cả xã hội, cùng với sự chặt chẽ cũng như ý thức của mỗi người dân, của những người làm du lịch và cả du khách quyết định mọi vấn đề. Ngay khi vào mùa cao điểm hè này, thành phố cũng thắt chặt tối đa trong việc quản lý, xử lý nghiêm các vấn nạn này. Đồng thời, TP Đà Lạt cũng đã phát động ngành du lịch thành phố, các cơ quan, ban, ngành cùng người dân trên địa bàn tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng Đà Lạt trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn cho khách du lịch.
 
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cũng cho biết: Văn hóa, văn minh du lịch là một trong những ưu tiên hàng đầu để xây dựng và duy trì môi trường du lịch an toàn thân thiện và bền vững. Ngày 2/3/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch áp dụng trên phạm vi cả nước, Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch không chỉ dành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch mà còn áp dụng cho du khách và cộng đồng dân cư. Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch bao gồm những quy định mang tính chuẩn mực chung nhằm hướng dẫn, định hướng hành vi, thái độ, thói quen và cách ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia vào các hoạt động du lịch, đưa hình ảnh du lịch Việt Nam hướng tới sự chuyên nghiệp, uy tín, văn minh, thân thiện, mến khách.
 
Tại Lâm Đồng, trước các vụ việc gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Đà Lạt, vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã có văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động du lịch trên địa bàn, xử lý triệt để các tệ nạn trong môi trường kinh doanh dịch vụ du lịch. Trong đó, Công an tỉnh chủ động nắm bắt thông tin, tình hình để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách; và xử lý triệt để các tệ nạn, hành vi vi phạm. Đồng thời, Sở Y tế, Sở Công thương, UBND các huyện, thành phố cũng tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là nạn “cò du lịch” tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, mua sắm đặc sản phục vụ du khách, cơ sở lưu trú dạng “homestay”, nhà vườn du lịch nông nghiệp... trong mùa du lịch hè 2017.
 
Có thể nói, bên cạnh những biện pháp có hiệu quả về quản lý nhà nước nhằm phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán không lành mạnh, nạn “cò mồi”, câu chuyện văn hóa du lịch sẽ chỉ thực sự có hồi kết khi nhìn nhận thẳng thắn đến tận nguyên nhân gốc rễ của các tệ nạn và tìm cách xóa bỏ: đó là sự tử tế trong quan hệ giữa người với người, là cách hành xử văn hóa, văn minh giữa du khách và người làm dịch vụ du lịch, là cách phản ứng và nhìn nhận vấn đề đúng đắn của cộng đồng khi xảy ra sự việc. Có như vậy, môi trường du lịch mới an toàn, thân thiện mới bền vững.
 
Số điện thoại nóng tiếp nhận phản ánh về dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng:
 
1. Trong giờ hành chính:
 
- 063.3829697 (Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Lâm Đồng).
- 063.3822342 (Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Đà Lạt).
- 063.3864022 (Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Bảo Lộc).
- 063.3843136 (Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đức Trọng).
 
2. Số điện thoại nóng cá nhân phụ trách:
 
- Bà Nguyễn Thị Nguyên - Giám đốc Sở 063.3827892, 0909.100881;
- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở 063.3827891, 0918.675592;
- Ông Trần Mạnh Linh - Chánh Văn phòng 063.3822263, 0918.753311;
- Ông Hoàng Ngọc Huy - Trưởng Phòng Quản lý Du lịch 063.3824377, 0918.564014.

 

DIỄM THƯƠNG