Về thăm đất mũi Cà Mau

09:07, 20/07/2017

Tuổi 13, nhìn lên bản đồ Tổ quốc thấy ghi tên những địa danh các tỉnh, thành suốt từ Bắc vào Nam, đầu óc non nớt lúc ấy cũng biết ước mơ được đi đến các vùng miền của đất nước...

Tuổi 13, nhìn lên bản đồ Tổ quốc thấy ghi tên những địa danh các tỉnh, thành suốt từ Bắc vào Nam, đầu óc non nớt lúc ấy cũng biết ước mơ được đi đến các vùng miền của đất nước. Cho đến bây giờ, sắp vào tuổi “Thất thập cổ lai hy”, tôi vẫn nhớ bài học thuộc lòng hồi lớp 3:
 
“Học đi em
Học đi mà nhớ mãi
Quê hương ta một dải
Từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái
Quê hương ta đồng ruộng phì nhiêu, đủ bốn mùa hoa trái…”.
 
Và cũng đến bây giờ, gần đến chân dốc cuộc đời, tôi mới được đặt chân đến điểm cuối cùng, cột mốc cuối cùng thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cực Nam Tổ quốc.
 
Phần đất cuối cùng đất mũi Cà Mau được nhà văn Nguyễn Tuân ví “như ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” đã để tôi và anh em văn nghệ sỹ Lâm Đồng cùng đi phải rưng rưng xúc động. Một cảm giác thật khó diễn tả, chỉ có thể nói gọn trong mấy từ: Tự hào thật.
 
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo ví Tổ quốc ta là “Đất nước hình tia chớp”, nhà thơ Phạm Quốc Ca lại tưởng tượng đất nước hình thanh gươm. Nhà thơ Xuân Diệu ví “Đất nước ta như một con tàu, mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau”. Và rất nhiều nhà văn, nhà thơ khác thả sức tưởng tượng. Đất nước ta hình chữ S mà nội hàm nó là gì, cuối cùng vẫn là lòng tự hào về Tổ quốc Việt Nam có 4000 năm dựng xây và chiến đấu, chiến đấu và chiến thắng bao kẻ xâm lược đầu sỏ, có thừa cơm, thừa đạn, thừa lòng tham.
 
Biểu tượng con thuyền Mũi Cà Mau. Ảnh: Internet
Biểu tượng con thuyền Mũi Cà Mau. Ảnh: Internet
Đứng ở điểm cuối cùng của Đất Mũi, dựa lưng vào cột mốc chủ quyền của quốc gia, chúng tôi nhìn ra phía biển. Hôm ấy nắng đẹp, biển xanh êm ả, sóng gợn lăn tăn. Ấy nhưng, hàng trăm thế hệ đi qua, biển xanh đã ngàn lần nổi giận, đã nhuộm đỏ máu cha anh để bây giờ biển mỗi ngày như xanh hơn.
 
Đứng ở Đất Mũi, trong bộ nhớ của chúng tôi đậm sắc xanh của cây lá - đó là điệp trùng màu xanh của cây đước. Đước hầu như phủ kín toàn bộ diện tích tỉnh Cà Mau. Năm chục năm trước, đọc thơ của Tố Hữu có câu “Đước đã mọc thành rừng gỗ cứng” giờ tôi tận mắt trông thấy cây đước. Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau hướng dẫn chúng tôi đi thăm Đất Mũi đã giải thích: Cây đước vốn rất mềm, nhưng chúng mọc ken dày. Rừng đước ngăn nước biển xâm thực đất đai, giữ gìn môi trường sinh thái. Rừng đước là nơi bộ đội, du kích lấy làm nơi trú ngụ, để rồi từ rừng đước tiến về giải phóng thị trấn, thị xã, thành phố, quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi.
 
Nhiều người ví hình hài Tổ quốc với những tưởng tượng tốt đẹp khác nhau, với tôi, tôi ví mũi Cà Mau như mỏ neo ở tất cả những tàu thuyền đi biển. Neo cắm sâu vào lòng đất đáy biển để giữ cho con tàu Việt Nam đứng vững trong trăm trận bão táp mưa giông. Neo nhắc ta dù cưỡi sóng trên những con tàu đi khắp nơi nhưng vẫn trở về với mẹ hiền - Tổ quốc. Người ta có thể có nhiều nơi đến nhưng chỉ có một nơi về trong kiêu hãnh tự hào. 
 
Đứng ở Đất Mũi, xa xa phía biển Đông là hòn đảo nhỏ mang tên hòn Khoai, nơi ấy là trụ sở của Chi bộ Đảng Cà Mau, do đồng chí Phan Ngọc Hiển lãnh đạo đã ra quyết định hưởng ứng khởi nghĩa Nam Kỳ 23/11/1940. Nơi ấy là di tích lịch sử, là điểm hẹn của lịch sử. Tổ quốc không quên những người con ưu tú đã hy sinh ở độ tuổi rất trẻ. Vì thế, ở Cà Mau, có một huyện mang tên Ngọc Hiển, và nhiều đường phố ở thành phố Cà Mau hoặc ở các thị trấn khác trong tỉnh mang tên các liệt sỹ trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 hoặc trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
 
Tạm biệt Đất Mũi, trong tôi vẫn in đậm cờ Tổ quốc tung bay trên nóc biểu tượng con tàu, in đậm cột mốc tọa độ đánh dấu chủ quyền quốc gia. Vẫn con tàu thủy đưa chúng tôi đến Đất Mũi, sau lại đón chúng tôi từ Đất Mũi trở về, vẫn lướt trên dòng sông Cửa Lớn. Bạn tôi, nhạc sỹ Nguyễn Tấn Hùng bỗng cất lên lời hát “Tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình”. Mọi người bỗng im lặng. Tiếng hát cất lên đúng lúc, đúng chỗ. Đúng lúc chúng tôi đang thì thầm với nhau về Đất Mũi, về lần đầu tiên của cuộc đời mình về với Đất Mũi, nên khi nghe bạn hát, chúng tôi đều xúc động rưng rưng, nhiều người trong đoàn vỗ nhịp hát theo.
 
NGUYỄN THANH HƯƠNG