"Cá tôm sông Hậu - rau củ Lang Biang" - nét duyên mới cho du lịch ẩm thực

06:09, 26/09/2019

Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp Lâm Đồng và Câu lạc bộ (CLB) Bếp ngon Phương Nam (Cần Thơ) đã tạo nên một mối duyên đưa hai miền thân thiết với nhau hơn, qua các cuộc gặp gỡ, giao lưu và liên kết những ý tưởng sáng tạo món ăn, thức uống, từ nguyên liệu ẩm thực của hai địa phương...

Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp Lâm Đồng và Câu lạc bộ (CLB) Bếp ngon Phương Nam (Cần Thơ) đã tạo nên một mối duyên đưa hai miền thân thiết với nhau hơn, qua các cuộc gặp gỡ, giao lưu và liên kết những ý tưởng sáng tạo món ăn, thức uống, từ nguyên liệu ẩm thực của hai địa phương. Những món ăn được biến tấu, cách tân lần đầu tiên lên mâm thông qua tài năng của các đầu bếp chuyên nghiệp, đã tạo nên cảm xúc khác lạ cho thực khách, đang góp phần làm phong phú hơn cho một loại hình du lịch độc đáo và hấp dẫn là du lịch ẩm thực...
 
Biến tấu Lang Biang. Ảnh: N.Quân
Biến tấu Lang Biang. Ảnh: N.Quân
 
Ông Nguyễn Hữu Hường - Chủ nhiệm Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp Lâm Đồng cho biết: Việc kết hợp ẩm thực của hai miền, không những giữ được đặc trưng của các loại nguyên liệu chủ đạo; mà sự biến tấu còn tạo nên những hương vị khác, lạ mà hợp, lạ mà ngon, màu sắc lại rực rỡ hơn, khiến món ăn mang lại cảm xúc mới cho thực khách. Cuộc giao lưu ẩm thực giữa hai địa phương là dịp để đầu bếp chuyên nghiệp (Chef) hai miền trình diễn những món ăn không mới, nhưng được cách tân tạo ra khẩu vị mới và hấp dẫn. Chẳng hạn, những món ăn do các đầu bếp Lâm Đồng thực hiện tại cuộc giao lưu ẩm thực hai miền là: Salad bơ - tôm đất (Chef Phan Đức Thiệu - NH Memory), Cơm lam - mắm đùm (Chef Võ Đình Hùng - KS Mường Thanh), Chạo cá thác lác - bông Atiso (Chef Nguyễn Thị Hồng Cúc - KS Roy), Chả giò miền Tây hương vị Lang Biang (Chef Phan Văn Minh - KS TTC Ngọc Lan), Cá tra - rau củ quả sốt chanh dây (Chef Lê Hoàng Hưng - KS La Sapinette)...
 
Ý tưởng kết hợp ẩm thực giữa hai miền sông - núi đã ấp ủ từ lâu giữa hai người bạn thời trung học là ông Đỗ Khuê - đạo diễn truyền hình và ông Nguyễn Đắc Tâm - chủ nhà hàng Tâm Đắc (Đà Lạt); cho đến đầu năm 2019 mới xúc tiến được - khi nhà hàng Tâm Đắc nhận đăng cai và Cần Thơ thành lập được CLB Bếp ngon Phương Nam. Sự kiện giao lưu ẩm thực “Cá tôm sông Hậu - rau củ Lang Biang” lần đầu tiên được thực hiện vào giữa tháng 5/2019 tại Đà Lạt, lần thứ 2 được tổ chức sau 4 tháng (tháng 9/2019) tại Cần Thơ và mục tiêu hướng tới là hai bên sẽ giới thiệu được thế mạnh nguyên liệu của nhau và sáng tạo thành những món ăn đặc trưng của hai vùng miền. Đồng thời, thông qua mối duyên này sẽ hình thành kênh cung cấp nguyên liệu lâu dài về thủy hải sản đồng bằng sông Cửu Long và rau củ vùng núi Lang Biang.
 
Đầu bếp sông Hậu với món “bánh canh ngũ sắc”. Ảnh: N.Quân
Đầu bếp sông Hậu với món “bánh canh ngũ sắc”. Ảnh: N.Quân
 
Thực tế, các loại rau dân dã đặc trưng miền sông nước, như bông điên điển, bông súng, bông so đũa, trái bần xưa nay kết hợp với cá tôm sông Hậu đã rất hợp rồi. Nay, biến tấu đi một chút là kết hợp với các loại rau củ Đà Lạt, tạo ra một sự mới lạ tuyệt vời. Các loại mắm miền Tây dùng để chấm rau, củ, trái cây Đà Lạt cũng là một sự hòa quyện đến không ngờ. 
 
Chef Phan Đức Thiệu, giới thiệu một vài biến tấu trong cách thức chế biến món ăn của các đầu bếp: Trước giờ, món xà lách trộn của Đà Lạt có thể đi với bơ, thịt bò, cá ngừ, dầu dấm, dâu tây, trứng luộc; nay, xà lách trộn với tôm đất của vùng sông Hậu tạo nên một hương vị khác - đó là sự ngọt ngào của tôm tươi và sự thanh mát, giòn của rau xanh. Hay, món cơm lam ở miền núi thường kiểu gì cũng đi với thịt nướng - muối mè; được biến tấu thành cơm lam với mắm đùm ăn kèm với rau xà lách khiến món ăn dường như rất quen thuộc lại bị thu hút bởi vị lạ và đậm đà của mắm đùm. 
 
Hoặc, chạo atiso cũng là một biến tấu từ giò sống và chả cá quết lên cánh atiso đem hấp rồi chiên; vị đắng nhẹ từ atiso sẽ khiến cho món chạo atiso hoàn toàn mới lạ so với truyền thống là chả thịt và tôm bọc vào củ sả hay cọng mía... Món chả giò cũng được biến tấu thêm vị của hai miền; thay vì chỉ có thịt thì sẽ dùng cá tôm xay nhuyễn, ăn kèm với các loại rau thơm từ Đà Lạt. Hoặc, các món lẩu, hay dùng me sẽ được thay bằng nước trái mác mác, vẫn là vị chua thanh, nhưng mùi thơm lại cuốn hút. Các loại nước giải khát cũng có sự biến tấu, như mác mác, atiso, hoặc dâu tây Đà Lạt được châm nếm thành các loại cocktail, hay nước uống có hương vị đặc biệt mới...
 
Du khách thích thú được tạo dáng với ẩm thực hai miền. Ảnh: N.Quân
Du khách thích thú được tạo dáng với ẩm thực hai miền. Ảnh: N.Quân
 
Cái quan trọng được các đầu bếp khẳng định là, sự kết hợp ẩm thực này khiến thực khách cảm nhận được sự độc đáo hòa quyện trong từng món ăn, làm thay đổi khẩu vị của chính mình. Đó cũng chính là nguồn cảm hứng cho các đầu bếp ở hai vùng miền khi chế biến lúa gạo, trái cây, cá tôm vùng sông Hậu và rau, củ, quả vùng núi Lang Biang để tạo ra các món ăn, thức uống không mới và không cũ, nhưng hấp dẫn với những cái tên mới, cách chế biến mới từ sự sáng tạo của những người đầu bếp chuyên nghiệp. Đó còn là những cái tên rất quen, từ những nguyên liệu ít được quan tâm, như con cá tra vốn được nuôi thương mại để xuất khẩu, người dân vùng sông nước ít ai thích món cá tra, nhưng nay, các đầu bếp đã biến tấu ra những món ăn rất Tây, như “cá tra một nắng xiên que nướng”, “salad cá tra phồng”... ăn kèm với rau, củ, quả Đà Lạt.
 
Theo ông Đỗ Khuê: Ý tưởng và sự kiện “Cá tôm sông Hậu - rau củ Lang Biang” ấp ủ nhiều năm, đặt nền móng được nửa năm, các đầu bếp và câu lạc bộ giữa hai vùng miền đang hình thành những ý tưởng mới và tìm kiếm hướng đi, lối mở cho 2 vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, sự kiện này đã tác động đến nhiều đối tượng trong giới kinh doanh nhà hàng, quán ăn; đầu bếp và thực khách. Đặc biệt, trong tương lai chắc chắn sẽ thu hút được giới kinh doanh du lịch và lữ hành để tạo ra những tour du lịch ẩm thực theo hướng kết hợp khám phá trải nghiệm các món ăn, nghiên cứu văn hóa ẩm thực qua những câu chuyện bên bàn ăn của từng món ăn.
 
NHẬT QUÂN