Tài nguyên du lịch độc đáo của KDLQG Ðan Kia - Suối Vàng

09:03, 14/03/2019

Sau nhiều lần được quy hoạch là khu nghỉ dưỡng, thành phố nghỉ dưỡng..., ngày 18/12/2018, Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia (KDLQG) Ðan Kia - Suối Vàng chính thức được phê duyệt theo Quyết định 1771/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quy hoạch tổng thể mở ra cho Lạc Dương, Ðà Lạt nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng là thách thức giữ gìn một vùng tài nguyên thiên nhiên độc đáo hồ Ðan Kia - Suối Vàng tránh bị biến dạng hay xâm hại.
 

Sau nhiều lần được quy hoạch là khu nghỉ dưỡng, thành phố nghỉ dưỡng..., ngày 18/12/2018, Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia (KDLQG) Ðan Kia - Suối Vàng chính thức được phê duyệt theo Quyết định 1771/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quy hoạch tổng thể mở ra cho Lạc Dương, Ðà Lạt nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng là thách thức giữ gìn một vùng tài nguyên thiên nhiên độc đáo hồ Ðan Kia - Suối Vàng tránh bị biến dạng hay xâm hại.
 
Cỏ hồng, thông xanh và hồ nước trong vắt là linh hồn của KDLQG Đan Kia - Suối Vàng. Ảnh: Võ Trang
Cỏ hồng, thông xanh và hồ nước trong vắt là linh hồn của KDLQG Đan Kia - Suối Vàng. Ảnh: Võ Trang
 
Theo Quy hoạch tổng thể, đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, KDLQG Đan Kia - Suối Vàng có diện tích khoảng 4.000 ha, với hơn 200 ha mặt nước; trong đó, các phân khu chức năng chính có diện tích khoảng 760 ha; sản phẩm du lịch chủ lực là văn hóa (phát huy các giá trị văn hóa bản địa, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa, du lịch làng nghề...); nghỉ dưỡng (khai thác đặc thù về điều kiện tự nhiên, khí hậu, cảnh quan để tạo ra các sản phẩm nghỉ dưỡng ven hồ, nghỉ dưỡng thể thao, như golf, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp...); thể thao và vui chơi giải trí (như trekking, bơi, chèo thuyền kayak, đua xe địa hình, việt dã, golf...).
 
Hồ Đan Kia - Suối Vàng với hơn 200 ha mặt nước chính là điểm nhấn của KDLQG Đan Kia - Suối Vàng vốn đã nổi tiếng, không chỉ bởi tên gọi ấn tượng, mà còn là địa điểm mang đến những cảm xúc tuyệt vời giữa khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp và mộng mơ với hồ nước, rừng thông, núi đồi, cây cỏ... Hồ Đan Kia - Suối Vàng còn gắn với câu chuyện huyền thoại về tình sử lãng mạn của chàng Lang và nàng Bian, cùng cuộc sống của cộng đồng người Lạch dưới chân núi Lang Biang mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo và hấp dẫn.
 
Bản đồ “Định hướng không gian du lịch” theo Quy hoạch tổng thể KDLQG Đan Kia - Suối Vàng. Ảnh tư liệu
Bản đồ “Định hướng không gian du lịch” theo Quy hoạch tổng thể KDLQG Đan Kia - Suối Vàng. Ảnh tư liệu
 
Hồ Đan Kia - Suối Vàng vốn là một cụm hồ ở thôn Đan Kia, xã Lát, huyện Lạc Dương, gồm hồ Đan Kia ở trên và hồ Ankroet ở dưới, được tạo bởi hai con đập chắn dòng chảy của sông Đa Dâng - con sông bắt nguồn từ núi Lang Biang. Nơi đây còn có thác Ankroet cao 15 mét, đã được Toàn quyền Pháp Decoux chọn làm nơi xây dựng Nhà máy thủy điện Ankroet đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1942. Nhà máy thủy điện Ankroet khánh thành tháng 10/1945, chính thức phát điện năm 1946. Nhà máy có kiến trúc đá rất phổ biến ở vùng tây nam nước Pháp và kiến trúc công xưởng đặc trưng đầu thế kỷ 20, nằm dưới chân núi, nổi bật trên nền xanh của rừng thông 3 lá...
 
Hiện nay, hồ Đan Kia - Suối Vàng không chỉ là hồ nước ngọt lớn nhất Đà Lạt với sức chứa khoảng 20 triệu khối nước, cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt; mà còn được dùng để vận hành tổ máy phát điện của Nhà máy thủy điện Ankroet cổ nhất Việt Nam với công suất năm đạt 15 triệu kw/h. Nơi đây còn có Nhà máy nước Suối Vàng khá hiện đại do Đan Mạch giúp xây dựng, hoàn thành năm 1984 với công suất 18.000 m3/giây.
 
Như vậy, hồ Đan Kia - Suối Vàng không những là một danh thắng như chốn bồng lai tiên cảnh, với màn sương khói huyền ảo lả lướt qua những dãy núi trùng điệp, những rặng thông xanh bao la, hay đọng những hạt li ti mềm mại trên hoa cỏ mỗi sớm mai; mà còn có vai trò rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư thành phố Đà Lạt và vùng lân cận.
 
Lịch sử vùng Đan Kia - Suối Vàng còn được biết đến với các dấu mốc: Hơn 100 năm trước, lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất lạ, ngẩn ngơ trước cảnh sắc thiên nhiên kỳ ảo, hoang sơ, Yersin đã đề nghị với toàn quyền P. Doumer cho xây dựng khu nghỉ dưỡng ở đây. Trước năm 1958, vùng Đan Kia - Suối Vàng nằm trong tổng Lạch thuộc thị xã Đà Lạt. Ngày 30/6/1958, tỉnh Tuyên Đức được thành lập, gồm đô thị Đà Lạt và 3 quận Đơn Dương, Lạc Dương và Đức Trọng, thì vùng Đan Kia - Suối Vàng nằm trong xã Lát, thuộc quận Lạc Dương... Trước năm 1975, đã có 2 dự án quan trọng về vùng Đan Kia - Suối Vàng, là Dự án xây dựng Nhà máy nước Suối Vàng và Dự án xây dựng Trung tâm giải trí quốc tế... Những năm 1990, đã có một kế hoạch giữa tỉnh Lâm Đồng và Singapore về hợp tác xây dựng hàng trăm hạng mục lớn nhỏ để hình thành một Đà Lạt 2 quyến rũ trên vùng đất huyền thoại Đan Kia - Suối Vàng... Và, trước khi trở thành KDLQG, khu vực hồ Đan Kia - Suối Vàng đã được Chính phủ quy hoạch là một trong 45 KDL trọng điểm quốc gia.
 
Hiện nay, trong KDLQG Đan Kia - Suối Vàng đang có những điểm rất thu hút khách là KDL Thung lũng Vàng, thác Ankroet, đập nước Suối Vàng, hồ Đan Kia, KDL Lang Biang, KDL Làng Cù Lần, Quỷ núi Suối ma, Ma rừng lữ quán... với những trải nghiệm thú vị như đi dạo, cưỡi ngựa, câu cá, đi thuyền, cắm trại,... đặc biệt là vào mùa sương hay cỏ hồng... Không những thế, ở đầu nguồn hồ Đan Kia ngày xưa còn là nơi sinh sống của người Lạch, mà nay định cư ở thị trấn Lạc Dương, vẫn còn giữ được các giá trị văn hóa bản địa đặc trưng (nhất là không gian văn hóa cồng chiêng, dệt thổ cẩm, canh tác nương rẫy, làm rượu cần...) là nguồn tư liệu sống để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, trải nghiệm văn hóa truyền thống... 
 
LÊ HOA