Miên man rượu cần Bon Đưng

09:08, 10/08/2017

Theo tử vi tôi mệnh thổ (Ốc thượng thổ - đất trên cao, chung phận với con tò vò xây tổ trên mái nhà). Bởi thế từ bé đến giờ tôi rất mê rừng núi. Rừng là kho báu thiên nhiên, với tôi còn hơn thế, rừng bồi đắp, thổi vào hồn tôi những luồng sinh khí mới, rừng di dưỡng ủ ấp an lành nâng bước tôi đi...

Theo tử vi tôi mệnh thổ (Ốc thượng thổ - đất trên cao, chung phận với con tò vò xây tổ trên mái nhà). Bởi thế từ bé đến giờ tôi rất mê rừng núi. Rừng là kho báu thiên nhiên, với tôi còn hơn thế, rừng bồi đắp, thổi vào hồn tôi những luồng sinh khí mới, rừng di dưỡng ủ ấp an lành nâng bước tôi đi. Và cảnh trầm mặc của rừng luôn gợi trong tôi sự kỳ bí, phiêu lãng. Mười năm qua, tôi chọn Đà Lạt - Lâm Đồng làm nơi định cư cũng là hợp mệnh trời. Sinh quyển và sự yên bình chốn Cao nguyên này là thiên đường sống.
 
Men say đại ngàn Nam Tây Nguyên. Ảnh: Mai Văn Bảo
Men say đại ngàn Nam Tây Nguyên. Ảnh: Mai Văn Bảo
Khám phá và thưởng lãm núi rừng luôn là khát vọng không cùng trong tôi, đã không ít lần ba lô dép lốp tôi độc hành cùng núi rừng Lâm Đồng: Păng Tiêng, Đam Rông, Cát Tiên, Lâm Hà, Lạc Dương…
 
Và hôm nay, một ngày chính hạ, tôi lại ba lô xe máy về với Lạc Dương. Hơn mười cây số vòng vềnh con đường Đà Lạt - Lạc Dương sớm mai chìm trong mưa bay và sương phủ. Gió cao nguyên thấm lạnh, điệp trùng hai bên đường là vườn đồi rau xanh cùng hoa trái. Mờ ảo trong sương làng bản xa xa, những ngôi nhà chênh vênh sườn núi tạo một bức tranh thủy mặc kỳ thú. Chẳng liên quan, chỉ là một cái tên trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng Lạc Dương - Địa danh trong Đường thi thời Đông Chu chợt thức trong tôi:
 
Khuyến quân chánh tận tam bôi tửu
Tây xuất Dương Quan (Lạc Dương) vô cố nhân
(Hãy uống với tôi cạn ba chung rượu
Một khi ra khỏi chốn Lạc Dương còn đâu bạn hiền)
 
Đang miên man mơ đãng về một địa danh Lạc Dương cổ sử xa xôi thì tôi đã tới giữa thị trấn huyện rồi. Như đã hẹn, anh Non - Trưởng ban Văn hóa thị trấn là người K’Ho đã đứng chờ ở cổng trụ sở Ủy ban khi biết tôi muốn tìm hiểu về nghề nấu rượu cần của đồng bào địa phương, hồ hởi: - Dễ mà, sang Bon Đưng gặp bà Rơ Ông Mồn.
 
Tôi cùng Non phóng xe tới Bon Đưng cách ủy ban chừng hơn một cây số.
 
Thật may mắn, bà Mồn cùng cô con gái đang đứng trước cổng nhà như sắp đi đâu. Dừng trước căn nhà, nhìn bao quát quanh Bon (thôn), hàng trăm căn hộ đa phần vẫn giữ nguyên nếp gỗ xưa, xếp hàng ngang dọc đổ dần từ cao xuống thấp, gợi nhớ về một thuở khai sơn quần cư. Bản sắc chân mộc hoang dã, gắn kết cộng đồng này dậy trong tôi một cảm xúc bản địa thiêng liêng khó tả. Có gì đó như nửa vui, nửa buồn, vừa tiếc thương, vừa chấp nhận để đi lên…
 
Trong căn nhà gỗ, trên mái, quanh tường bao đen bóng màu tro củi. Sàn nhà, trên mấy tầng giá gỗ la liệt các loại chóe. Chóe sành màu da lươn nhiều cỡ: bốn, năm, sáu, tám, mười lít. Chóe đã ủ rượu bịt kín miệng, chóe hở miệng đang chờ làm mẻ mới. Đọc chữ viết bằng sơn trắng trên chóe: LENĐY, LENNA bất ngờ tôi nhận ra rượu cần nhãn hiệu này mình đã từng uống vài lần ở Nha Trang và Đà Lạt. Còn nhớ chóe rượu LENĐY trong bữa nhậu ở Nha Trang, cả hội đều ngấm say, anh bạn người Phan Rang bật đứng dậy quát to: Có LENĐY thì quên WHISKY, COGNAC! Rồi huơ huơ hai tay rên sướng: Cao gạo tuyệt chiêu! Tuyệt chiêu cao gạo! Và một thầy giáo Hà Nội nho nhã thư sinh là thế cũng líu lưỡi la đà: Sinh thủy là đây! Mỹ tửu là đây!...
 
Lan man hồi tưởng, tôi càng thấy mình may mắn và hạnh phúc với buổi sớm này đang được trực quan tại BON ĐƯNG bên một nghệ nhân dân gian lão luyện rượu cần.
 
Bà Mồn đã ngoài tuổi sáu mươi, nửa thế kỷ ủ rượu, chế cần. Bà cho hay cả Bon già trẻ, gái trai đều biết làm rượu. Hiện tại chưa thành lập công ty, doanh nghiệp gì, vẫn là tự phát từng nhà hoặc nhóm lại từng tổ mươi nhà cùng làm, vì nhỏ lẻ, manh mún nên thị phần hạn hẹp. Số lượng xuất bán chủ yếu vào mùa du lịch, những ngày lễ tết cho du khách. Còn lại phục vụ dân bản địa quanh vùng. Hiện mỗi năm gia đình bà xuất bán khoảng hai trăm chóe, số lượng xuất của cả Bon là chục ngàn. Nếu được đầu tư, tổ chức tốt số lượng sẽ nhân lên nhiều lần, và sẽ là một doanh số kinh doanh lớn.
 
Ủ rượu cần tại thôn Bon Đưng, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương. Ảnh: Phan Nhân
Ủ rượu cần tại thôn Bon Đưng, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương. Ảnh: Phan Nhân
Tôi hỏi LENĐY, LENNA có phải là thương hiệu chính không, anh Non cho hay, chỉ là ký hiệu riêng, tránh nhầm hàng nhà khác, bà Mồn đặt theo tên hai đứa con gái bà.
 
Vừa tiếp chuyện, bà Mồn vừa trải nilon để làm mẻ mới. Và quy trình sản xuất cũng được diễn giải cụ thể luôn: Nguyên liệu chính là gạo. Ngày xưa làm cả bằng bắp và gạo. Giống gạo dân tộc gọi là: Kuôi Mé, Kuôi Kon; hạt to, chắc, ăn ngọt, thơm đậm, rượu ngon. Vì năng suất thấp nay dùng gạo giống mới. Tỉ lệ: gạo xay xát 70% cộng 30% gạo lức (gạo còn vỏ cám), nấu cơm chín, hạt cơm khô, nếu ướt nát rượu bị chua. Nhìn nồi cơm 15 cân gạo mới nấu bà Mồn đang đổ ra để trộn men, thấy hai màu nâu và trắng lẫn đều. Bóp men lẫn cơm có tra thêm chút vỏ trấu, trộn đều rồi bỏ dồn vào chóe, bịt kín miệng chóe lại. Ngày trước bịt chóe bằng đất hoặc tro bếp trát kín mặt, nay có thể dùng nilon. Cứ ủ một tháng trong râm là dùng được, khi trời lạnh cần thêm chăn phủ. Lúc uống mới bỏ lớp bịt đất, than tro hoặc nilon, đổ nước sạch đầy chóe, không để trào. Phong tục cũ cứ một chóe cắm một cần, cần bằng dây mây hoặc nứa rừng.
 
Khi tôi hỏi về nguyên liệu chính thứ hai là men, bà Mồn phủi hai tay đang trộn cơm men đứng dậy, mắt buồn lơ đãng nhìn xa xăm với giọng xao xác vừa đủ nghe: Men xưa lấy từ lá, hoa rừng hoặc củ đoòng giống như sâm núi về phơi khô, giã lẫn với gạo ngâm, ủ một tuần lại phơi khô giã trộn với cơm. Rồi bà thở dài: nay dùng men mới, công nghiệp. Rừng chặt phá nhiều, không còn mấy lá, hoa và củ nữa, lấy được mẻ men rừng tốn công hao sức lắm…
 
Vẻ mặt buồn và giọng tiếc nuối của bà Mồn khiến tôi thật sự cảm thông chia sẻ. Trong tôi tự bật câu hỏi: liệu có kiểm soát được chất lượng men mới này không, loại men đang bán rộng rãi trên thị trường? Tôi tin rằng nỗi buồn lo của bà Mồn, của BON ĐƯNG và cả tôi nữa chắc cũng là nỗi lo lắng và trách nhiệm của các cấp ngành địa phương. Trong nền kinh tế thị trường và hội nhập hiện nay, duy trì phát triển nghề truyền thống là hướng đi đúng, phải làm, mặc dù quá trình đó gặp không ít bất cập.
 
Lấy chuyện nguyên liệu rượu làm đơn cử, tôi nghĩ lối thoát không dễ dàng một sớm một chiều. Song hướng khả thi là rất có. Từ nội lực của địa phương: Dân Bon đông đúc, cần cù, thạo nghề và yêu nghề. Xúc tiến du lịch ngày càng mạnh, thị trường rộng mở. Vùng nguyên liệu thiên nhiên vốn có từ xưa, chưa tiệt chủng; vậy phải có quy hoạch để bảo tồn và phát triển nó. Dự án vùng nguyên liệu cho rượu cần xứ LANG BIAN phải sớm được ưu tiên xây dựng triển khai. BON ĐƯNG phải là một điểm đến hấp dẫn cả về văn hóa ẩm thực và văn hóa tinh thần. Sản phẩm mang thương hiệu RƯỢU CẦN LANG BIAN là một đặc sản đặc hữu vùng miền, một sản phẩm đáng tự hào để quảng bá; một mũi nhọn kinh tế lợi nhuận lớn. Chất rượu núi rừng LANG BIAN từng chinh phục nhiều thế hệ trong và ngoài nước. Rượu cần BON ĐƯNG đã chạm vào hồn vía văn minh, chất men LANG BIAN đủ thách thức với các thương hiệu đẳng cấp kinh điển quốc tế.
 
“Rượu là văn minh thứ hai loài người, sau lửa” - một tổng kết khoa học xác lập vị thế của rượu trong quá trình tiến hóa nhân loại. Những giá trị đích thực, “chạm trần” dân tộc như rượu BON ĐƯNG tất sẽ gặp và hòa cùng dòng chảy văn minh nhân loại. Bỗng chập chờn trong tôi câu thơ của ai đấy từng viết về rượu xứ này: 
 
Vít cong một mảnh trăng rừng
Rượu cần
Suối chảy thơm lừng BON ĐƯNG…
 
Sớm ban hành hướng dẫn quản lý hoạt động biểu diễn cồng chiêng
 
Vừa qua, tại thị trấn Lạc Dương, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp về công tác quản lý, tổ chức và biểu diễn cồng chiêng phục vụ du lịch với sự tham dự của cán bộ làm công tác quản lý văn hóa của tỉnh, huyện Lạc Dương và 11 đội, nhóm cồng chiêng đang hoạt động biểu diễn phục vụ du khách trên địa bàn huyện.
 
Kết quả đạt được của hoạt động biểu diễn cồng chiêng phục vụ du khách, biến di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thành sản phẩm du lịch độc đáo của đồng bào Lạch đang sinh sống dưới chân núi Lang Bian trong thời gian qua được các nhà quản lý văn hóa các cấp đánh giá cao. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động các đội, nhóm cồng chiêng đã phát sinh không ít những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục như: “cò” biểu diễn, làm sai lệch giá trị văn hóa cồng chiêng, những khó khăn trong việc duy trì hoạt động... Đại diện các nhóm cồng chiêng đã nêu ra nhiều vấn đề nảy sinh từ thực tiễn hoạt động và đóng góp nhiều ý kiến sát thực về điều kiện tổ chức biểu diễn cồng chiêng phục vụ khách du lịch hiện nay. 
 
Từ những ý kiến thảo luận đóng góp, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng sẽ sớm ban hành văn bản Hướng dẫn quản lý và tổ chức biểu diễn cồng chiêng phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để tạo môi trường thuận lợi cho Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không ngừng được bảo tồn và phát huy giá trị. 
 
QUỲNH UYỂN
 
Ghi chép: VƯƠNG TÙNG CƯƠNG