Xích lô phố Hội

09:06, 01/06/2017

Sở dĩ những người làm nghề đạp xích lô được du khách yêu mến đặt cho biệt hiệu "đại sứ" du lịch của Hội An, bởi chính họ là người góp phần giữ gìn văn hóa phố Hội.

Sở dĩ những người làm nghề đạp xích lô được du khách yêu mến đặt cho biệt hiệu “đại sứ” du lịch của Hội An, bởi chính họ là người góp phần giữ gìn văn hóa phố Hội.
 
Xích lô phố Hội. Ảnh: N.N
Xích lô phố Hội. Ảnh: N.N
Những “đại sứ” du lịch của Hội An
 
Từ khi thành phố thực hiện chủ trương phố cổ không có tiếng động cơ xe máy vào những thời gian nhất định, xích lô đã trở thành phương tiện chủ yếu để đưa đón du khách. Những người chạy xích lô ở phố Hội nói rằng: Màu xanh yên bình trên đồng phục của người lái xích lô thể hiện Hội An xanh, sạch, đẹp và an toàn.
 
Theo chân cô bạn sinh ra và lớn lên ở phố Hội, tôi tìm gặp ông Nguyễn Tư, người đã gắn bó với nghề xích lô hơn 19 năm nay, nói “nghề đạp xích lô vừa là phương tiện mưu sinh cho cuộc sống hằng ngày, vừa góp phần quảng bá văn hóa, con người Hội An nồng hậu, mến khách đến với bạn bè trong và ngoài nước”. 
 
Câu chuyện trong phút nghỉ ngơi của ông Tư dưới bóng cây bên bờ sông Hoài đã cho chúng tôi biết: Ông nội ông Tư cũng là người đạp xích lô từ thời Pháp, đến ông là đời thứ 3 kế tục nghề truyền thống gia đình. Và giờ đây, con ông Tư đã là thế hệ thứ 4 kế cận nghề cha ông. Với ông Tư “Nghề này tuy vất vả, cực nhọc nhưng được cái vui, mỗi ngày được tiếp xúc với du khách, đồng hành cùng họ trên khắp nẻo đường để tìm hiểu về cuộc sống, con người Hội An. Giới thiệu tận tình cho du khách hiểu về quê hương mình và nhìn thấy nụ cười hài lòng cũng như tình yêu của họ với Hội An sau mỗi chuyến đi tôi như quên hết mệt mỏi”.
 
Không chỉ có ông Tư, trong nghề xích lô nơi này còn có nhiều gia đình có từ 2 đến 4 thế hệ truyền nối nhau. Họ là kho tư liệu sống cho những ai muốn tìm hiểu và khám phá về đô thị cổ Hội An.
 
Trong quá trình lao động, dù công việc có phần nặng nhọc nhưng những người lái xích lô luôn cẩn trọng, chỉn chu từ phương tiện, trang phục đến tác phong làm việc. Họ luôn sẵn sàng trao đổi và hướng dẫn du khách về các thông tin địa lý, ý nghĩa các công trình kiến trúc và đời sống của người dân địa phương mà không quan tâm tới việc khách có nhu cầu đi xích lô hay không. 
 
Ông Huỳnh Thành, một “lão làng” trong nghề này chia sẻ: “Trong văn hóa xích lô phố Hội thì lịch sự, thân thiện, trung thực là những đức tính rất cần thiết. Sự hài lòng của khách là niềm vui của anh em chúng tôi”.
 
Lần đầu ghé chơi phố Hội, những nếp nhà xưa, những hàng cây xõa bóng bên dòng sông Hoài thơ mộng, những biển hiệu bằng gỗ, những đèn lồng thấp thoáng bên những mảng tường vàng đặc trưng chỉ có ở Hội An làm cho người khách trẻ như tôi ngây ngất, mơ màng. Hội An quyến rũ đến mức tôi đắm chìm mà quên đồ trên xích lô, để rồi người lái xích lô phải vòng xe gửi lại rồi rời đi trong nụ cười giữa nắng mai nơi phố Hội.
 
Xích lô - thương hiệu ở phố Hội
 
Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, Nghiệp đoàn xích lô Hội An thành lập từ năm 2000 do Liên đoàn Lao động phối hợp Phòng quản lý đô thị TP Hội An quản lý. Nghiệp đoàn được thành lập trên cơ sở Đội xích lô Hội An với 50 người lái, đến nay đã quy tụ được 102 người với 102 chiếc xích lô có gắn biển số xe. Lý giải về điều này, ông Phan Phước Tùng (Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô Hội An) cho biết: “Việc gắn biển số xe vừa dễ quản lý anh em làm việc theo phiên, vừa tạo điều kiện cho du khách đi theo tour, tránh tình trạng khách thất lạc đồ đạc. Hoạt động của người lái ở đây được chia thành 4 tổ với 5 bến đậu đỗ chính và các bến phụ trong khu phố cổ từ 6h sáng đến 17h, buổi tối thường đến 22h. Mỗi tổ cử một người trực tiếp quản lý, điều hành các thành viên trong tổ. 
 
Với các quy chế hoạt động rõ ràng, trách nhiệm cụ thể như người lái phải mặc đồng phục khi hành nghề, làm việc theo phiên, theo chuyến, không giành giật, chèo kéo khách, không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia,… khi hành nghề. Nếu vi phạm sẽ bị phạt “treo phiên” không cho hoạt động từ 3 đến 10 ngày. Nhưng điều đáng nói là nhiều năm qua anh em trong Nghiệp đoàn rất ít trường hợp vi phạm nội quy. Họ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách khi đến Hội An”. 
 
Hầu hết người đạp xích lô đều sử dụng thông thạo ngoại ngữ giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh, Pháp. Ngoài công việc chính là đạp xích lô, họ còn là lực lượng xung kích, làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong khu phố cổ, tham gia bắt trộm cắp. Khi di chuyển tất cả đều phải đi hàng dọc, 5 xe cách nhau một khoảng để đảm bảo an toàn, trật tự đường phố. 
 
Xây dựng thương hiệu cho Nghiệp đoàn cũng là việc hình thành ý thức văn hóa và cách ứng xử với di sản văn hóa của từng cá nhân trong Nghiệp đoàn. Dù cuộc sống bộn bề khó khăn, nhưng hằng tháng anh em trong Nghiệp đoàn vẫn tham gia thường xuyên các hoạt động xã hội, đóng góp xây dựng quỹ khuyến học. 
 
Gần 15 năm đạp xích lô, ông Tùng cho biết những người đạp xích lô đã có nhiều hành động, nghĩa cử cao đẹp. Mỗi chiếc xích lô đều có số xe, số áo nên khi khách lên xe đều nhớ, mỗi tuần 3-4 lần khách báo về tư trang để quên, anh em đều tận lực liên hệ, tìm kiếm trả lại cho khách. Giá đi xe cũng được quy định rõ ràng, không báo cao hơn, làm giá với khách. Đây cũng chính là điều đặc trưng trong xây dựng xích lô văn hóa Hội An.
 
Được biết, mỗi chiếc xích lô đều có số điện thoại đường dây nóng phản ánh ý kiến đóng góp của du khách. Mọi vấn đề đều được tiếp thu và xử lý kịp thời.
 
Hiện nay, Ban chấp hành và cán bộ của Nghiệp đoàn xích lô Hội An đang tiếp tục giữ vững nền nếp sinh hoạt, thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quy chế, quy ước của đoàn viên nhằm xây dựng hình ảnh đẹp về những người đạp xích lô - thương hiệu ở phố Hội.
 
N. NGÀ - N. LINH