Để trở thành Điểm Du lịch

06:11, 19/11/2020

Sự kiện Hầm Vang Đà Lạt (tại thôn Phát Chi, xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt), thuộc Công ty Cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng (Ladofoods), vừa được công nhận Điểm du lịch...

Sự kiện Hầm Vang Đà Lạt (tại thôn Phát Chi, xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt), thuộc Công ty Cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng (Ladofoods), vừa được công nhận Điểm du lịch, không phải là một sự kiện lớn của doanh nghiệp, nhưng đánh dấu bước tiến mới trong định hướng hoạt động du lịch chuyên nghiệp của đơn vị và khẳng định được uy tín của thương hiệu Ladofoods. Được công nhận “Điểm Du lịch” hay “Khu Du lịch” theo quy định Luật Du lịch cũng đang là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp hoạt động du lịch.
 
Hầm Vang Đà Lạt - Điểm Du lịch đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng theo Luật Du lịch
Hầm Vang Đà Lạt - Điểm Du lịch đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng theo Luật Du lịch
 
Bà Phạm Phan Ngọc Dung - Trưởng Hầm Vang Đà Lạt, cho biết: Ladofoods đã có sự đầu tư nghiêm túc và bài bản trong việc xây dựng nền tảng để hình thành và khẳng định uy tín của thương hiệu. Ngoài việc không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, cải tiến mạnh mẽ trong phát triển nguồn nguyên liệu nho vang; đổi mới quy trình sản xuất và ủ nho trên cơ sở nghiên cứu và tiếp thu các kiến thức từ châu Âu, Công ty còn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào sản xuất, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm HT QLCL ISO 22.000, phiên bản 2018... để đưa ra thị trường những chai vang đạt chuẩn quốc tế. 
 
Hầm vang Đà Lạt của Ladofoods được xây dựng từ mục tiêu khao khát tạo ra một di sản để vừa gìn giữ, vừa tạo cơ hội cho du khách đến với Đà Lạt có thêm một nơi trải nghiệm độc đáo về kiến trúc và văn hóa rượu vang chuẩn châu Âu, để cùng chuyển tải những giá trị cảm xúc khi du lịch trên vùng đất mát lành, quanh năm hoa trái, thông reo và con người thân thiện...
 
Nhà giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại Hầm Vang Đà Lạt cũng tạo nên cảm xúc khác lạ
Nhà giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại Hầm Vang Đà Lạt cũng tạo nên cảm xúc khác lạ
 
Luật Du lịch được Quốc hội Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV (kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 19/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018), quy định tại Điều 23, điều kiện công nhận điểm du lịch, bao gồm: Có tài nguyên du lịch, có ranh giới xác định; Có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch; Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Để được công nhận điểm du lịch, đơn vị phải làm hồ sơ, bao gồm: Đơn đề nghị công nhận điểm du lịch theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định; Bản thuyết minh về điều kiện công nhận điểm du lịch quy định tại Khoản 1 Điều 23 của Luật Du lịch.
 
Tổ chức, cá nhân quản lý Điểm Du lịch có quyền: Đầu tư, khai thác, bảo vệ tài nguyên du lịch; Ban hành nội quy, tổ chức kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch; Tổ chức dịch vụ hướng dẫn, quy định - quản lý việc sử dụng hướng dẫn viên du lịch trong phạm vi quản lý; Được thu phí theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tổ chức, cá nhân quản lý Điểm Du lịch có nghĩa vụ: Bảo đảm điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 23 của Luật Du lịch; Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan; Quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong phạm vi quản lý; Bảo đảm an toàn cho khách du lịch, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường tại Điểm Du lịch; Tổ chức tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị của khách du lịch trong phạm vi quản lý.
 
Phút giây thư giãn bên Vang
Phút giây thư giãn bên Vang
 
Còn, tại Nghị định 168/2017/NĐ-CP, ngày 31/12/2017, quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, quy định: Điểm Du lịch phải có tài nguyên du lịch, có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận; Tỷ lệ bản đồ phụ thuộc vào yêu cầu quản lý và địa hình khu vực; Có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch (Có kết nối giao thông, thông tin liên lạc thuận lợi; Có điện, nước sạch; Có biển chỉ dẫn, thuyết minh về điểm du lịch; Có dịch vụ ăn uống, mua sắm); Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường (Có bộ phận bảo vệ trực 24 giờ mỗi ngày; Công khai số điện thoại, địa chỉ của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch; Có hình thức tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của khách du lịch; Nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng, được bố trí đủ, tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm; Có biện pháp thu gom và xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường; Áp dụng các biện pháp phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật).
 
Hầm Vang Đà Lạt đang trở thành điểm đến thú vị của du khách yêu thích Đà Lạt nói chung và yêu thích rượu vang nói riêng
Hầm Vang Đà Lạt đang trở thành điểm đến thú vị của du khách yêu thích Đà Lạt nói chung và yêu thích rượu vang nói riêng
 
Trong đó, nội dung cơ bản trong điều tra tài nguyên du lịch, là: Thông tin chung về tài nguyên du lịch (Tên gọi, vị trí, phạm vi, diện tích đất, (đất có) mặt nước đang sử dụng, chủ thể quản lý, sử dụng); Hiện trạng khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch; Đặc điểm, tính chất của tài nguyên du lịch; Giá trị của tài nguyên du lịch.
 
Điểm Du lịch Hầm Vang Đà Lạt hoạt động từ tháng 9/2019, có diện tích khoảng 2 ha, nằm trong khuôn viên của Nhà máy Ladora Winery rộng 4,8 ha bao gồm: Hầm Vang Đà Lạt, nhà giới thiệu trưng bày sản phẩm, vườn hoa cây cảnh, đường nội bộ... Hầm Vang Đà Lạt trưng bày giới thiệu các sản phẩm phục vụ du khách là rượu vang và nước ép trái cây của Nhà máy Ladora Winery, giới thiệu về quy trình sản xuất ra sản phẩm rượu vang và nước ép trái cây; du khách được uống thử rượu và nước ép trái cây, mua các sản phẩm rượu vang - nước ép trái cây về dùng hay làm quà biếu và thưởng thức không gian rừng thông, đồi chè, hoa cỏ trên vùng đất có truyền thống lịch sử hào hùng.
 
NHẬT QUÂN