Lễ hội và du lịch

06:01, 21/01/2020

Năm nào đấy, cũng khá lâu rồi, đồng loạt một số báo lên án "lễ hội đâm trâu" của một tỉnh Tây Nguyên tổ chức trong một sự kiện du lịch...

Năm nào đấy, cũng khá lâu rồi, đồng loạt một số báo lên án “lễ hội đâm trâu” của một tỉnh Tây Nguyên tổ chức trong một sự kiện du lịch. Đơn giản là, người tổ chức thì nghĩ thế là cách để... dụ khách du lịch tới, đặc biệt là khách Tây, đối tượng chính của du lịch. Nhưng khách thì không nghĩ thế. Trước đấy cũng đã có nơi tổ chức rồi, nhưng hoặc là ít khách, hoặc là chưa đúng thời điểm, nên sự phản đối nó không dữ dội như lần này.
 
Một tiết mục biểu diễn trong Festival Hoa Đà Lạt 2019. Ảnh: Võ Trang
Một tiết mục biểu diễn trong Festival Hoa Đà Lạt 2019. Ảnh: Võ Trang
 
Kể cả khách trong nước, được coi là quen với các lễ hội nhiều máu me, quen với kiểu cắt tiết đập chết ăn thịt tươi sống chứ không cần qua các công đoạn “giảm thiểu đau thương”, các công đoạn trực quan đập vào mắt... cũng không chịu nổi cái cảnh con trâu bị cột giữa sân vận động, xung quanh là chiêng trống, là múa hát, là ngùn ngụt người... rồi phập phập...
 
Và rồi sau đấy người ta mới phát hiện ra rằng, cái gọi là “lễ hội đâm trâu” ấy nó chỉ là sản phẩm của một nhóm người tưởng tượng ra rồi nâng cấp nó lên, thành một sản phẩm du lịch, chứ bản thân người Tây Nguyên không có một lễ hội nào quái đản như thế, mà nó chỉ là một thành tố của lễ hội thôi. Nó như là người Kinh giỗ thì phải có gà vậy, nhưng con gà thì chưa phải là giỗ. Cũng như thế, cồng chiêng nó cũng chỉ là một thành tố của lễ hội, nhưng rồi người ta cũng nâng cấp nó lên thành “lễ hội cồng chiêng”.
 
Ở đây bèn đặt ra một câu hỏi hết sức nghiêm túc về cái sự tổ chức các lễ hội để thu hút khách du lịch, nhất là khách Tây.
 
Đang có một mâu thuẫn rất lớn giữa sự phát triển và bảo tồn, giữa du lịch và văn hóa. Vấn đề là chúng ta có nghiêm túc nhìn nhận ra nó không, để mà cùng tương hỗ để tồn tại, chứ không phải là cái này triệt tiêu cái kia, hoặc là cùng... triệt tiêu.
 
Nói thật là, trừ một số khu vực, tỉnh, thành có những thuận lợi rất lớn về du lịch lâu nay, như Hà Nội, Hạ Long, Huế, Quảng Nam, Nha Trang - Khánh Hòa, Đà Lạt vân vân, còn lại đa phần là manh mún, tự làm tự hưởng.
 
Đã qua rồi thời các lễ hội phải thật lớn, thật hoành tráng, thấy rất rõ bàn tay dàn dựng của con người trong ấy, như các cuộc khai mạc, bế mạc các lễ hội du lịch lớn chúng ta hay thấy truyền hình trực tiếp trên ti vi. Hàng đoàn người là lượt, quạt nón, múa nhảy, ánh sáng, âm nhạc, những bài bản rất quen đến nhàm chán, ví dụ bài hát “Việt Nam quê hương tôi” rất hay nhưng nếu cuộc khai và bế mạc nào cũng có nó cất lên thì quả là... rất cũ.
 
Bây giờ người ta hướng tới những gì thuận tự nhiên hơn. Tôn trọng tự nhiên, giữ những gì mà tự nhiên dâng cho con người, bám vào nó mà tổ chức, một cách hết sức tôn trọng chứ không thô bạo, không cưỡng bức, không mang ý chí của con người vào.
 
Thì chả ào ào những phong trào leo núi lửa, ngắm hoa dã quỳ, hoa muồng, cỏ hồng vân vân các kiểu đấy sao. Tất nhiên nếu chỉ có thế thì nó đơn giản quá, ăn sẵn quá.
 
Sang Thái Lan chẳng hạn, người ta có ý thức về du lịch rất rõ. Ví dụ như thủy điện chẳng hạn. Chắc nó không đẹp, không tầm cỡ, không hoành tráng như mấy cái thủy điện ở Việt Nam tôi từng tới, nhưng cái khác là, mọi thứ chuẩn bị phục vụ cho du lịch rất chuẩn, từ sân đậu xe, toilet, tới mấy cái bảng, cái trái tim, cái ghế treo... dựng lên cho khách chụp ảnh. Thủy điện Srinagarind thuộc tỉnh Kanchanaburi khách cũng nườm nượp vào thăm đập, chụp ảnh búa xua rồi lại ra thác, lại chụp ảnh, rồi lăn ra bãi cỏ, rất rộng và đẹp, rồi mấy cái nấm giả vân vân... mà chả thấy thu vé gì. Ở Việt Nam cũng có vài nơi tổ chức cho khách du lịch tham quan, nhưng như thủy điện Ia Ly chẳng hạn, khi thiết kế chỉ là làm thủy điện, đến khi xong rồi thấy khách khoái tới xem thì... thành lập một ban du lịch, của nhà máy, tất nhiên. Nên nó hết sức nghiệp dư và luộm thuộm. Và bán vé, tất nhiên. Hết sức tủn mủn và tạm bợ, kiểu hàng xén chứ không mang tầm quốc gia như một thể thống nhất, dù Thái Lan nhất nhất là... tư nhân, chúng ta có sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương tới địa phương.
 
Lại nói vào thăm cái vườn quốc gia cũng thế. Lại phải nói luôn, so với rừng bên mình thì cũng... thường thôi. Thế mà nó khiến cho người vào thăm phải e dè, trân trọng chứ không dám chạy nhảy tung tăng ăn uống xả rác bừa bãi. Xe chở khách dừng từ xa rồi có xe điện phục vụ. Vào thăm Lang Bian ở Đà Lạt cũng phải đi xe của khu du lịch, nhưng là xe Zeep hoặc Uoat, là bởi xe cá nhân không lên nổi, phải xe này mới đủ sức mạnh để lên. Còn ở đây, đường bằng, nhưng vẫn cấm xe, mời các ông bà đi xe điện. Tất nhiên xe điện này phải trả tiền, thu tiền một cách ngọt ngào như ăn kem vậy.
 
Con sông Songkalia bao quanh khu du lịch có cái resort chúng tôi ở lượn quanh một khu rừng hoai hoải tuổi, tức không non cũng chưa già, chắc tương đương rừng khộp bên ta vì rất nhiều đá. Gọi là sông chứ có khi nó nhỏ hơn mấy con suối ở Tây Nguyên. Trên ấy có mấy cái bè tre để sẵn. Khách leo lên đấy ngồi theo hướng dẫn xong thì một con thuyền máy hình dáng như thuyền con én chạy đến, ngoắc cáp vào kéo, ngược nước. Khách ngồi trên ấy, ban đầu còn khép nép, sau thì... sướng quá, đứng lên hú hét, chụp ảnh tự sướng các kiểu, kể cả nhảy co chân lên như thể đang bay vào không gian, kiểu chụp ảnh mới phát sinh gần đây. Chạy chừng 45 phút thì thuyền tháo dây, lúc này bè trôi xuôi nước trở lại nơi xuất phát, thuyền chạy về trước. Lúc này mới biết vai trò của mấy ông Thái địa phương lên bè ngồi từ lúc xuất phát: các ông ấy điều khiển bè. Khách ai thích các ông ấy cũng giao cho một cái mái chèo mà khua loạn xạ, chủ yếu để... chụp ảnh nuôi phây.
 
Các tỉnh Tây Nguyên hiện nay đều đang cố gắng có những phương án tích cực để đẩy du lịch lên thành ngành mũi nhọn, lấy du lịch làm đòn bẩy và cũng là mục đích để vừa bảo tồn vừa phát triển, từ văn hóa, lối sống đến toàn bộ đời sống xã hội. Mỗi tỉnh chọn cho mình một lễ hội lớn, nâng lên thành fesstival dù festival chính là... lễ hội. Như Lâm Đồng là Festival Hoa, và họ đã nhanh tay lấy hoa dã quỳ làm biểu trưng của mình, và đây là lễ hội rất thành công. Đăk Lăk thì cà phê, Gia Lai thì cồng chiêng, Đăk Nông thì thổ cẩm, Kon Tum thì đường phố vân vân, chưa kể hàng trăm lễ hội lớn nhỏ khác do các đơn vị trực thuộc tỉnh thực hiện. Vấn đề là, hình như chưa có ai thống kê thử xem, vậy thì hiệu quả thực sự của nó ra sao, cái gì mạnh cần phát huy, cái gì manh mún cục bộ không phát huy nữa. Huyện Phú Thiện tỉnh Gia Lai khôi phục một cái lễ hội cầu mưa, nhưng nó lọt thỏm ở giữa một cái huyện xa lắc xa lơ, ý nghĩa bảo tồn còn khó, huống gì quảng bá du lịch, bởi đơn giản ai cũng thấy ngay rằng, chả có ai thục mạng chạy hàng trăm cây số xuống một địa điểm cụ thể ấy, chỉ để dự một cái lễ hội hết sức cá biệt và quy mô làng ấy. Tất nhiên không ai chê hoặc coi thường quy mô làng, bởi toàn bộ lễ hội dân gian, về nguyên tắc, nó đều xuất phát từ làng, lấy không gian làng làm trung tâm, và làng chính là nơi nuôi dưỡng bảo tồn lễ hội ấy, nên tôi hết sức nghi ngờ khi người ta tổ chức cái gọi là Festival Cồng chiêng rất to, mang tầm quốc tế ở giữa một thành phố, giữa quảng trường, dù nó là thành phố Tây Nguyên, quảng trường ở Tây Nguyên. 
 
Và nữa, nông thôn mới hiện nay là một chủ trương lớn để phát triển kinh tế, phát triển đời sống xã hội nông thôn, nhất là ở Tây Nguyên. Nhưng, nếu tổ chức không khéo, nó lại như phong trào nhà rông văn hóa dạo nào. Nó xóa nhòa bản sắc, nó khiến tất cả các làng Tây Nguyên (và không chỉ Tây Nguyên, các làng người Kinh ở đồng bằng cũng rất dễ bị), nó dễ biến làng thành những cụm nhà vô hồn, vô bản sắc, không quá khứ, không ký ức, không những thổn thức vui buồn, tênh hênh như phố nhưng lại không thể là phố...
 
Vậy nên, chưa chắc cứ rầm rộ tổ chức các lễ hội là có thể kéo được khách đến, nhất là khách Tây. Văn hóa là những gì nó phải lâu bền, phải sâu sắc, phải đằm thắm, phải lặn vào trong đời sống tưởng như thầm lặng nhưng đầy những dư ba, đầy những xáo động, sự xáo động như mạch ngầm xuyên qua đời sống, xuyên qua tháng năm, xuyên qua thời gian, không gian để trở thành một cái gì đấy vững bền chứ không như pháo hoa rực lên rồi tắt, dù rằng, pháo hoa cũng là một phần của lễ hội...
 
VĂN CÔNG HÙNG