Có năm tiên nữ giữa đại ngàn

06:10, 10/10/2019

Vùng núi Tây Bắc, Việt Bắc và Tây Nguyên nước ta có nhiều thác nước tự nhiên nhưng hiếm có một địa phương cấp huyện nào lại có tới năm thác nước như ở Đạ Tẻh, Lâm Đồng. Những ngày nắng đẹp, tôi lại đến với thác...
 

Vùng núi Tây Bắc, Việt Bắc và Tây Nguyên nước ta có nhiều thác nước tự nhiên nhưng hiếm có một địa phương cấp huyện nào lại có tới năm thác nước như ở Đạ Tẻh, Lâm Đồng. Những ngày nắng đẹp, tôi lại đến với thác. Sau mười năm trở lại, vẫn cho tôi cảm giác như mới gặp lần đầu, bởi chúng vẫn vô tư từ trên cao đổ nước xuống rừng đại ngàn. 
 
Thác Đạ K’La. Ảnh: Tư liệu
Thác Đạ K’La. Ảnh: Tư liệu
 
Tôi có người bạn vong niên quê ở Hà Nam. Anh nhập ngũ năm 1966. Đơn vị anh cơ động chiến đấu ở khu vực từ đèo Bảo Lộc qua Đạ Huoai xuống La Ngà (Đồng Nai) rồi lại vòng lên vùng Đạ Tẻh và Cát Tiên bây giờ. Sau năm 1975, anh chuyển ngành làm cán bộ rồi Giám đốc Nhà Xuất bản Đồng Nai cho đến năm 2008 thì nghỉ hưu. Anh là nhà văn Lê Đăng Kháng.
 
Sau Tết Kỷ Hợi 2019 nửa tháng, anh điện thoại cho tôi:
 
- Ở vùng rừng Đạ Tẻh, tôi nhớ có một thác nước rất đẹp, hồi chúng tôi đóng quân ở đó đã thấy, và thường xuyên đến nghỉ sau mỗi trận đánh. Hiện giờ có còn không?
 
Tôi nói là thác còn nguyên, không chỉ có một, mà Đạ Tẻh còn có những năm thác nước. Anh Kháng reo lên, tuyệt vời thế cơ à! Hôm nào nắng đẹp, tôi lên, ông đưa tôi đi thăm nhé…
 
Sao đó bảy ngày, anh Kháng lên Đạ Tẻh. Chuyến đi thăm thác có thêm anh Nguyễn Văn Thành, bạn tôi, nguyên Trưởng ban Văn hóa xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh đã nghỉ chế độ.
 
Năm thác nước cùng nằm trong xã Triệu Hải, nhưng năm 2004, do dân số phát triển và địa bàn xã khá rộng nên Chính phủ cho phép tách xã Triệu Hải thêm một xã mới là xã Đạ Pal.
 
Thác nước đầu tiên thuộc địa phận Thôn 1A, xã Triệu Hải có tên là Thác Hơi, bởi nước luôn bốc hơi trắng xóa từ chân thác lên đỉnh thác. Bà con là người Triệu Giang, Triệu Phong, Quảng Trị vào lập nghiệp ở đây từ năm 1984, năm 1985 phát hiện ra, nên gọi tên là thác Triệu Giang - sau đổi là thác Hơi. Nhiều ý kiến cho rằng nên gọi là thác Sương Mù thì hợp lý và đẹp hơn. Quanh năm hơi nước bốc lên lại quanh quẩn, len lỏi vào từng khóm lá. Mỗi khi đi rừng về, bà con ở đây đều dừng chân ở thác Sương Mù để hưởng cái mát lạnh của hơi nước từ thác tỏa ra. Thác này có chiều cao 50 m, trên đỉnh rộng 4 m, chân thác rộng 8 m.
 
Từ thác Sương Mù, chúng tôi len lỏi trong rừng, hướng về phía Bắc để đến với thác Rồng. Nó uốn khúc hình chữ chi dọc từ đỉnh thác xuống, nước chảy uốn lượn giống như con Rồng. Nghỉ ở thác Rồng chừng 50 phút, chúng tôi quay ra con đường liên xã, nối từ thị trấn Đạ Tẻh, kéo dài 12 km dọc trung tâm xã Triệu Hải và Đạ Pal. Con đường trải nhựa êm ru. Gửi xe máy ở quán nước ven đường, chúng tôi tiếp tục đi vào thác thứ ba. Anh Thành nói:
 
- Đường chim bay chỉ 1 km, nhưng… đường bộ phải 2,5 km, các anh cố lên nhé. Đường khó đi đấy, phải lội qua 5 con suối nhỏ.
 
Con thác này đẹp nhất trong năm thác ở Đạ Tẻh. Già làng K’Dẻo kể cho nghe:
 
- Thác này gắn với huyền thoại mà dân bản địa là người Mạ cư trú lâu đời ở đây ai cũng biết… Cách đây lâu lắm rồi. Nắng hạn kéo dài hơn một năm, các buôn làng không có nước ăn, nước tắm giặt, bàn chi chuyện có nước cho trồng trọt, chăn nuôi. Các con suối trong rừng đều cạn khô. Một chàng trai tên là K’La đã đi về hướng mặt trời. Đi hết một con trăng (một tháng) chàng gặp vách núi cao chắn đường. Nhìn lên vách đá, thấy nước lăn tăn từ trên xuống. K’La tìm cách leo lên. Thật ngạc nhiên khi trên đỉnh núi trước mặt chàng là một hồ nước rộng mênh mông. Chàng đã dùng sức mình đục bờ hồ đó, cho đến khi được một khoảng rộng hai sải tay, nước tuôn xuống ào ạt như thác đổ. Nước chảy về khắp buôn làng gần xa. Nhớ công lao của chàng, dân làng người Mạ đặt tên thác là Đạ K’La. Tiếng Mạ - Đạ là nước, K’La là tên chàng trai. Đạ K’La - nước của K’La.
 
Hiện tại, trên đỉnh thác Đạ K’La vẫn còn hồ nước, không lớn lắm nhưng nước từ ngõ ngách núi cao vẫn đổ ra hồ để tràn xuống, để thác Đạ K’La vẫn còn ngân mãi... Cách khoảng 500 bước chân đã nghe tiếng thác reo như tiếng của rừng đại ngàn cất lên bản tình ca muôn điệu, không biết tự bao giờ và đến bao giờ mới kết thúc.
 
Nhìn trực diện nước đổ từ trên cao xuống, nhà văn Lê Đăng Kháng nói trông như con ngựa buông lỏng dây cương, trên mặt vách đá tung bờm trắng xóa. Thác Đạ K’La cao hơn 50 m, chiều ngang 12 m. Dưới chân thác là một cái ao nhỏ, nước trong vắt. Ao này hình thành do nước từ trên cao đổ xuống lâu ngày xoáy mòn mà có. Quanh bờ ao có những viên đá to, phẳng để người đến thăm ngồi nghỉ. Tôi lại nghĩ, thác giống như dải lụa trắng, gặp ánh mặt trời phản chiếu vào, nó lấp lánh như có vạn hạt kim cương đính vào đó.
 
Nhà văn Lê Đăng Kháng khẳng định, đúng thác này là nơi mà đại đội anh đã đến mấy lần nghỉ sau các trận đánh. Bởi vì vùng này, trước đây thuộc khu VI, nằm trong chiến khu Đông Nam bộ. Đây là hậu cứ của ta, không có trận đánh diễn ra ở đây, mà thỉnh thoảng máy bay Mỹ ném bom Napan xuống những chỗ nghi ngờ là nơi trú quân hoặc kho tàng của ta. Bởi ngã rẽ đường từ Sài Gòn lên Đà Lạt vào vùng Đạ Tẻh rất khó đi. Chỉ có quân dân ta mới dám lội suối băng đèo mà thôi. Chúng tôi - anh Kháng nói tiếp - được nghe các già bản kể lại về sự tích thác này. Đúng Đạ K’La, tôi lại nhớ nhầm là Đatanla. Đatanla ở Đà Lạt cơ…
 
Bà con người Mạ ở đây, ngày ấy kiên trung lắm. Các gia đình cử con em tham gia quân giải phóng. Người ở nhà tích cực trồng khoai, trồng sắn, trồng lúa rẫy để có thêm lương thực giúp cán bộ và bộ đội. Hai mươi năm trước đọc báo thấy Đạ Tẻh được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến, tôi thấy mình như có phần trong đó…
 
…Dừng chân ở thác Đạ K’La một giờ, chúng tôi quay ra đường nhựa để ngược lên thác thứ tư thuộc xã Đạ Pal. Thác này, được bà con ở Xuân Đài - Xuân Trường, Nam Định vào đây lập nghiệp năm 1984, phát hiện ra vào giữa năm 1986 nên đặt luôn tên là thác Xuân Đài. Từ đường nhựa rẽ vào rừng khoảng 2 km là thấy.
 
Thác này có cấu trúc khá đặc biệt, nước đổ từ trên cao xuống 3 bậc đá như bậc thềm. Ba bậc dài, rộng bằng nhau, dài 17 m, rộng 2 m, cao 2,5 m. Tổng chiều cao của thác chỉ có 7,5 m nhưng nó đẹp bởi nhìn nước tràn từ bậc trên xuống bậc dưới, giống như một tấm lụa lượn sóng. Do vậy nhiều người gọi nó là thác Lụa, gọi thế mới đúng, thế mới nên thơ.
 
Ở thác Lụa 45 phút, chúng tôi lại quay ra đường nhựa ngược lên thác thứ năm. Gửi xe máy ở nhà anh Phạm Thái Đồng, Phó Chủ tịch HĐND xã Đạ Pal, rồi đi bộ 2 km nữa. Trong năm thác nước, chỉ có thác này là chúng tôi leo lên được tận đỉnh bằng việc men theo hai bên bờ thác, bởi thác không dựng đứng mà nằm thoai thoải. Do vậy chúng tôi không gọi chiều cao của thác mà là chiều dài của thác 70 m, chiều rộng 8 m. Nhìn nước đổ từ đỉnh thác xuống, nhà văn Lê Đăng Kháng nói vui: Trông như suối tóc dài đổ xuống bờ vai cô thiếu nữ. Anh Thành nói luôn:
 
- Như anh nói là đúng, bởi nhiều người ở đây gọi tên nó là suối Tóc Tiên hoặc thác Tóc Tiên. Tên đầu tiên là thác thứ 21, bởi nó nằm trong địa phận đội sản xuất số 21 của xã Triệu Hải ngày trước cách đây 24 năm. Vào Triệu Hải hoặc xã Đạ Pal hỏi thác Tóc Tiên hay suối Tóc Tiên thì ai cũng hiểu là thác 21.
 
Trên đỉnh thác, phía bờ phải có hai phiến đá, mỗi phiến rộng hơn 1 m2, mặt phẳng lỳ, như thể có bàn tay con người xếp đặt. Chúng tôi ngả lưng vào đó, tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên ban tặng.
 
Trong gần một ngày hành trình, chúng tôi thống nhất với nhau rằng, cả năm thác nước đều nằm trong rừng nguyên sinh. Mỗi thác có vẻ đẹp hùng vĩ riêng. Chúng như cái máy điều hòa nhiệt độ khổng lồ làm tiêu tan bao mệt mỏi của những ai đã từng đến với chúng.
 
Đến bên thác để nghe thác đổ nước reo, hòa cùng tiếng lảnh lót của hàng chục loài chim đua nhau hót, rồi ngắm màu đỏ tươi của hoa chuối rừng bên cạnh những khóm hoa đủ màu sắc, ta như đang sống chốn Bồng Lai tiên cảnh.
 
Nhà văn Lê Đăng Kháng tiếp chuyện bằng hai câu thơ:
 
Một lần đến đây nhìn thác nước
 
Muốn ở đây thôi chẳng muốn về.
 
Trên đường ra thị trấn, ngắm nhìn cảnh vật quanh mình rồi ở lại hai ngày đi đến các xã trong huyện, vào với các buôn làng người Mạ, anh Kháng nói, năm 1987 tôi từ Đồng Nai lên đây, lúc ấy ở đây còn hoang sơ lắm. Hơn 30 năm tôi mới có dịp trở lại. Đạ Tẻh thay đổi nhiều quá. Vùng rừng nguyên sinh nay đã thành một địa điểm dân cư sầm uất. Đặc biệt, khu vực năm thác nước ở trong rừng, hầu như cây cối, cảnh vật vẫn như xưa. Đúng là một kho báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đạ Tẻh nói riêng và Lâm Đồng nói chung. Năm thác nước này nếu được đầu tư, thì chúng sẽ nằm trong tour du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh lên khu du lịch sinh thái ở rừng nguyên sinh Đạ Huoai. Sau đó theo đường từ Đạ Huoai qua Đạ Tẻh vào huyện Cát Tiên để thăm Vườn Quốc gia Cát Tiên và Khu Di tích khảo cổ Quốc gia. Tiếp đó quay lại huyện Đạ Tẻh chiêm ngưỡng năm thác nước rồi ngược lên Bảo Lộc. Một tour du lịch sinh thái kết hợp với tìm hiểu văn hóa Mạ trong cộng đồng văn hóa Việt Nam. Sau một lát im lặng, nhà văn nói tiếp:
 
- Năm thác nước ở Đạ Tẻh giống như năm kho báu lộ thiên, dễ khai thác, nhưng chưa khai thác thì chúng vẫn là những mỏ quặng. Vấn đề đặt ra là phải giữ gìn môi trường cây xanh quanh khu vực các thác nước. Năm thác nước như năm nàng tiên còn ngủ trong rừng, giấc ngủ đang chờ các Hoàng tử đánh thức để các nàng tiên làm đẹp cho quê hương, cho mọi người. Các Hoàng tử là ai? Là quyết sách, là kế hoạch thực thi được, là sự đóng góp của toàn dân, đặc biệt là những doanh nhân, doanh nghiệp - những nhà đầu tư - để gìn giữ và tôn tạo các thác nước, biến nơi đây thành một khu du lịch sinh thái, phục vụ cộng đồng.
 
Ký: NGUYỄN THANH HƯƠNG