Lý Sơn mùa hè hoa bàng đã nở

05:05, 22/05/2019

(LĐ online) - Lần đầu đón bình minh mùa hè ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, phóng viên rất ngỡ ngàng trước hương thơm dìu dịu lạ thường tỏa ra từ những đóa hoa bàng vuông rực nở đêm qua. Lại gần mỗi gốc cây bàng vuông, muôn ngàn sợi hoa tím hồng, trắng xanh, lấm tấm hạt vàng trải xuống lối đi, khiến khách đường xa chợt bâng khuâng, xao xuyến bước chân lữ hành…

(LĐ online) - Lần đầu đón bình minh mùa hè ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, phóng viên rất ngỡ ngàng trước hương thơm dìu dịu lạ thường tỏa ra từ những đóa hoa bàng vuông rực nở đêm qua. Lại gần mỗi gốc cây bàng vuông, muôn ngàn sợi hoa tím hồng, trắng xanh, lấm tấm hạt vàng trải xuống lối đi, khiến khách đường xa chợt bâng khuâng, xao xuyến bước chân lữ hành…
 
Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Lâm Đồng bên tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải phủ xanh cây bàng vuông ở huyện đảo Lý Sơn
Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Lâm Đồng bên tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải phủ xanh cây bàng vuông ở huyện đảo Lý Sơn
 
Chiếc thuyền du lịch cao tốc đưa phóng viên từ nhà ga Cảng Sa Kỳ thuộc huyện Bình Sơn rẽ sóng 15 hải lý ra huyện đảo Lý Sơn nổi tiếng ở tỉnh Quảng Ngãi vào một sáng tháng 5/2019 ngập nắng. Tính thời gian bắt đầu lên thuyền ở đất liền và xuống thuyền ở hải đảo khoảng 40 phút, xe đón phóng viên vòng quanh những cung đường mới xây ven bờ biển, qua những cánh đồng xanh xanh màu lá hành, lá đậu phộng được trồng luân canh sau mùa thu hoạch tỏi - một loại đặc sản gia vị thơm ngon bậc nhất của Việt Nam ở xứ Quảng này. Trên đường đi “vô tình lướt qua mau” với những gốc cây, hàng cây bàng vuông theo từng lứa tuổi lặng lẽ vươn lên cao, nở hoa trắng thơm, xòe tán lá xanh mở rộng hình ô dù che bóng mát, tự nguyện góp thân mình điều hòa nhiệt độ nắng nóng mùa hè đang lên cao…
 
Hoa bàng vuông kết nụ thành từng chùm trong khu vực trung tâm huyện đảo Lý Sơn
Hoa bàng vuông kết nụ thành từng chùm trong khu vực trung tâm
huyện đảo Lý Sơn
 
Nhà nghỉ nơi phóng viên lưu trú cũng nằm trong không gian chan hòa với nắng nóng mùa hè và gió biển trước khoảng sân rộng với ít nhất hai cội cây bàng vuông lâu năm đã và đang vào thời điểm nở rộ những chùm hoa lung linh sắc màu, nhè nhẹ hương bay. Ngồi trên chiếc ghế đá dưới gốc cây bàng vuông khu vực trung tâm huyện đảo Lý Sơn, đối chiếu những dòng thông tin trên internet đã phản ánh, mô tả khá sát thực: “Bàng vuông là thực vật bản địa ven biển nhiệt đới, phổ biến ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quý, Cồn Cỏ... của Việt Nam. Đây là loại cây thân gỗ, phát triển chiều cao 7 - 25 m, phiến lá hình trứng ngược với chiều dài 20 - 40 cm, rộng 10 - 20 cm. Hoa mọc thành từng chùm màu trắng ở đầu cành từ 10 - 20 cm, cuống hoa dài khoảng 4 cm. Quả có hình đèn lồng có 4 - 5 cạnh vuông, trôi nổi trên biển đến 2 năm đưa vào bờ vẫn có thể nẩy mầm thành một cây con bàng vuông mới…”. 
 
Hoa bàng vuông rực nở vào đêm khuya và từng cánh hoa rơi rơi xuống gốc cây vào mỗi sớm mai
Hoa bàng vuông rực nở vào đêm khuya và từng cánh hoa rơi rơi xuống gốc cây vào mỗi sớm mai 
 
Phóng viên đến tham quan tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, xây dựng trên diện tích hàng trăm mét vuông rợp bóng cây bàng vuông và các loại cây xanh đặc trưng khác tại thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn. Tượng đài cao hơn 4 m, chính giữa là hình tượng cai đội với tay phải chỉ ra hướng biển Đông, tay trái đặt lên cột mốc chủ quyền Việt Nam khắc chữ Hán Nôm “Vạn Lý Hoàng Sa”. Hai người đứng hai bên cai đội là hai dân binh cầm giáo và cấm lưới trên tay được triều đình nhà Nguyễn cử đi thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa vào thế kỷ 17. Phía sau là nhà trưng bày khoảng 100 hiện vật, tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn vào năm 1776 ghi lại bằng chứng: “Họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, mỗi năm cắt phiên tháng 2 nhận giấy sai đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đây tha hồ bắt chim, bắt cá mà ăn. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo đến thành Phú Xuân để nộp các thứ ốc vân, hải sâm... rồi lĩnh bằng trở về… Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải không định bao nhiêu suất, ai tình nguyện thì cấp giấy sai đi, cùng do đội Hoàng Sa cai quản…”.
Tán lá cây bàng vuông cổ thụ tỏa bóng thanh tịnh bên tượng Phật Bà Quan Âm ở chùa Hang nhìn ra biển Đông nghìn trùng
Tán lá cây bàng vuông cổ thụ tỏa bóng thanh tịnh bên tượng Phật Bà Quan Âm ở chùa Hang nhìn ra biển Đông nghìn trùng
 
Trong một ngày tham quan ở huyện đảo Lý Sơn, phóng viên cũng được vãn cảnh chùa Hang, một di tích thắng cảnh quốc gia được xếp hạng vào năm 1994. Phía trước cửa chùa Hang là một khoảng sân rộng lớn, khung cảnh còn giữ nét hoang sơ phủ xanh những cây bàng vuông cổ thụ nhìn ra biển Đông nghìn trùng. Cận cảnh ngồi dưới gốc cây bàng vuông cổ thụ, phóng viên ước đến ba, bốn vòng tay người ôm mới hết vòng. Trên cành có nhiều chùm hoa bàng vuông đang căng đầy búp nụ trắng, chờ đêm khuya đến bung nở những sợi hoa phảng phất hương thơm mộc mạc, thanh khiết chốn đi về. Người dân Lý Sơn qua nhiều thế hệ nối tiếp kể lại câu chuyện lịch sử cho biết, chùa Hang được lập ra bởi những đoàn cư dân Việt từ đất liền ra định cư đảo Lý Sơn từ khoảng 400 năm trước. Và qua thời gian nối tiếp các thế hệ sau này, những cây bàng vuông ở chùa Hang có lẽ đã bắt đầu nẩy mầm bởi từng hạt nứt tách ra sau lớp vỏ của quả giống theo con sóng đưa về từ các vùng biển nhiệt đới xung quanh rồi bám rễ, xanh lá, vươn cành trở thành cây cổ thụ quý hiếm bây giờ…
 
Ngày nay, theo thông tin từ đồng nghiệp ở Quảng Ngãi, người dân đảo Lý Sơn đã ươm giống thành công bàng vuông mỗi năm hàng ngàn cây, cung cấp cho nhu cầu phát triển cây xanh đặc trưng tại chỗ và cho nhu cầu du khách khắp nơi trong nước đưa về trồng cây lưu niệm trong khuôn viên công sở, hộ gia đình mình. Và như vậy, tiềm năng du lịch chiêm ngưỡng hoa bàng vuông mùa hè nói riêng, quanh năm nói chung tiếp tục mở ra triển vọng lớn, góp phần phát triển các loại hình du lịch biển đảo đa dạng trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở huyện đảo Lý Sơn cả chiến lược trước mắt và chiến lược lâu dài…
 
VĂN VIỆT