Hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch

06:10, 29/10/2020

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các hoạt động hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong vùng và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch...

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các hoạt động hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong vùng và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch; khuyến khích xã hội hóa về du lịch và quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được chú trọng toàn diện, từ công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch về du lịch, cơ chế, chính sách phát triển du lịch; đến công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch, ứng dụng khoa học, công nghệ...
 
Kiểm tra, giám sát là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước. Ảnh: Đoàn công tác liên ngành của tỉnh Lâm Đồng thẩm định thực tế điều kiện hoạt động của mô hình du lịch canh nông
Kiểm tra, giám sát là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước. Ảnh: Đoàn công tác liên ngành của tỉnh Lâm Đồng thẩm định thực tế điều kiện hoạt động của mô hình du lịch canh nông
 
Các cấp, các ngành quan tâm đến công tác cải cách hành chính, thực hiện tốt cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; chủ động triển khai và hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện đúng pháp luật về quy hoạch, đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch; đặc biệt là ở 2 khu du lịch quốc gia (KDLQG) hồ Tuyền Lâm và Đankia - Suối Vàng. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành Quyết định quy định về quản lý hoạt động tổ chức và khai thác kinh doanh du lịch mạo hiểm và du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình du lịch này phát triển và thu hút khách du lịch, khai thác tốt đặc thù riêng có của Lâm Đồng. 
 
Thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 3/9/2015, tỉnh triển khai một số chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư về du lịch; đồng thời, có những hỗ trợ, ưu đãi đối với các dự án đầu tư như: hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng, xúc tiến đầu tư, tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp, ưu đãi theo chính sách đặc thù của thành phố Đà Lạt...; tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong và ngoài nước; tập trung chỉ đạo đầu tư phát triển hạ tầng (giao thông, điện, cấp thoát nước, viễn thông, xử lý nước thải, rác thải...) đến các khu vực quy hoạch du lịch, nhất là tại KDLQG hồ Tuyền Lâm, Khu Du lịch Đankia - Suối Vàng và các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh...; thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp có thương hiệu lớn trong lĩnh vực du lịch đến tìm hiểu và đề xuất đầu tư (FLC, Vingroup, Đại Quang Minh, Hưng Thịnh, Himlam, TDH Ecoland, Novaland...).
 
Hằng năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch; cùng các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch đến thị trường trong nước và quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch, kết nối tour tuyến, mở rộng thị trường và cung cấp thông tin cho du khách; tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sự kiện du lịch tại các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước, đón các đoàn lữ hành và báo chí của các địa phương trong nước và quốc tế đến khảo sát sản phẩm dịch vụ du lịch tại Lâm Đồng..., góp phần nâng cao thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng, được truyền thông quốc tế quan tâm, đánh giá cao...
 
Lâm Đồng có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong đào tạo. Trong ảnh: Chương trình đào tạo hướng dẫn viên du lịch thể thao mạo hiểm do các chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện.
Lâm Đồng có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong đào tạo. Trong ảnh: Chương trình đào tạo hướng dẫn viên du lịch thể thao mạo hiểm do các chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện
 
Ngành Du lịch cũng quan tâm đến ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động, góp phần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và du khách, như: quản lý, đăng ký khách du lịch lưu trú qua mạng, với hơn 2.300 cơ sở lưu trú (CSLT) thực hiện, giúp các đơn vị kinh doanh lưu trú giảm thiểu các thủ tục hành chính, tiết kiệm được thời gian, chi phí và công sức; tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện các hoạt động giao tiếp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các cơ sở kinh doanh lưu trú qua mạng Internet (gửi giấy mời, thông báo, triển khai các văn bản mới của nhà nước về du lịch...); giúp các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là ngành công an có thể quản lý, theo dõi và nhanh chóng phát hiện các đối tượng tội phạm đang lưu trú tại các CSLT trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Việc triển khai giải pháp du lịch thông minh (ứng dụng “Dalat Flower City” trên các thiết bị di động) thuộc Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” cung cấp nhiều thông tin và dịch vụ về du lịch Đà Lạt thông qua các trang thương mại điện tử và du lịch trực tuyến đã được đông đảo du khách lựa chọn, góp phần xây dựng du lịch chất lượng cao, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế bền vững. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh triển khai 3 đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển du lịch (Đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa tại chỗ qua du lịch tại Lâm Đồng; Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030; “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”.
 
Tỉnh cũng thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kiểm tra, giám sát đầu tư... nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển du lịch. Với 143 dự án du lịch, dịch vụ có tổng vốn đăng ký khoảng 53.516,9 tỷ đồng, diện tích 12.770,8 ha; giai đoạn 2016 - 2020, tổng thu từ khách du lịch là 52.164 tỷ đồng; số lượng lao động trực tiếp phục vụ ngành du lịch khoảng 13.000 lao động (có 80% số lao động trực tiếp đã được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ). Không tính thời gian ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tần suất khai thác tại Sân bay Liên Khương trung bình khoảng 28-30 chuyến/ngày, cao điểm vào mùa du lịch có thể tăng lên trên 50 chuyến/ngày; vận tải hành khách tăng bình quân 30%/năm, vận tải hàng hóa tăng 32%/năm...
 
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết: Là cơ quan nhà nước giữ vai trò quản lý trong sự nghiệp phát triển du lịch tại địa phương, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tăng cường thực hiện các nhiệm vụ về phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, chú trọng quản lý và định hướng cho các doanh nghiệp du lịch; góp phần thúc đẩy ngành kinh tế động lực của tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, hoạt động có hiệu quả hơn; lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch tăng đều hằng năm.
 
LÊ HOA