Nhìn từ liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Lâm Đồng và các địa phương

07:10, 03/10/2019

Lâm Đồng đang thực hiện chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch với 9 địa phương đều là trọng điểm du lịch, có tổng dân số bằng 1/3 dân số cả nước - không chỉ là cơ hội mà đang nắm giữ lợi thế lớn trong phát triển thị trường và đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Lâm Đồng đang thực hiện chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch với 9 địa phương đều là trọng điểm du lịch, có tổng dân số bằng 1/3 dân số cả nước - không chỉ là cơ hội mà đang nắm giữ lợi thế lớn trong phát triển thị trường và đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
 
Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) thu hút rất đông du khách quốc tế. Ảnh: N.Quân
Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) thu hút rất đông du khách quốc tế. Ảnh: N.Quân
 
Lâm Đồng và các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nghệ An, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai đã ký kết chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch, tập trung vào công tác quản lý nhà nước, đầu tư phát triển sản phẩm, tuyên truyền - xúc tiến - quảng bá và đào tạo nguồn nhân lực du lịch... tạo điều kiện hỗ trợ, bổ sung cho nhau về nhiều mặt, thúc đẩy giao lưu văn hóa, khẳng định sự thiết thực của chương trình liên kết, hợp tác.
 
Có nhiều cái tên đã được định hình thành công và đang phát huy lợi thế kết nối tour tuyến, từ các loại hình du lịch thăm người thân, du lịch canh nông, du lịch mạo hiểm..., như: “Chợ Bến Thành - Biển Mũi Né - Hoa Đà Lạt” (thành phố Hồ Chí Minh - Bình Thuận - Lâm Đồng), “Rừng và Biển” (Đà Lạt - Nha Trang), “Hoa và Di sản” (Lâm Đồng - Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế)...; thu hút khoảng 60% lượng khách du lịch đến Lâm Đồng từ các địa phương có chương trình liên kết du lịch.
 
Theo thống kê, tại Lâm Đồng hiện có 36 dự án đầu tư du lịch của các nhà đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh với tổng số vốn đăng ký khoảng 9.000 tỷ đồng; 6 dự án đầu tư du lịch của các nhà đầu tư đến từ Hà Nội với tổng số vốn đăng ký khoảng 1.300 tỷ đồng; 2 dự án đầu tư du lịch của các nhà đầu tư đến từ Khánh Hòa với tổng số vốn đăng ký 1.265 tỷ đồng; 2 dự án của các nhà đầu tư đến từ Đồng Nai với tổng số vốn đăng ký khoảng 200 tỷ đồng. Đa số các dự án đầu tư vào loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan; và một số dự án đã đi vào hoạt động, như: hệ thống khách sạn cao cấp Saigon Book, Wonder Đà Lạt, Khu nghỉ dưỡng Lan Anh (TP Hồ Chí Minh), Daisy Gold (Khánh Hòa), Khu du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái Toàn Cầu (Hà Nội)... 
 
Theo ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Lâm Đồng là nơi hội tụ rất nhiều vùng dân cư của nhiều cộng đồng dân tộc khác nhau trong cả nước... tạo ra sự đa dạng về phong tục, tập quán, văn hóa của nhiều vùng miền, là cơ hội để khai thác nguồn tài nguyên văn hóa phục vụ du lịch, giúp Lâm Đồng đón được 7 triệu lượt khách (năm 2018), với khoảng 10% là khách quốc tế. Du lịch đã trở thành ngành kinh tế động lực, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển chung của tỉnh Lâm Đồng. Nếu khai thác được tính đa ngành, liên kết vùng tốt, thì du lịch không chỉ của riêng Lâm Đồng mà các địa phương khác sẽ rất phát triển và phát triển mạnh mẽ, bền vững. 
 
Tuy nhiên, Chương trình liên kết được đánh giá là vẫn chưa khai thác hiệu quả tiềm năng giữa các địa phương, chưa định hình được sản phẩm liên kết đặc trưng bền vững... Do đó, trong thời gian tới, cần xây dựng được chiến lược phù hợp trong quảng bá, xúc tiến du lịch; thu hút nguồn khách hài hòa với phát triển sản phẩm theo hướng bền vững; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch...
 
Trong Hội nghị xúc tiến, liên kết hợp tác, phát triển du lịch giữa Lâm Đồng và các địa phương năm 2019, vừa được tổ chức cuối tháng 9, nhiều ý kiến thẳng thắn và chân thực được đại diện các doanh nghiệp từ nhiều địa phương bày tỏ, sẽ giúp cho Lâm Đồng điều chỉnh và hoàn thiện hơn về cơ chế, chính sách trong quản lý, điều hành, hỗ trợ pháp lý; cũng như phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm, hàng lưu niệm, khu vực vệ tinh, giá dịch vụ...; đặc biệt là phân luồng, điều chỉnh lại giao thông để hạn chế kẹt xe.
 
Ông Trần Minh Huy (Công ty CP lữ hành Fiditour - TP Hồ Chí Minh): Chưa có sản phẩm cụ thể giữa Lâm Đồng và từng địa phương liên kết; và chưa có sản phẩm du lịch cụ thể nào được định vị tại địa bàn Lâm Đồng. Chẳng hạn, đối với sản phẩm du lịch canh nông, du khách muốn hiểu rõ thì có thể làm như thế nào? Nông sản đặc trưng là gì? Khách nước ngoài và khách nội địa có nhu cầu khác nhau thì chuẩn đối với từng thị trường du khách phải như thế nào? Những sản phẩm nào có thể giao thương?...
 
Ông Lê Tăng Trọng Nghĩa (Công ty Vietravel): Vietravel có chi nhánh hoạt động tại Đà Lạt và hiểu rất rõ các hoạt động du lịch tại Đà Lạt. Không chỉ các công ty mà các bạn trẻ tự lên Đà Lạt ngày càng nhiều. Đứng ở góc độ là doanh nghiệp có lượng khách lên Đà Lạt cao, nhận thấy, du lịch bây giờ không phải là vấn đề tham quan mà là trải nghiệm. Lâm Đồng có du lịch canh nông, nhưng chỉ là tham quan, chưa có trải nghiệm thực sự; hơn nữa, đã nói đến du lịch canh nông thì phải đi kèm với xử lý các vấn đề về môi trường để tạo ý thức cho người dân và bảo vệ vùng đất xinh đẹp này. Tỉnh Lâm Đồng có 40 dân tộc anh em với rất nhiều di sản văn hóa, nhưng chỉ có cồng chiêng Tây Nguyên hoặc làng hoa là được quan tâm...
 
Ông Lê Diệp Thanh Tùng (Hòn Ngọc Tourist, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận): Chúng tôi đang khai thác tam giác du lịch theo đường hàng không với điểm đến là Sân bay Liên Khương và điểm đi từ Sân bay Cam Ranh rất thành công... Các farm ở Đà Lạt rất hấp dẫn du khách, như không gian tuyệt vời ở Hầm rượu vang Vĩnh Tiến, bà chủ Trang trại Nấm mỏng manh mà can trường...; nhưng, có những farm cần phải điều chỉnh ngay, như sự bừa bộn ở Trang trại Rau và Hoa Vạn Thành, mùi ở Nông trại Cún...
 
NHẬT QUÂN