Xây dựng du lịch gắn với văn hóa bản địa

05:06, 03/06/2020

Trước sự bùng nổ mạnh mẽ của hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn TP Đà Lạt cũng như xu hướng mở rộng ra ngoại ô, vùng phụ cận, xã Tà Nung đang hướng đến xây dựng nền tảng du lịch bền vững dựa trên những yếu tố văn hóa bản địa và con người.

Trước sự bùng nổ mạnh mẽ của hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn TP Đà Lạt cũng như xu hướng mở rộng ra ngoại ô, vùng phụ cận, xã Tà Nung đang hướng đến xây dựng nền tảng du lịch bền vững dựa trên những yếu tố văn hóa bản địa và con người.
 
Check in ở Moon Farm - một điểm du lịch mới mở trên địa bàn xã Tà Nung. Ảnh: Hoàng Cao Khánh
Check in ở Moon Farm - một điểm du lịch mới mở trên địa bàn xã Tà Nung. Ảnh: Hoàng Cao Khánh
 
“Nở rộ” điểm du lịch tự phát
 
Không khó để nhận ra sự nở rộ điểm du lịch tự phát khi đi trên tuyến Tỉnh lộ 725 từ TP Đà Lạt đến huyện Lâm Hà, qua các xã Tà Nung, Mê Linh, thị trấn Nam Ban… “Thực chất đây chỉ là các quán cà phê, tận dụng ưu thế về không gian thoáng đãng, view núi đồi thơ mộng nên kết hợp để xây dựng thêm các tiểu cảnh, trang trí thu hút khách đến “check in”, chụp hình sống ảo. Những địa điểm như Hồ trên mây, Dalaland, Em Tà Nung coffee… đa phần thu hút đối tượng là những người trẻ”, anh Rơ Ông Ha Lanh - cán bộ văn hóa - xã hội xã Tà Nung cho hay.
 
Tuyến đường du lịch Đà Lạt - Tà Nung - Nam Ban hiện nay cũng là một trong những tuyến du lịch canh nông gắn liền với nhiều yếu tố về bản địa, văn hóa truyền thống. Thế nhưng ngay “nút thắt” Tà Nung, chỉ có duy nhất một khu du lịch canh nông được UBND tỉnh công nhận đó là Thúy Thuận Coffee. Tiền thân đây là cơ sở sản xuất kinh doanh cà phê được thành lập từ năm 2006, được kết hợp phát triển du lịch canh nông 3 năm trở lại đây. Tại đây, du khách được thưởng thức thắng cảnh tự nhiên, tham quan nhà máy sản xuất, chế biến cà phê cùng quy trình nghiêm ngặt để tạo ra dòng cà phê chất lượng đưa đến tay người tiêu dùng. 
 
Theo thống kê, toàn xã hiện có đến 15 điểm hoạt động về du lịch canh nông, cà phê giải khát, câu cá giải trí trên địa bàn, do người dân địa phương mở ra khi thấy cung đường DT725 thời gian gần đây có nhiều lượt khách đến tham quan, tìm hiểu. 
 
Nhiều điểm trong số này có cách bố trí, sắp đặt na ná nhau, chủ yếu tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch đến chụp hình như nấc thang lên thiên đường, bàn tay phật… 
 
Giá qua cổng của những nơi này không rẻ, thậm chí còn cao hơn những khu du lịch mang những giá trị lâu đời ở Đà Lạt như Vườn hoa thành phố, Dinh Bảo Đại, hồ Than Thở… “Họ đang đánh trúng tâm lý của những người trẻ như chúng tôi, muốn có những tấm ảnh đẹp ghi dấu trong chuyến đi Đà Lạt. Nhưng chỉ dừng lại ở đó thôi, đi rồi thì mình sẽ không có ý định quay trở lại vào lần sau”, chị Trần Thị Hoài Thu (du khách TP HCM) chia sẻ.
 
Để du lịch tìm về văn hóa nguồn cội
 
Với vị trí địa lý thuận lợi cùng những giá trị và bản sắc văn hóa lâu đời của người K’Ho, Tà Nung hoàn toàn sẵn sàng cho việc xây dựng du lịch gắn với truyền thống. Từ năm 2017, TP Đà Lạt đã triển khai đề án khôi phục các nghề truyền thống như đan lát, rượu cần, trồng bầu hồ lô… người dân được tạo điều kiện giao lưu, tham gia tập huấn nên cũng đã trở nên nhanh nhạy hơn đối với du lịch.
 
Theo chị Liêng Hot Hồng Thắm - Phó Chủ tịch UBND xã, du lịch ở Tà Nung bắt đầu khởi sắc và phát triển mạnh mẽ trong khoảng 5 năm trở lại đây. Điều này góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Đến nay có khoảng gần 100 lao động có thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/tháng tại những khu, điểm hoạt động du lịch. 
 
“Nhiệm vụ trong thời gian tới là làm sao có thể gắn phát triển du lịch với văn hóa bản địa và đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái. Trước mắt, xã sẽ gấp rút khôi phục và củng cố 2 đội cồng chiêng để làm việc với các điểm hoạt động du lịch để đưa vào hoạt động, phục vụ nhu cầu của du khách. Còn với các điểm có hoạt động du lịch như hiện tại, chúng tôi đã làm việc và đang tiến hành định hướng, dẫu có là quán cà phê, điểm check - in thì cũng phải gắn với duy trì, bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa. Bởi chỉ khi gắn với yếu tố con người và văn hóa mới có thể phát triển bền vững”, chị Hồng Thắm cho biết thêm.
 
Với những giá trị như thế, du khách có thể dừng chân nơi này vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Là những ngày tháng 3 để đắm mình trên những triền đồi bạt ngàn hoa cà phê trắng muốt, thưởng thức hương thơm, mật ngọt. Đến vụ thì trực tiếp thu hái cà phê, phơi, trải qua các công đoạn rang xay, thưởng thức tách cà phê thơm nồng do chính tay mình làm nên. Mùa khoai thì xắn tay cùng bà con đào củ, phơi, sấy… cho ra mùi vị khoai lang mật vốn nức tiếng gần xa. Đã từng có nhiều vị khách ghé thăm nơi này, gắn bó trải nghiệm cuộc sống với những người nông dân thực thụ... Đối với những người thích tìm hiểu văn hóa truyền thống, có thể ghé thăm các nghệ nhân, chăm chú với từng động tác dệt nên tấm vải thổ cẩm, làm từng ché rượu cần hay đích thân gõ vang lên từng tiếng chiêng - thứ âm thanh vốn vang vọng như hơi thở của đại ngàn.
 
HỒNG THẮM