Tạo khác biệt để phục hồi du lịch sau dịch

06:06, 11/06/2020

Sau quãng thời gian tạm ngừng hoạt động tránh dịch bệnh, các dịch vụ du lịch tại Lạc Dương đã bắt đầu đón khách trở lại với những hoạt động kích cầu du lịch thiết thực nhằm thu hút du khách.

Sau quãng thời gian tạm ngừng hoạt động tránh dịch bệnh, các dịch vụ du lịch tại Lạc Dương đã bắt đầu đón khách trở lại với những hoạt động kích cầu du lịch thiết thực nhằm thu hút du khách.
 
Khu Du lịch Langbiang thu hút đông đảo du khách đến tham quan
Khu Du lịch Langbiang thu hút đông đảo du khách đến tham quan
 
Thêm nhiều trải nghiệm cho du khách
 
Dù còn rất nhiều khó khăn trước mắt, nhưng du lịch Lạc Dương đang gấp rút tái khởi động và phục hồi du lịch sau khi tình hình dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát. Để tạo ra sự hấp dẫn cũng như thu hút khách, địa phương đang bổ sung các sản phẩm du lịch mới, phù hợp với thị hiếu của du khách và nâng cao chất lượng sản phẩm.
 
Ông Cil Khiốp - Phó Giám đốc Khu Du lịch Langbiang cho biết, Khu Du lịch Langbiang hàng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Cũng giống như những khu du lịch khác trên cả nước, thực hiện cách ly xã hội đơn vị phải tạm đóng cửa. Trong thời gian nghỉ dịch, đơn vị cho tiến hành đầu tư thêm nhiều công trình phụ như hệ thống nhà hàng, các tiểu cảnh, thác nước... Bên cạnh đó, đối với những sản phẩm chủ lực như đưa du khách lên đỉnh Radar, đơn vị phối hợp với Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Lạc Dương cho kiểm tra, bảo dưỡng tất cả dàn xe Jeep; dịch vụ biểu diễn cồng chiêng cũng được xây dựng lại kịch bản cho đúng với nguyên gốc văn hóa bản địa, giúp du khách có thể thưởng thức một cách trọn vẹn không gian văn hóa cồng chiêng đậm chất Tây Nguyên. Ngoài ra, đơn vị cũng đã tiến hành khảo sát, lên phương án để mở thêm tuyến du lịch Trekking lên đỉnh núi Bà cao hơn 2.000 m, thu hút du khách trải nghiệm núi rừng hoang sơ Lang Biang.
 
Còn tại Khu Du lịch trải nghiệm văn hóa Chappi Moutains Coffee (xã Đạ Chais) cũng được cô chủ Nguyễn Lê Thạch Thảo đầu tư thêm nhiều chương trình để thu hút khách sau dịch. Ngoài trải nghiệm một vòng quần thể 10 bungalow phân bổ giữa khu đồi cà phê trên cao, trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê cùng với người nông dân, du khách còn được trải nghiệm văn hóa bản địa thông qua những điệu múa cồng chiêng, thưởng thức ẩm thực và được hòa mình vào với thiên nhiên của núi rừng và trồng rừng, góp phần bảo vệ màu xanh của núi rừng nơi đây... Nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến đây tham quan, nghỉ dưỡng đều bày tỏ ngạc nhiên, thú vị trước không gian núi rừng tự nhiên và nét đẹp văn hóa tại đây. 
 
 Khu Du lịch Chappi Moutains Coffee có thêm nhiều dịch vụ mới thu hút du khách
Khu Du lịch Chappi Moutains Coffee có thêm nhiều dịch vụ mới thu hút du khách
 
Hay như những điểm giao lưu văn hóa cồng chiêng của già Krajan Plin, già làng Krajan Tham (thị trấn Lạc Dương) cũng sưu tầm thêm những vật dụng xưa của người bản địa, phục dựng lại những câu chuyện, nghi thức để thu hút và níu giữ chân du khách đến với Lạc Dương.
 
Đến Lạc Dương bây giờ, du khách còn được trải nghiệm du lịch canh nông, thưởng thức các sản phẩm dâu tây, rau, củ quả và hoa sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, huyện Lạc Dương đã được UBND tỉnh công nhận 2 điểm du lịch canh nông (Kiến Huy, Rừng hoa Bạch Cúc), đây là các đơn vị tiếp tục tái tạo lại vườn, đưa vào nhiều giống cây trồng mới để phục vụ nhu cầu của du khách.
 
Các loại hình du lịch trên địa bàn gắn với không gian văn hóa cồng chiêng, Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Lang Biang, hồ Đan Kia - Suối Vàng và Di tích quốc gia núi Lang Biang,... đã và đang được khai thác phục vụ du lịch rất hiệu quả. Mạng lưới các cơ sở du lịch được mở rộng; cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng phục vụ du lịch được đầu tư nâng cấp, sản phẩm du lịch ngày một đa dạng, chất lượng phục vụ ngày càng cao. 
 
Du khách thưởng thức trọn vẹn đêm hội cồng chiêng ở Khu Du lịch Langbiang
Du khách thưởng thức trọn vẹn đêm hội cồng chiêng ở Khu Du lịch Langbiang
 
Đa dạng sản phẩm du lịch
 
Xác định du lịch canh nông, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm, du lịch trải nghiệm và du lịch cộng đồng là sản phẩm du lịch mới, có tính cạnh tranh cao, có nét đặc trưng khác biệt mang thương hiệu của huyện nên Lạc Dương đã gắn việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch với các loại hình kinh tế như các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, từ đó phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong phục vụ du lịch. Đồng thời, tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch truyền thống và có lợi thế của huyện như nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, tham quan, lễ hội... Các cơ sở du lịch đã chủ động liên kết tour, tuyến và cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ kèm theo để đáp ứng nhu cầu của du khách như tham quan, dã ngoại, ăn uống, giao lưu văn hóa cồng chiêng tại Khu Du lịch Langbiang và Làng Cù Lần; dã ngoại, nghỉ dưỡng tại Khu Du lịch Ma Rừng Lữ Quán và Thung lũng Vàng; du lịch sinh thái và giáo dục môi trường rừng, giao lưu văn hóa cồng chiêng tại Khu Du lịch Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Ngoài ra, du khách đã bước đầu khám phá loại hình du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, mua dâu tây sạch tại các xã Đạ Sar, Đa Nhim, Đa Chais dọc tuyến Quốc lộ 27C, du lịch cộng đồng tìm hiểu văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, thưởng thức cà phê Arabica Lang Biang (K’Ho Coffee), mua sắm sản phẩm thổ cẩm tại tổ dân phố B’Nơ C...
 
Ông Cao Anh Tú, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lạc Dương cho biết, trong thời gian qua, công tác quy hoạch các khu du lịch, điểm du lịch được tiến hành kịp thời, nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh của huyện, đảm bảo cảnh quan thiên nhiên, môi trường, bản sắc văn hóa dân tộc. Hạ tầng du lịch được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng tốt nhu cầu về phát triển du lịch, các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc bản địa được khai thác một cách có hiệu quả, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa phục vụ du lịch. Huyện Lạc Dương đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào khai thác các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các không gian văn hóa của dân tộc trong huyện để khôi phục lại du lịch của huyện trong thời gian tới.
 
PHONG VÂN