"Chung tay kết nối - Đồng hành phát triển"

08:01, 07/01/2020

(LĐ online) - Là chủ đề chương trình đối thoại do Chi hội Lữ hành Lâm Đồng (trực thuộc Hiệp hội du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt) tổ chức ngày 6/1/2020. Đây là cuộc đối thoại đầu tiên từ khi Chi hội Lữ hành Lâm Đồng được thành lập cách đây 1 tháng...

(LĐ online) - Là chủ đề chương trình đối thoại do Chi hội Lữ hành Lâm Đồng (trực thuộc Hiệp hội du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt) tổ chức ngày 6/1/2020. Đây là cuộc đối thoại đầu tiên từ khi Chi hội Lữ hành Lâm Đồng được thành lập cách đây 1 tháng. Mặc dù, không khí chương trình đối thoại còn mang tính xã giao, nhưng, đã khẳng định ý chí, tính năng động và tư duy dám nghĩ - dám làm của thế hệ những người làm du lịch tại Lâm Đồng hiện nay.
 
Nhiều ý kiến thiết thực và cụ thể của doanh nghiệp được bàn luận
Nhiều ý kiến thiết thực và cụ thể của doanh nghiệp được bàn luận
 
Tham dự đối thoại có ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch (XTĐTTM&DL) tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch; ông Phùng Quý Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt, ông Hoàng Ngọc Huy - Trưởng phòng Quản lý Du lịch (Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng). 
 
Đại diện các đơn vị lữ hành, điểm đến, khách sạn tại Đà Lạt nêu các vấn đề liên quan đến hoạt động kết nối giao thương, hợp tác kinh doanh giữa các đơn vị lữ hành với điểm đến, nhằm mang lại những quyền lợi thực tiễn cho doanh nghiệp, cho địa phương, cho ngành du lịch nói chung; đồng thời, chung tay xây dựng các kế hoạch phát triển du lịch của Sở VHTT& DL, Trung tâm XTĐTTM&DL Lâm Đồng, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lâm Đồng…
 
Thay mặt cơ quan quản lý về du lịch, ông Hoàng Ngọc Huy đưa ra các số liệu khẳng định, Lâm Đồng đang là một điểm đến rất hot, với tỷ lệ tăng hơn 10% lượng khách đến mỗi năm góp phần tạo nên dấu ấn trong 10 sự kiện quan trọng của ngành du lịch Việt Nam năm 2019 là đón 11 triệu du khách quốc tế; riêng Lâm Đồng đón 533 ngàn lượt khách quốc tế và hơn 6 triệu khách nội địa. Từ đó, thúc đẩy hình thành nhiều đơn vị kinh doanh lữ hành và cơ sở lưu trú (CSLT), hiện nay, toàn tỉnh có 65 đơn vị kinh doanh lữ hành với 32 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế; 2250 CSLT với hơn 25.600 phòng...
 
Ông Huy nhận định, việc bắt tay giữa Chi hội Lữ hành và các khách sạn, điểm đến là cơ hội hợp tác để làm ăn cùng có lợi; có thể đề xuất cụ thể đến cơ quan quản lý Nhà nước để cùng đồng hành và được hỗ trợ tối đa, đặc biệt là trong việc thực hiện Luật Du lịch, hoặc tham gia các chương trình quảng bá, khảo sát du lịch ở trong và nước ngoài...
 
Buổi đối thoại cũng đưa ra những hệ lụy của tour 0 đồng từ thị trường du lịch Trung Quốc đã không tạo giá trị thật cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và là bài học đắt giá cho du lịch Nha Trang và Đà Nẵng trong khoảng 1 năm nay. Theo ông Nguyễn Đức Trường - Tổng Giám đốc (GM) Dalat Palace và Dinh I Đà Lạt: Khi thị trường du khách Trung Quốc béo bở ở Nha Trang trong khoảng thời gian từ 2014-2016 tạo nên một sự cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là về giá lưu trú và giá dịch vụ; và khi thị trường này rút đi vào cuối năm 2018 đã tạo ra một sự khủng hoảng về giá, khiến, có khách sạn 5 sao chỉ bán trên 1 triệu/phòng. Thị trường Đà Lạt đang hút khách Hàn Quốc, nếu GM và Sale không rút kinh nghiệm từ Nha Trang và Đà Nẵng, sẽ xảy ra tình trạng KS 4 sao bán giá 3 sao thì làm sao KS 3 sao đón khách được?
 
Mục đích Chung tay kết nối – đồng hành phát triển du lịch đang lan tỏa
Mục đích Chung tay kết nối - đồng hành phát triển du lịch đang lan tỏa
 
Ông Lâm Dương An - GM Golf Valley, đề xuất: Cạnh tranh sòng phẳng bằng chất lượng sản phẩm, chứ đừng cạnh tranh về giá. Vì nếu cạnh tranh bằng giá thì sẽ tạo điều kiện cho tour 0 đồng hoạt động và chúng ta sẽ thua trên sân nhà, kéo theo giá khách sạn chìm xuống và bào mòn các giá trị dịch vụ du  lịch khác. Ông An cũng nhắc lại bài học xảy ra với thị trường khách Trung Quốc ở Khánh Hòa và Đà Nẵng, đó là, khi nguồn cung tăng đến một mức nào đó so với nhu cầu, thì tạo ra một hệ lụy là nếu trong vòng 3 tháng, không có đủ lượng khách như thế - thị trường sẽ sụp đổ.
 
Ông Nguyễn Văn Võ - GM Anna Mandara Villa, mong muốn có sự hỗ trợ từ Hiệp hội và chính quyền để tạo nên sự phát triển, kiểm soát và cảnh báo ở tầm vĩ mô. Sự cạnh tranh và phát triển của các doanh nghiệp là cần thiết, nhưng để cùng nhau win - win, không nên để xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, cụ thể là từ giá ẩm thực đến giá phòng. Như vậy, để có thông tin hỗ trợ nhau giữa các doanh nghiệp KS và lữ hành cần có thêm các buổi tọa đàm gần gũi, thiết thực, ý nghĩa hơn, đúng với mục đích “Chung tay kết nối - đồng hành phát triển”.
 
Ông Tưởng Hữu Lộc - Chủ tịch Chi hội Lữ hành Lâm Đồng, đúc kết nhiều giải pháp, chú trọng đến việc các bên đều am hiểu thông tin của nhau là cần thiết để sử dụng chéo dịch vụ và có thể giới thiệu được sản phẩm của đối tác…; tham dự các chương trình xúc tiến, quảng bá của cơ quan quản lý nhà nước và đồng hành với các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch của tỉnh... để có mối liên kết thân tình hơn nữa trong hoạt động và phát triển của doanh nghiệp nói riêng và du lịch Lâm Đồng nói chung.
 
LÊ HOA